Hà Nội gỡ khó cho sản phẩm công nghiệp chủ lực

Chia sẻ Facebook
24/10/2023 03:10:15

Thời gian qua, TP Hà Nội luôn đồng hành hỗ trợ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Những hỗ trợ này vừa giúp khẳng định vị thế hàng Việt, vừa góp phần phát triển kinh tế Thủ đô.


Hiệu quả từ sản phẩm công nghiệp chủ lực

Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, trong 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,93% so với cùng kỳ. Trong đó, sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) đóng góp tích cực vào tăng trưởng công nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế Hà Nội nói chung.

Để phát triển SPCNCL, TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 26/1/2018 phê duyệt Đề án phát triển SPCNCL TP Hà Nội định hướng tới năm 2025. Đến nay, sau gần 6 năm triển khai đề án, Hà Nội đã có 196 SPCNCL của 132 doanh nghiệp; nhiều  đơn vị nằm trong top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. 15 doanh nghiệp có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm như Công ty CP  Khóa Việt - Tiệp; Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Công ty CP Vicostone…  Đáng chú ý, có 10 doanh nghiệp FDI với các thương hiệu toàn cầu như TOTO, Canon, Panasonic… được công nhận là SPCNCL.

Sản xuất tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông- DN có sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam

Theo Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh Nguyễn Trọng Tiếu, việc sản phẩm của đơn vị được công nhận là SPCNCL đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Cùng quan điểm, đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, thông qua chương trình xét chọn SPCNCL, doanh nghiệp được hỗ trợ trong quá trình tiếp cận mặt bằng, cơ sở hạ tầng sản xuất. Ngoài ra, đây còn là một cuộc thi đua trong cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nên giá trị giá tăng của doanh nghiệp.

Giới thiệu sản phẩm xe máy điện của Tập đoàn Sơn Hà tại Hội chợ  quốc tế sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội năm 2023. Ảnh: Hoài Nam


Nhiều khó khăn phải đối mặt

Việc được công nhận là SPCNCL đã hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư sản xuất sản, doanh nghiệp cũng gặp nhiều bất cập cần được tháo gỡ.

Theo Chủ tịch HĐQT khóa Việt Tiệp Lương Văn Thắng, hiện nhiều SPCNCL TP Hà Nội đang bị đánh đồng vào sản phẩm chất lượng thấp, gây ra hệ lụy vô cùng phức tạp cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bên cạnh đó, những vấn đề về thuế, vốn, mặt bằng sản xuất, thủ tục hành chính… là những khó khăn mà đơn vị sản xuất SPCNCL đang phải đối mặt.

Không những thế, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, các SPCNCL phải chịu sức ép cạnh tranh ngay trên 'sân nhà'. Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam TS Trần Đình Thiên nhận định, mặc dù mang danh hiệu SPCNCL nhưng việc chế tạo vẫn ở dạng gia công đơn giản, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Giới thiệu sản phẩm Công nghiệp chủ lực tại Hội chợ  quốc tế sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội năm 2023. Ảnh: Hoài Nam

Hơn nữa, năng suất lao động thấp, trình độ nhân lực cũng như năng lực quản lý của doanh nghiệp chưa cao, dẫn tới tình trạng sản phẩm nội không đủ sức cạnh tranh ở những gói thầu, dự án có yêu cầu kỹ thuật cao. Điều này khiến doanh nghiệp Việt khó 'chen chân' vào chuỗi sản xuất của những tập đoàn lớn quốc tế. Đồng thời, ngay bản thân các doanh nghiệp có SPCNCL chưa liên kết được với nhau thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển SPCNCL, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện đề án phát triển SPCNCL giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Hà Nội. Trong đó nêu rõ 100% các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL thụ hưởng các chính sách hỗ trợ TP Hà Nội.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để giúp doanh nghiệp phát triển SPCNCL, TP Hà Nội sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, hệ thống quản lý, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hạ giá thành sản phẩm, cải tiến mẫu mã. Đặc biệt, TP Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.


'Đáng chú ý, TP Hà Nội tập trung triển khai, xây dựng mới và hoàn thiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, khu công nghiệp… từ đó phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao... Đến nay, TP Hà Nội đã tổ chức khởi công, động thổ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 19/43 cụm công nghiệp, tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh...' - bà Lan chia sẻ.

Thông tin về việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn cho biết, hiện ngành ngân hàng đang triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện và có nhu cầu, sẽ được vay từ gói phục hồi sản xuất kinh doanh 40.000 tỷ đồng với mức hỗ trợ lãi suất 2%.


Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, TP Hà Nội luôn xác định các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Thủ đô. Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL, TP Hà Nội cam kết luôn đồng hành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, ưu đãi về vốn… để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển và đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của TP. 'TP Hà Nội sẽ tiếp tục có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL hình thành những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh quốc tế, dẫn dắt, làm chỗ dựa, nâng đỡ những doanh nghiệp khác cùng phát triển' - Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Chia sẻ Facebook