Hà Nội ghi nhận thêm 55 ổ dịch sốt xuất huyết mới

Chia sẻ Facebook
06/12/2022 10:03:47

Số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục gia tăng. Tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 55 ổ dịch mới với 1.442 ca.

Lực lượng thanh niên giúp người dân vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng/bọ gậy. Ảnh: HNM

Trong đó, nhiều nhất là quận Đống Đa với 14 ổ dịch. Tiếp đến là Hoàng Mai với 10 ổ dịch, Thanh Trì có 5 ổ dịch.

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố đã có gần 1.300 ổ dịch sốt xuất huyết tại toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã. Tổng số ca mắc là hơn 16.000, tăng gấp gần 5 lần so với năm 2021.

Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã; trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Hoàng Mai (187 ca), Phú Xuyên (141 ca), Hà Đông (131 ca), Đống Đa (104 ca).

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố đã có 1.292 ổ dịch sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 178 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện; trong đó một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân như thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 290 bệnh nhân; thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 69 bệnh nhân; thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai có 38 bệnh nhân…

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, trong khi số ca mắc mới sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng thì kết quả giám sát tại một số ổ dịch kéo dài cho thấy, chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có loăng quăng, muỗi vằn) tại một số nơi vẫn cao vượt ngưỡng; việc vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy chưa hiệu quả.

Theo các chuyên gia y tế, những ngày gần đây, Hà Nội đón đợt rét đầu tiên của mùa đông, do đó, người dân cho rằng, muỗi sẽ không hoạt động khi trời lạnh nên bỏ qua việc diệt bọ gậy, phòng muỗi đốt… Dù nhiệt độ miền Bắc đang giảm nhưng chưa đủ để hạn chế sự hoạt động của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, người dân không nên chủ quan, phải quyết liệt diệt bọ gậy, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi… để không còn môi trường cho muỗi truyền bệnh sinh sống.

CDC Hà Nội cũng nhấn mạnh, các địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Các địa phương cần huy động các ban, ngành đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết một cách triệt để, bảo đảm các chỉ số côn trùng dưới ngưỡng (BI<20) mới được coi là đạt và được phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.

Chia sẻ Facebook