Hà Nội: Dự kiến tăng từ 87 lên 100 trạm thu phí để ‘hạn chế ùn tắc giao thông’
Hà Nội: Dự kiến tăng từ 87 lên 100 trạm thu phí để ‘hạn chế ùn tắc giao thông’
Theo VTV News, đề án thu phí vào nội đô vừa được đơn vị tư vấn là đại diện Trường Đại học Giao thông – Vận tải bổ sung, hoàn thiện báo cáo Sở GTVT Hà Nội lần thứ 3, với mục đích giảm ùn tắc giao thông.
Theo đó, trong đề án này, khu vực lập trạm thu phí vào nội đô được giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 – Cầu Thanh Trì – Pháp Vân – Mai Dịch – Phạm Văn Đồng – trục Tây Thăng Long – Võ Chí Công – Cầu Nhật Tân – Đường Hoàng Sa – Đường Trường Sa – Đường Lý Sơn – Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.
Mức thu phí được xác định từ 50.000 – 100.000 đồng/lượt. Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là 5 giờ – 21 giờ.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý và khác biệt lớn nhất trong đợt chỉnh sửa lần này là từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô. Trong khi phương án trước đây, số trạm thu phí chỉ 87 trạm.
Theo báo Tiền Phong, việc tăng từ 87 trạm lên 100 trạm thu phí là nội dung khiến đề án nhận được nhiều sự quan tâm của người dân vì việc thu phí triển khai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của họ.
Các tài xế taxi băn khoăn chở khách ra ngoại thành đến khi quay về lại mất phí. Doanh nghiệp vận tải đau đầu lên phương án tăng giá vé, tăng cước vận chuyển để bù đắp lại chi phí phát sinh. Nhưng băn khoăn nhất là những người dân sống trong khu vực thu phí hoặc ở ngoài vành đai nhưng cơ quan lại ở trong khu vực thu phí. Vì có thể cứ đi ra ngoài rồi trở về nhà hay đi làm là mất tiền phí vào nội đô.
Lý giải về việc gia tăng các trạm thu phí so với lần đề xuất trước, đại diện nhóm tư vấn đề án cho biết, thời điểm này so với 2 năm trước đó, TP. Hà Nội đã đưa thêm nhiều tuyến đường, vị trí kết nối với trung tâm vào sử dụng nên nhóm tư vấn phải khảo sát, cập nhật, bổ sung.
Khu vực lập trạm thu phí vào nội đô được giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 – Cầu Thanh Trì – Pháp Vân – Mai Dịch – Phạm Văn Đồng – trục Tây Thăng Long – Võ Chí Công – Cầu Nhật Tân – Đường Hoàng Sa – Đường Trường Sa – Đường Lý Sơn – Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.
Đối tượng thu phí được đề án xác định là ô tô di chuyển từ bên ngoài Vành đai 3 vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông.
Nhóm xe được miễn phí gồm: xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ…
Nhóm xe được giảm phí gồm:
– Ô tô của các doanh nghiệp công ích, ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tuyến cố định, xe vận tải trung chuyển hành khách);
– Vận tải nội bộ từ 10 chỗ trở lên (bao gồm cả lái xe);
– Ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa: xe taxi tải, xe kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường, xe kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp;
– Ô tô từ 9 chỗ trở xuống (bao gồm cả lái xe) của hộ gia đình trong khu vực thu phí, ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí.
Theo dự kiến, tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô là khoảng 2.600 tỷ đồng.
Để hiện thực điều này, từ nay đến năm 2023, Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị có liên quan sẽ khảo sát, xây dựng lắp đặt các trạm thu phí, để bắt đầu triển khai thu phí trong năm 2024.
Xuân Hạ (t/h)