Hà Nội đối diện với bài toán chống ngập hóc búa

Chia sẻ Facebook
15/06/2022 14:00:14

Có lẽ hình ảnh cây đổ, xe chết máy, người bì bõm, người đi thuyền đi bè giữa phố xá sau mưa lớn đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô những ngày gần đây.

Khi chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, Hà Nội đã hứng chịu 2 đợt ngập sâu, có cả những tuyến phố ngập lên trên 1m. Tình trạng ngập xuất hiện kể cả tại các khu vực có nền đất cao, ít ngập, nhiều ô tô, xe máy buộc phải quay đầu. Với lượng mưa đo được ở một số điểm lên tới trên 170mm. Sở dĩ tình trạng ngập úng kéo dài là do lượng mưa vượt quá công suất thiết kế của hệ thống thoát nước trong nội đô.

Mưa ngập đã đành, đến khi hết mưa nhưng nước vẫn chưa rút mới là vấn đề. Khi một số khu vực như phường Tứ Liên, Quận Tây Hồ, Hà Nội, được ví như làng chài giữa Thủ đô bởi đơn giản, lúc nào nước cũng vây kín, dẫu mưa hay nắng. Câu chuyện cũng đã kéo dài chứ không chỉ sau một vài trận mưa lớn mới đây.

Mưa cả tháng nước vẫn chưa rút hết, người dân phải chọn cách đi cầu khỉ; nếu không, phải ngồi thuyền để vào được nhà.

Hơn 10 năm nay, điệp khúc ngập cứ tiếp diễn. Hàng loạt ngõ trong khu vực trong tình trạng ngập kéo dài. Tự sắm cho mình máy bơm để hút nước nhưng không mấy hiệu quả, nhiều gia đình đã khoá trái cửa và dọn đi nơi khác sinh sống vì không muốn phải sống trong sự bất tiện cùng mùi hôi thối từ nước thải.

Trước tình trạng cứ mưa là ngập ở nội đô, những năm qua TP Hà Nội đã đầu tư không ít cho các hạng mục tiêu thoát nước. Trong đó, trạm bơm tiêu Yên Nghĩa là một trong những công trình trọng điểm, được kỳ vọng hỗ trợ tiêu thoát nước, phòng, chống ngập úng phục vụ cho sản xuất và dân sinh các quận, huyện ngoại thành phía Tây Hà Nội. Tuy nhiên, công trình nghìn tỷ này dù đã hoàn thành nhưng nhiều hạng mục vẫn đang ngổn ngang, thi công dang dở, hoạt động chưa phát huy tối đa hiệu quả.

Kênh La Khê dẫn nước vào trạm bơm tiêu. Hàng trăm mét đất bị đào xới nham nhở, máy móc rơi vào trạng thái "nghỉ ngơi". Thậm chí, cây cối mọc um tùm, phủ kín cả lòng kênh. Cấm đổ rác nhưng thành khu tập kết rác.

Dự án gồm hai hạng mục: Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và kênh La Khê dẫn nước từ sông Nhuệ vào trạm bơm. Nhiệm vụ tiêu nước, chống ngập cho sản xuất nông nghiệp và đô thị thuộc 6 quận, huyện tại khu vực phía Tây Hà Nội. Theo kế hoạch dự án hoàn thành vào 2020. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn dang dở, hoạt động cầm chừng với khoảng 60% công suất.

Cũng bởi vướng vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên dự án vẫn "giậm chân tại chỗ".

Với tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng, trạm bơm được kỳ vọng sẽ hỗ trợ xóa các "điểm đen" ngập úng cho khu vực phía Tây Thủ đô. Nhưng vì công trình "tắc nghẽn" nên mỗi khi mưa về nước vẫn chẳng thể thông suốt.

Tận dụng bể ngầm sẵn có nhưng còn thiếu và triển khai lắp máy bơm chống ngập đang là giải pháp được áp dụng trong những ngày vừa qua. Tuy nhiên hình ảnh một Thủ đô nhanh chóng ngập nước sau những cơn mưa đã minh chứng rằng các giải pháp trên chưa thể là "thuốc đặc trị" cho khả năng thoát nước của Hà Nội.

Bể ngầm chống ngập tại phố Nguyễn Khuyến chỉ đang đáp ứng cho các trận mưa trung bình dưới 50mm nên với những trận mưa lớn như từ đầu mùa tới giờ ắt sẽ bị quá tải.

Theo dự kiến ban đầu có 3 bể ngầm tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, mới chỉ hoàn thiện 1 công trình.

Dẫu sao có còn hơn không, bởi nơi không có bể ngầm sẽ loay hoay tìm cách "rút nước". Tại quận Tây Hồ, đã triển khai lắp máy bơm chống ngập sau nhiều ngày phải chịu cảnh ngập úng kéo dài. Nước đã rút nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Theo các chuyên gia, về lâu dài cần tận dụng sông ngòi và lợi thế địa hình để xây dựng hệ thống thoát lũ tự nhiên và phân vùng tiêu úng.

Để các tuyến phố Hà Nội không thành những con sông "bất đắc dĩ", cần có giải pháp bền vững, quyết liệt hơn nữa. Bởi khi không có sự đồng bộ, mỗi nơi sẽ làm 1 kiểu và đương nhiên Hà Nội vẫn sẽ chìm trong biển nước.


Theo VTV digital

VTV News

Chia sẻ Facebook