Hà Nội đang chống ngập ra sao để hết cảnh ‘cứ mưa lớn là mênh mông nước’?
Hơn 1 tháng gần đây nhiều trận mưa lớn khiến khu vực trung tâm TP Hà Nội liên tiếp ngập úng nghiêm trọng. Vậy công tác chống ngập đang được triển khai ra sao?.
Trong khi đó ngày 3-7, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và môi trường - cho biết "cao điểm" mùa mưa ở miền Bắc sẽ diễn ra từ đầu tháng 7 đến hết tháng 8-2022.
Nhiều dự án thoát nước chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ
Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Mai Hương - phó trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng TP Hà Nội - làm rõ thông tin công tác chống ngập đang được dư luận quan tâm.
* Hệ thống thoát nước đang được TP Hà Nội triển khai ra sao, những dự án nào chưa hoàn thiện, thưa bà?
- Theo quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725 ngày 10-5-3013, hệ thống thoát nước khu vực nội thành được chia làm 4 lưu vực: Tô Lịch, tả sông Nhuệ, hữu sông Nhuệ, Long Biên.
Đến nay hệ thống thoát nước trên địa bàn TP Hà Nội đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch đối với khu vực: sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2 thuộc địa bàn 8 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ.
Còn lại các khu vực khác như: tả sông Nhuệ, hữu sông Nhuệ, các quận: Long Biên, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch.
Cụ thể: trạm bơm Liên Mạc (công suất 170m3/giây), trạm bơm Gia Thượng và Cự Khối (tổng công suất 65m3/giây). Hiện đang đầu tư trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120m3/giây chưa hoàn thiện thi công kênh dẫn La Khê.
Và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000m3/ngày cùng hệ thống thu gom nước thải nhưng chưa hoàn thiện. Sông Nhuệ chưa được cải tạo, nạo vét, kè sông là những nguyên nhân chính chưa đảm bảo công tác thoát nước cho TP Hà Nội.
* Theo bà, hiện nay những khu vực nào ở trung tâm TP vẫn chưa cải thiện được tình hình ngập khiến "cứ mưa lớn là mênh mông nước"?
- Trong năm 2020, 2021 bằng nhiều biện pháp chống ngập TP đã xóa được 5 điểm ngập úng gồm: Thanh Đàm, Trường Chinh, Giải Phóng, Đội Cấn, Phạm Văn Đồng.
Những điểm đã giảm thiểu thời gian và chiều sâu ngập úng khoảng 50% so với các năm trước gồm: Thụy Khuê, Minh Khai, Hoa Bằng, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp. Riêng khu vực đường Nguyễn Khuyến có bể ngầm đã phát huy hiệu quả giảm 70% ngập úng so với năm 2020.
Những điểm chưa cải thiện tình trạng ngập úng: ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Phùng Hưng, Cao Bá Quát, Nguyễn Chính, đường gom đại lộ Thăng Long do bất lợi địa hình, xa nguồn xả.
Như vậy tính đến thời điểm hiện tại đã giải quyết được 5/16 điểm ngập úng trên các tuyến phố chính, 11 điểm còn lại đã có giải pháp theo các dự án đã và đang xin chủ trương thực hiện.
Ngoài ra hệ thống thoát nước tại các ngõ, ngách 12 quận nội thành đầu tư từ lâu đã xuống cấp. Các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ, nhiều khu vực đô thị hóa chưa có hệ thống thoát nước…
Rà soát, cải tạo, sửa chữa sự cố hệ thống thoát nước
* Để giải quyết những khó khăn, tồn tại, Sở Xây dựng TP Hà Nội đang triển khai, phối với các đơn vị chuyên môn ra sao để chống ngập?
- Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp cùng với đó là các trận mưa không theo quy luật, vượt công suất thiết kế hệ thống thoát nước của TP, việc ngập nước tại các khu vực trũng là không thể tránh khỏi.
Để khắc phục, giảm thiểu tình trạng ngập nước, các đơn vị duy trì thoát nước đã bố trí 100% nhân lực phục vụ thoát nước mùa mưa bão, tổ chức ứng trực, vớt rác, mở ga thu nước vào hệ thống, đồng thời sử dụng bơm di động, mở cửa hồ…
Sở Xây dựng TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 58 ngày 7-5 về "đảm bảo thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa năm 2022". Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc đơn vị thoát nước xây dựng kế hoạch đảm bảo thoát nước.
Tổ chức ứng trực 24/24, sử dụng bơm hút di động để giảm úng ngập cục bộ. Sở Xây dưng TP Hà Nội đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hà Nội vận hành các trạm bơm tiêu nông nghiệp phục vụ thoát nước đô thị như: Yên Nghĩa, Khê Tang, Vân Đình… đảm bảo thoát nước cho sông Nhuệ. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đang triển khai đưa vào phục vụ thoát nước đô thị.
Sở Xây dựng TP Hà Nội tiếp tục rà soát thực hiện cải tạo, sửa chữa, khắc phục sự cố hệ thống thoát nước trên địa bàn TP. Như nghiên cứu xây dựng bể chứa điều tiết ngầm tại các khu vực bất khả kháng do địa hình trũng thấp, xa nguồn xả như ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Phùng Hưng - Nhà Hoả. Xây dựng hệ thống thoát nước đô thị trên đường gom đại lộ Thăng Long để giải quyết các điểm ngập cục bộ tại hầm chui dân sinh.
Ngoài ra tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia phần mềm HSDC Maps cảnh báo ngập úng trên địa thoại di động do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xây dựng.
* Bà có thể cho biết giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng ngập úng trên toàn địa bàn TP là gì?
- Xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực tả sông Nhuệ, dự án trạm bơm Yên Nghĩa và hệ thống kênh dẫn để giải quyết thoát nước cho lưu vực hữu sông Nhuệ. Đầu tư dự án xử lý nước mưa khu vực hữu sông Nhuệ, trạm bơm Liên Mạc, Gia Thượng, Cự Khối và hồ điều hoà, tuyến mương Thượng Thanh…
Tiếp tục đề xuất triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải theo quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725.
Đồng thời rà soát quy hoạch chuyên ngành đảm bảo thoát nước bền vững, tích hợp vào điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chỉ đạo như vậy đối với dự án ngăn triều, chống ngập 10.000 tỉ. Trước đó dự án đã phải dời thời gian vận hành nhiều lần vì vướng các thủ tục.