Hà Nội có một ngôi trường ở lưng chừng núi, trẻ được học tập đi đôi với thực hành: Năm nào cũng có dự án thỏa sức sáng tạo

Chia sẻ Facebook
03/06/2022 23:11:59

Những đứa trẻ được tạo cơ hội trải nghiệm đời sống xã hội, đời sống kinh tế thông qua việc tham gia các dự án thực hành thuộc các nhóm ngành khác nhau.

Nằm ở lưng chừng núi, giữa cánh rừng ở thôn Đồng Dâu, Xã Tiến Xuân, Thạch Thất (Hà Nội) là một ngôi trường vô cùng đặc biệt. Đó là Maya School. Tại ngôi trường này, những nhà giáo dục tin rằng mỗi trẻ em đều có thiên hướng cá nhân riêng, và giáo dục cần “Follow the child” – giáo dục dựa trên điểm mạnh – để mỗi em đều có cơ hội lớn lên trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Chương trình giáo dục Maya School, từ Tiểu học cho tới Trung học Phổ thông được xây dựng không phải để chuẩn bị cho các bài kiểm tra mà để chuẩn bị cho trẻ có thể sống tốt trong đời sống thực tế khi trưởng thành.

Maya - Ngôi trường giữa núi rừng.


Vì thế, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức học thuật, Chương trình giáo dục Maya bao gồm 3 phần: Giáo dục Học thuật, Giáo dục Thực hành, Giáo dục Thể chất và Nghệ thuật – với những mục tiêu thực tế như: Giúp trẻ xây dựng tình yêu học tập, tư duy độc lập và sáng tạo, khả năng tự học, tự nghiên cứu, hiểu chính mình, khả năng thiết lập mục tiêu và định hướng, khả năng thực thi và sức mạnh tinh thần, khả năng tự đánh giá và tự kỷ luật, khả năng lãnh đạo và cộng tác, khả năng thương thuyết và xử lý mâu thuẫn, tôn trọng và thấu cảm...

Học tập gắn liền với thực hành, trẻ được thực hiện các dự án

Ở Maya, học sinh sẽ được tham gia các xưởng, nông trại đặc biệt gồm: Nông trại Lá Mây và Xưởng chế biến Nông sản Lá Mây - đại diện cho nhóm ngành Nông nghiệp; Xưởng Mộc và Tự động hóa Mira, xưởng gốm Mỡ, xưởng may thêu đan Mỡ - đại diện cho nhóm ngành Công nghiệp; Lá Maya Farmstay, xưởng mỹ thuật LEA và hệ thống cửa hàng - đại diện cho nhóm ngành Thương mại và Dịch vụ.

Nếu ở giai đoạn Tiểu học, các em học sinh ở làng Maya học cách quan sát, học hỏi, suy nghĩ, phân tích và làm việc thì lên cấp trung học (lớp 6 - lớp 8), các em được tự do lựa chọn tham gia vào bất kỳ dự án thực hành nào được tổ chức bởi các xưởng trên.

Sau khi lựa chọn, các em sẽ trải qua từng bước, từ tìm hiểu kiến thức, lên kế hoạch thực hiện và thực hành làm sản phẩm. Tới năm cuối cùng của cấp THCS, học sinh Maya sẽ thực hiện đề án tốt nghiệp là một dự án cộng đồng được thực hiện trên nguyên tắc cộng tác nhóm trong vòng 1 năm. Và tới năm cuối cùng của cấp THPT, các em sẽ thực hiện đề án tốt nghiệp là một dự án cá nhân vì mục tiêu kinh tế hay cộng đồng được thực hiện trong vòng 1 năm.

Năm nay, những đứa trẻ tiểu học và THCS tại làng Maya được làm dự án về chủ đề "Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm", đây chính là mục tiêu thứ 12 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Trải qua những tháng ngày ươm mầm ý tưởng, thực hành, những đứa trẻ đã sáng tạo hơn 30 sản phẩm lớn nhỏ.

Những sản phẩm sáng tạo của học sinh Maya.


Đó là ngôi nhà bằng gỗ tái chế cho chó mèo, rô-bốt phun khử khuẩn chế tạo từ vật liệu tái chế của học sinh Xưởng Mộc và Tự động hoá Mira. Đó là những giỏ đựng đồ giặt, túi tote, lót ly, túi đựng bình nước, chun buộc tóc đan móc từ vải và quần áo tái chế của học sinh Xưởng Thủ công Mỡ. Đó là Enzym bồ hòn, là tinh dầu sả sản xuất bởi bàn tay của những nông dân nhí của Xưởng thảo mộc và Nông trại Lá Mây; cùng rất nhiều những tác phẩm mỹ thuật và tạo hình được sáng tạo sau quá trình nghiên cứu chủ đề và chất liệu,...

Một trong những sản phẩm ấn tượng nhất, chính là robot Mira 01. Đây là chú robot có chức năng di chuyển và dò đường đi; né và dừng khi gặp vật cản; chạm tương tác và hành động mời nước. Ngoài ra, Mira còn có thể bày tỏ cảm xúc và nói chuyện. Chú robot này sẽ tiếp tục được bổ sung chức năng phun khử khuẩn tự động và phục vụ chén đĩa, trái cây.

Robot Mira 01 - Niềm tự hào của học sinh Maya.

Được biết, có 11 em học sinh THCS đã lựa chọn Xưởng Mộc & Tự động hóa Mira và tạo nên chú robot này. Hành trình của các em không dễ dàng bởi việc học nguyên lý code, tìm hiểu bảng mạch hay cách vận hành của những cảm biến… ban đầu đều được thực hiện online với sự hướng dẫn từ xa của thầygiáo. Do nó diễn ra trong thời gian trường học phải đóng cửa vì dịch Covid-19.

Đã có cả những trắc trở, khó khăn, như tình huống bộ dây điện và bảng mạch mà thầy gửi về nhà để học sinh thực hành bị lỗi,… nhưng các em không bỏ cuộc. Ngay những ngày đầu tiên quay trở lại trường, thầy trò Maya đã cùng suy tư về việc hiện thực hóa các lý thuyết đã học. Và sau đó, dự án chế tạo robot phục vụ từ vật liệu tái chế ra đời.

Được biết, hình dáng của chú Robot được các "nhà phát minh" phác ra ngay khi nhìn thấy chiếc máy cắt cỏ đã hỏng ở trong góc kho và chiếc thùng phi cũ ở sau xưởng Mira. Điều đặc biệt ở chú robot này là tất cả những linh kiện, thiết bị đều được tái sử dụng từ phế liệu. Thầy trò THCS Maya đã cùng đi Chợ trời, Chợ đồ cũ Vân Môn để tìm kiếm các phần còn thiếu của Robot, từ động cơ cũ của xe đạp điện, ắc quy xe máy, hay những bó dây điện bỏ đi…

Dưới đôi tay của những đứa trẻ Maya, những đồ vật tưởng bỏ đi đã được tái sinh, có cuộc đời mới và trở thành một sản phẩm có giá trị và ý nghĩa.

Chia sẻ Facebook