Hà Nội: Chưa phát hiện sai phạm ở toà nhà Pháp cổ 4 mặt tiền, có thể tiếp tục triển khai

Chia sẻ Facebook
22/05/2022 10:10:03

UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo Bộ Xây dựng về rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng Postef, số 61 Trần Phú (phường Điện Biên, quận Ba Đình).

Tòa nhà Pháp cổ "4 mặt tiền" tại 61 Trần Phú bị phá dỡ để xây dựng khu tổ hợp Trung tâm thương mại, giải trí... - Ảnh: NAM TRẦN


Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng qua việc rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng Postef, số 61 Trần Phú vốn là toà nhà kiến trúc Pháp cổ 4 mặt tiền), TP "chưa phát hiện sai phạm về quy trình, thủ tục cũng như của tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình giải quyết hồ sơ".

Việc sử dụng đất, chức năng và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc phù hợp với đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2.000 được Thủ tướng phê duyệt năm 2013", báo cáo nêu rõ.

Về không gian kiến trúc cảnh quan, UBND TP Hà Nội cho biết, dự án nằm ở cuối trục đường Hùng Vương, đối diện khu đất (về phía lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) có công trình nhà làm việc Quốc hội đã xây dựng cao 9 tầng (44,6m).


Việc toà nhà mới sẽ cao 11 tầng (42,9m, chiều cao tương đồng với công trình nhà làm việc Quốc hội), đồng thời khối đế có khoảng lùi 17m, khối tháp có khoảng lùi 28m so với chỉ giới đường Hùng Vương. Hình khối công trình đã bám sát tổ chức định hướng không gian kiến trúc, cảnh quan và mô hình của đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực.

"Phần ngầm công trình được chấp thuận 6 tầng hầm với các chức năng văn phòng, dịch vụ, kỹ thuật, bãi đỗ xe.

Phần ngầm đã được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng tháng 12-2020; Sở Xây dựng cũng đã gửi thông báo nội dung cấp phép xây dựng đến Bộ Quốc phòng, Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban quản lý lăng có văn bản nhất trí với giấy phép xây dựng", báo cáo nêu thêm.

Về việc bảo tồn, phát huy giá trị bức phù điêu đắp nổi, theo danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn quận Ba Đình đã được UBND thành phố phê duyệt năm 2016, địa điểm 61 Trần Phú, nơi có bức phù điêu, không thuộc danh mục kiểm kê di tích.

Do bức phù điêu ghi dấu sự kiện lịch sử cách mạng của quân và dân thủ đô thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nên "việc lưu giữ là cần thiết".

Kiến trúc công trình đa chức năng Postef dự kiến được xây dựng tại 61 Trần Phú khiến nhiều người lo lắng cho bộ mặt của thủ đô

UBND thành phố Hà Nội cho hay "dự án đầu tư có thể tiếp tục triển khai thực hiện theo quy định pháp luật".


"UBND sẽ tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội, chuyên gia. Ngày 9-5, chủ đầu tư đã có văn bản đề xuất được nghiên cứu lại tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án theo hướng giảm số tầng hầm, bảo tồn bức phù điêu và tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình", nội dung báo cáo ghi rõ.

UBND TP Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các bên liên quan và chủ đầu tư tổ chức thi tuyển để lựa chọn phương án kiến trúc đóng góp cho không gian, cảnh quan khu vực theo hướng giảm số tầng hầm.

Phương án quy hoạch, kiến trúc sau đó sẽ được công bố đầy đủ, rộng rãi trước công luận, bảo đảm công khai, minh bạch và sự đồng thuận.

Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng được giao xem xét, đánh giá phương án quy hoạch, kiến trúc của dự án, phối hợp Sở Văn hóa Thể thao, UBND quận Ba Đình, nhà đầu tư nghiên cứu phương án bảo tồn, giữ nguyên trạng về quy mô, nghệ thuật và nội dung của bức phù điêu.

Trước đó, Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội tạm dừng xây dựng, rà soát chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc.

Ngày 6-4, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND thành phố, Quận ủy Ba Đình chỉ đạo dừng triển khai dự án; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có) tại công trình số 61 Trần Phú.

Sau khi báo chí lên tiếng về việc phá dỡ công trình kiến trúc pháp cổ 61 Trần Phú để xây dựng trung tâm thương mại hiện đại, Bộ Xây dựng vừa đề nghị TP Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phản ánh để có giải pháp thực hiện phù hợp.

Chia sẻ Facebook