Hà Nội: Cặp vợ chồng làm giả giấy tờ xe Mercedes-Benz vay hơn 3 tỷ từ ngân hàng
Vay tiền TPBank để trả góp xe Mercedes nhưng cặp vợ chồng đã làm giả giấy tờ xe để tiếp tục vay tiền tại PVcomBank, dư nợ lên đến hơn 3 tỷ.
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Vay tiền tại ngân hàng TPBank để mua trả góp chiếc xe Mercedes-Benz GLC 300 nhưng một cặp vợ chồng ở Hà Nội đã làm giả giấy tờ xe để tiếp tục vay tiền tại PVcomBank. Khi con số dư nợ lên đến hơn 3 tỷ đồng, đại diện 2 ngân hàng đề nghị phía cơ quan chức năng xử lý để thu hồi tiền.
Viện KSND TP. Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố vợ chồng ông Lê Văn Đồng (SN 1974) và bà Phạm Thị Bình (SN 1974, cùng trú tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015. Đồng thời, ông Đồng bị truy tố tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015.
Theo cáo trạng, khoảng tháng 3/2018, vợ chồng ông Đồng đến Công ty CP Truyền thông và Dữ liệu thanh toán An Du để mua ôtô Mercedes-Benz GLC 300 bằng hình thức trả góp. Công ty An Du tư vấn cho ông Đồng vay tiền ngân hàng và sử dụng ô tô làm tài sản đảm bảo.
Ngày 16/3/2018, Công ty An Du ký hợp đồng bán cho vợ chồng ông Đồng chiếc xe trên với giá sau thuế là 2 tỷ đồng. Vợ chồng này đặt cọc trước 50 triệu đồng. Sau khi công ty An Du hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xong, ngày 19/4/2018, bà Bình đến Phòng Cảnh sát giao thông TP. Hà Nội làm giấy tờ sang tên xe ô tô.
Ngày 20/4/2018, vợ chồng ông Đồng ký hợp đồng vay vốn, thế chấp xe để vay ngân hàng hơn 1,4 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, ngân hàng giữ bản gốc giấy đăng ký xe.
Cùng thời điểm ông Đồng và bà Bình làm thủ tục vay tiền từ ngân hàng TPBank chi nhánh Thăng Long, ông Đồng khai có nhận được cuộc gọi của bà Nguyễn Thị Yến (SN 1978, trú tại quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội). Bà này tự xưng là cán bộ ngân hàng.
Bà Yến nói biết ông Đồng đã thế chấp ô tô và có nhu cầu vay tiền, nên tư vấn cho ông Đồng vay tại ngân hàng khác cũng bằng hình thức thế chấp chiếc xe trên. Bà Yến hứa giúp ông Đồng làm hồ sơ vay 1 tỷ đồng, nếu thành công thì ông Đồng trả công cho bà Yến 280 triệu đồng.
Cũng theo lời khai của ông Đồng, bà Yến nói sẽ dùng giấy đăng ký ô tô giả để hoàn thiện hồ sơ thế chấp. Sau đó, ông Đồng chuyển giấy tờ tùy thân, đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu cho bà Yến làm hồ sơ vay vốn. Trong quá trình làm hồ sơ, bà Yến hướng dẫn ông Đồng nhờ em trai đứng tên vay số tiền 1 tỷ đồng.
Ngày 26/4/2018, bà Yến gọi điện cho ông Đồng thông báo đã hoàn thiện hồ sơ vay vốn và hẹn ông Đồng đến ngân hàng PVCombank để ký hợp đồng. Sau đó, vợ chồng ông Đồng đi ôtô cùng ông Lê Thanh Bằng (em trai của Đồng) đến phòng giao dịch này để làm thủ tục vay tiền.
Đến ngày 28/4/2018, ngân hàng giải ngân 1 tỷ đồng vào tài khoản của ông Bằng. Tiếp đó, ông Bằng rút tiền chuyển cho ông Đồng. Ngày hôm sau, ông Đồng đưa cho bà Yến 280 triệu đồng tiền công như đã thỏa thuận.
Trong quá trình điều tra, bà Yến khai bà từng là nhân viên ngân hàng nên có gặp ông Đồng vài lần để tư vấn tài chính. Do khó khăn tài chính, bà Yến vay ông Đồng 280 triệu đồng, thời hạn 2 năm. Hiện bà Yến còn nợ ông Bình 120 triệu đồng. Bà Yến khẳng định không liên quan, không làm giả đăng ký xe ô tô để ông Đồng sử dụng vay tiền ngân hàng, không được hưởng lợi trong việc này.
Công an đã cho 2 bên là ông Đồng và bà Yến xác nhận nhưng cả hai người vẫn giữ lời khai trên. Tài liệu điều tra không xác định bà Yến nhận 280 triệu đồng là tiền công để làm giả hồ sơ giúp ông Đồng nên cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý hình sự với bà Yến.
Phía ngân hàng TPBank cho biết vợ chồng ông Đồng và bà Bình không trả được tiền gốc kèm lãi, mà còn mang ô tô Mercedes thế chấp tại ngân hàng PVcomBank.
Cho đến nay, vợ chồng ông Đồng còn nợ 2 ngân hàng trên số tiền hơn 3 tỷ đồng gồm cả gốc và lãi. Đại diện 2 ngân hàng này đã đề nghị cơ quan chức năng xử lý hành vi của ông Đồng và những người liên quan để ngân hàng thu hồi lại số tiền đã cho vay.
Khánh Vy
Bình Dương: Nhóm lừa đảo dùng lệnh chuyển tiền giả để chiếm đoạt tài sản
Một đôi nam nữ tại Bình Dương mua điện thoại rồi làm lệnh chuyển tiền giả. Thủ đoạn lừa đảo bại lộ khi vô tình lừa 2 lần cùng một cửa hàng.