Hà Nguyên Long mở ra những lối mới

Chia sẻ Facebook
12/07/2022 23:36:23

Đạo diễn 9X Hà Nguyên Long vừa vượt qua những tên tuổi nghệ sĩ trẻ khác để giành danh hiệu "Nghệ sĩ tích cực trong năm" của Hanoi Grapevine’s Finest.

Đạo diễn - họa sĩ Hà Nguyên Long - Ảnh: T.ĐIỂU


Nhưng còn hơn thế, Hà Nguyên Long đang mở ra những lối mới cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam đương đại.


Trong hai năm đại dịch COVID-19, nhiều nghệ sĩ phải bó gối. Riêng Hà Nguyên Long kết hợp tuồng cổ với âm nhạc điện tử, múa hiphop diễn ở sân chơi khu tập thể, dựng những vở kịch kinh điển phương Tây theo lối đầy mới mẻ khiến "Tây" cũng kinh ngạc, hay kịch về chủ đề đời sống đương đại Việt Nam đầy bất ngờ.


Long thể hiện một biên độ sáng tạo rất lớn, hoặc mới trong cách dàn dựng, hoặc mới trong nội dung.

Và tất cả đều hướng tới một mục tiêu: xây dựng một cộng đồng thưởng thức và thực hành nghệ thuật biểu diễn kịch nghệ mới mẻ cho các bạn trẻ từ 1995 trở đi.

Một cảnh trong vở Giấc mơ tạo nghĩa - Ảnh: XplusX Studio


Một buổi kịch khác lạ


Nhà hát tư nhân nhỏ khá khuất nẻo trong một con hẻm gần hồ Tây một tối hạ lất phất mưa, các bạn trẻ dần lấp đầy "khán phòng" nhỏ để xem vở kịch mới nhất của XplusX Studio do Hà Nguyên Long đạo diễn - vở Những đối thoại thường nhật .

Khán giả kịch nghệ truyền thống kinh ngạc trước một lối kịch "y như đời" không chỉ ở chỗ diễn viên nấu ăn thật, cắm hoa thật, ăn uống thật ngay trên sân khấu và trước mắt khán giả, mà còn ở những đối thoại rất đời thường cứ như chẳng phải... kịch. Là khán giả vừa nhìn vào một buổi tối của nhà hàng xóm chứ chẳng phải xem kịch, nếu không có những đoạn bay bổng khác lạ đan xen như những màn đối thoại bộc lộ nội tâm khác lạ, bộc lộ những cõi riêng xa xôi, đơn độc của các nhân vật, với ánh sáng và âm nhạc đầy sức gợi.

Có vô vàn đối thoại liên tiếp, đôi khi rất tẻ nhạt, đôi khi rất kỳ khôi, nhưng chẳng có câu chuyện nào được kể, chẳng có vấn đề nào được giải quyết, cứ lửng lơ thế thôi, như một lát cắt của đời sống thường hằng.


Các nhân vật đối thoại triền miên không ngớt, nhưng thực sự họ không hề hiểu nhau, không ai chạm được vào nội tâm của nhau dù họ vẫn gần cạnh. Người xem có đôi khi chất vấn: "Ta hiểu nhau bao nhiêu trong những đối thoại hằng ngày với người thân, bạn bè?".

Khán giả trẻ Carmen Chula đánh giá Long và studio XplusX Studio "đã làm một công việc đáng kinh ngạc" khi có thể mang đồng thời nhiều câu chuyện khắc họa nhiều cá tính sống động trong một vở kịch xoay quanh những suy tư về khoảng cách trong đời sống hiện đại.

Alex - một du khách trẻ đến từ TP.HCM, theo bạn đi xem vở kịch này - đã xúc động nói lời cảm ơn tới đạo diễn và toàn bộ êkip bởi đã cho bạn cơ hội lần đầu tiên được xem kịch theo một cách rất khác.

Trailer giới thiệu vở Cõi thinh không - Video: XplusX Studio


Liên tục những sáng tạo gợi cảm xúc


Trước đó, năm 2020 Hà Nguyên Long đưa âm nhạc thể nghiệm và vũ công hiphop vào vở tuồng cổ Sơn hậu và mang ra biểu diễn tại sân chơi của khu tập thể Văn Chương - một khu tập thể lâu đời tại Hà Nội.

Khán giả nhiều thế hệ nhận ra vẫn có những điểm giao thoa, hòa hợp cho các thế hệ dù rất khác xa nhau, như cái đương đại và truyền thống cùng hòa quyện rất độc đáo trong vở kịch của Hà Nguyên Long.


Vở tuồng cổ này tiếp tục được Long cùng nghệ sĩ trẻ Nguyễn Quốc Hoàng Anh tiếp tục sáng tạo sâu hơn trong tác phẩm Cõi thinh không , thử nghiệm sâu hơn giữa tuồng truyền thống và âm nhạc điện tử, hiphop.

Cũng năm 2020, Long dàn dựng vở kịch Hy Lạp Oresteia của Aeschylus nhưng theo cách hoàn toàn "lạ" và rất ấn tượng là... đọc kịch trong không gian nghệ thuật Manzi.

Năm 2021, Hà Nguyên Long dàn dựng Antigone - Âm mù, một phiên bản vô cùng độc đáo cho trình chiếu online thời các nhà hát phải đóng cửa.

Ông Wilfried Eckstein - viện trưởng Viện Goethe Việt Nam - hoàn toàn hài lòng với tác phẩm của Hà Nguyên Long. "Antigone - Âm mù là một bản chuyển thể đột phá của vở kịch kinh điển Antigone... Antigone - Âm mù là câu trả lời sáng tạo nhất cho việc sản xuất kịch sân khấu trong giai đoạn căng thẳng của đại dịch COVID-19, là một tác phẩm nghệ thuật rực rỡ vượt qua những trở ngại của đại dịch và đặt ra một chuẩn mực mới cho nghệ thuật sân khấu trong thời đại Internet".

Tháng 5 vừa rồi, Long lại giới thiệu tới người xem vở Signifiant Dream (Giấc mơ tạo nghĩa) - tác phẩm thử nghiệm những giao thức kể chuyện của phim/hình ảnh động lồng ghép với các yếu tố dàn dựng sân khấu riêng biệt, những trình diễn gợi cảm xúc.

Đạo diễn Hà Nguyên Long (phải) trong một lần hướng dẫn diễn viên tập kịch - Ảnh: XplusX Studio


Đi thật xa để trở về

Vốn là con của một họa sĩ tài năng ở Hà Nội, Hà Nguyên Long theo học Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam và trở thành họa sĩ. Nhưng Long yêu thích cái cảm giác được nhìn thấy con người hay vật thể đặt trong một không gian nói chung. Tranh là đặt con người và vật thể trong không gian, ánh sáng tĩnh. Còn kịch thì đặt con người, vật thể trong không gian động. Nên Long không chỉ thích tranh mà còn thích sân khấu.

Vậy là Long sang Pháp học Đại học Nghệ thuật và kỹ thuật Paris chuyên ngành thiết kế không gian. Long muốn học những thứ phụ trợ tốt nhất cho công việc đạo diễn.

Chính quãng thời gian ở Pháp, xa văn hóa của mình và nơi mà mình sinh ra mới khiến Long bất giác nhìn lại di sản văn hóa cội nguồn của mình, thôi thúc sáng tạo trên nền nghệ thuật truyền thống của đất nước mình.

Long mong muốn giới thiệu các giá trị cốt lõi trong nghệ thuật truyền thống Việt Nam tới cộng đồng quốc tế, đồng thời đề xuất các cách thức sản xuất và thử nghiệm phát triển nghệ thuật truyền thống theo hướng phù hợp với bối cảnh đương đại.

Việc Long dựng kịch kinh điển Hy Lạp cũng chính là nhằm mục đích để khán giả hiểu thêm về nghệ thuật kịch của nhân loại nói chung mà có sự tiếp cận lại với kịch truyền thống Việt Nam dễ dàng hơn, có hệ thống hơn.

Dù con đường chinh phục khán giả còn rất dài, Long tin vào các khán giả trẻ Việt Nam luôn có nhu cầu được trải nghiệm những sáng tạo nghệ thuật mang tính nội dung cao chứ không chỉ thuần giải trí.

Giới thiệu nghệ thuật biểu diễn sân khấu VN tới bạn bè quốc tế

Vở Sơn Hậu được diễn ở sân chơi khu tập thể Văn Chương, Hà Nội - Ảnh: XplusX Studio

Năm 2019, Hà Nguyên Long thành lập XplusX STUDIO tại Paris với mong muốn phục hưng và giới thiệu nghệ thuật biểu diễn sân khấu cổ truyền của Việt Nam nói chung và tuồng nói riêng trên bản đồ nghệ thuật quốc tế, đồng thời thổi một hơi thở mới vào đời sống nghệ thuật truyền thống trên chính quê hương mình.

Long bắt đầu với quá trình tái dàn dựng và cải biên vở tuồng cổ kinh điển Sơn hậu/ Au delà de la montagne, dự định công diễn trong khuôn khổ chương trình Pays à l’honneur 1er Édition: Le Vietnam/ Vinh danh quốc gia lần thứ nhất tại Nhà hát Théâtre de la Reine Clotilde (Paris) vào tháng 6-2020, cùng các hoạt động workshop và hội thảo chuyên ngành.

Nhưng dự án hiện đang tạm hoãn do ảnh hưởng của COVID-19 tại Pháp. Tác phẩm chưa đến được với bạn bè quốc tế nhưng đã được giới thiệu rất ấn tượng tới khán giả trong nước.

Tin dịch vụ - Giáo sư Ute Meta Bauer, nhà nghiên cứu nghệ thuật nổi tiếng thế giới, người Mỹ sẽ có buổi thuyết trình “Theatrical Fields” tại Viện Goethe Hà Nội, vào lúc 19g ngày 31-10-2013 (vào cửa tự do).

Chia sẻ Facebook