Hà Lan tăng mua cà phê từ thị trường Việt Nam
Năm 2023, Việt Nam tăng cường xuất khẩu tất cả các chủng loại cà phê sang Hà Lan, gồm Cà phê Robusta, Arabica và cà phê chế biến...
Năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Hà Lan tăng mạnh
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Hà Lan đạt 44,34 nghìn tấn, trị giá 121,3 triệu USD, tăng 46,2% về lượng và tăng 75,9% về trị giá so với năm 2022.
Tính riêng tháng 12/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Hà Lan đạt 9,42 nghìn tấn, trị giá trên 28 triệu USD, tăng 329,5% về lượng và tăng 308,7% về trị giá so với tháng 11/2023, so với tháng 12/2022 tăng 120,1% về lượng và tăng 153,2% về trị giá.
Tháng 12/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Hà Lan đạt mức 2.977 USD/tấn, giảm 4,8% so với tháng 11/2023, nhưng so với tháng 12/2022 tăng 15,1%. Tính chung cả năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Hà Lan đạt mức 2.736 USD/tấn, tăng 20,3% so với giá bình quân năm 2022.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 10 năm trở lại đây, quan hệ thương mại Việt Nam – Hà Lan đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, từ mức 3,5 tỷ USD năm 2013 lên 11 tỷ USD vào năm 2022, là mức cao nhất trong quan hệ song phương hai nước giai đoạn 2013 - 2022.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hà Lan luôn chiếm tỷ trọng lớn trong bức tranh thương mại song phương. Trong giai đoạn 2013 – 2022, xuất khẩu từ Việt Nam sang Hà Lan luôn đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên và ghi nhận đà tăng trưởng không ngừng. Nếu như hàng hóa xuất khẩu năm 2013 mới chỉ đạt 2,9 tỷ USD thì đến năm 2022 con số này đã lên tới 10 tỷ USD, là mức cao kỷ lục tính cho đến nay.
Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu từ Hà Lan không có sự biến động lớn qua các năm khi chỉ dao động từ 600 triệu USD đến gần 800 triệu USD giai đoạn 2013 - 2022.
Báo Công Thương dẫn nguồn số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), 11 tháng năm 2023, Hà Lan nhập khẩu cà phê từ thị trường ngoại khối EU đạt 153,73 nghìn tấn, trị giá 623,51 triệu EUR (tương đương 676,94 triệu USD), tăng 47,8% về lượng và tăng 25,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
11 tháng năm 2023, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Hà Lan từ thị trường ngoại khối EU đạt mức 4.056 EUR/tấn, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Hà Lan từ hầu hết các nguồn cung ngoại khối đều giảm, ngoại trừ Việt Nam.
Nguồn cung ngoại khối cà phê cho Hà Lan chủ yếu từ Brazil, Việt Nam, Honduras, Colombia và Peru.
Theo Eurostat, 11 tháng năm 2023, Hà Lan nhập khẩu cà phê từ Brazil đạt 54,88 nghìn tấn, trị giá 205,76 triệu EUR (tương đương 223,4 triệu USD), tăng 20,3% về lượng và tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Hà Lan từ thị trường ngoại khối EU giảm từ 43,8% trong 11 tháng năm 2022 xuống 35,7% trong 11 tháng năm 2023.
Trong 11 tháng năm 2023, Hà Lan tăng mạnh nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, đạt 37,55 nghìn tấn, trị giá 93,98 triệu EUR (tương đương 102 triệu USD), tăng 175,6% về lượng và tăng 182,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hà Lan từ thị trường ngoại khối EU tăng từ 13,1% trong 11 tháng năm 2022 lên 24,43% trong 11 tháng năm 2023. Hà Lan cũng tăng nhập khẩu cà phê từ Honduras, tăng 283,6% về lượng và tăng 178,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo năm 2024, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhập khẩu cà phê nhân của Liên minh châu Âu (EU) sẽ phục hồi và tăng hơn 2,5 triệu bao so với niên vụ trước lên mức kỷ lục 47 triệu bao (60 kg/bao) trong niên vụ 2023/2024 (tháng 10/2023 - tháng 9/2024). Trong khi nhập khẩu cà phê rang và hòa tan dự kiến sẽ không đổi, lần lượt đạt 1,4 triệu bao và 3,7 triệu bao.
Ngoài EU, một thị trường khác là Nhật Bản cũng tăng nhập khẩu cà phê Việt Nam. Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, 9 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản giảm nhập khẩu cà phê từ thế giới, mức giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 1,18 tỷ USD. Dù vậy, Nhật Bản tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, mức tăng 5,9%, đạt 204 triệu USD, thị phần chiếm 17,22% trong 9 tháng đầu năm 2023.
Dự báo năm 2024, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch 24/1, giá Arabica giảm 1,81% trong khi giá Robusta hồi phục 0,79% về mức giá cao nhất trong 16 năm. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung Robusta từ Việt Nam do xung đột tại Biển Đỏ đã giữ giá mặt hàng này neo ở vùng đỉnh.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn có tín hiệu tích cực trở lại, phần nào hạ nhiệt lo ngại về nguồn cung. Thông tin Sở ICE-US sẽ tăng giá cho các quốc gia sản xuất cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao để thu hút nhiều nguồn hàng gửi trong bối cảnh tồn kho đang ở mức thấp đang lan truyền. Tính đến hết phiên 23/1, toàn Sở có 49.942 bao Arabica chờ chứng nhận để phân loại hàng đạt chuẩn. Đây cũng là tín hiệu cho thấy dữ liệu tồn kho sẽ hồi phục trong giai đoạn tới.
Đáng chú ý, hiện tượng thời tiết El Nino trên vành đai Thái Bình Dương đã gây ra mối lo nguồn cung từ các quốc gia tại khu vực sản xuất Robusta lớn nhất thế giới. Tại Đông Nam Á, nguồn cung còn bị chậm trễ khi vận tải biển ách tắc, cùng với nông dân trữ hàng không bán.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam đã xác lập kỷ lục mới với kim ngạch đạt 4,24 tỷ USD trong năm 2023. Tháng đầu năm 2024, giá cà phê Robusta lại tiếp tục ghi thêm nhiều đỉnh mới.
Đặc biệt trong năm 2022, Việt Nam đã xuất đi một lượng cà phê lớn kỷ lục trong khi sản lượng thu hoạch lại giảm 10-15% so với vụ trước, cho nên lượng cà phê sẵn sàng cho xuất khẩu năm 2023 thấp. Nhu cầu đối với Robusta tăng mạnh trước bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu vì lãi suất tăng cao và kinh tế ảm đạm, đã thúc đẩy giá tăng mạnh hơn.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022/2023.
Ngoài ra, trước những yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu, đặc biệt là EU, năm 2024, ngành cà phê Việt Nam chú trọng nhiều giải pháp cho việc phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là việc đáp ứng quy định chống mất rừng EUDR của EU.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2024 dự báo có thể đạt mốc 4,6-5 tỷ USD. Hiện cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới.
So với các nước sản xuất cà phê trên thế giới, diện tích cà phê của Việt Nam chỉ đứng thứ 6 sau các nước: Brazil tổng diện tích gần 1,9 triệu ha, Indonesia tổng diện tích trên 1,2 triệu ha, Colombia và Ethiopia hơn 800.000 ha, Bờ Biển Ngà gần 800.000 ha.
Trúc Chi (t/h)