Hà Giang tăng cường truyền thông phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các xã có nguy cơ cao
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Hà Giang ghi nhận 6 vụ ngộ độc thực phẩm làm 24 người mắc, 4 ca tử vong tại gia đình.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang, trong số 6 vụ ngộ độc thực phẩm , có 4 vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên tại huyện Mèo Vạc (nguyên nhân do ăn nấm rừng và quả rừng); 1 vụ ngộ độc do độc tố vi nấm có trong bánh trôi ngô tại huyện Mèo Vạc; 1 vụ ngộ độc rượu tại huyện Đồng Văn.
Để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc do độc tố tự nhiên trong rau, quả rừng, nấm rừng, nấm mốc, vi sinh vật, rượu… Chi cục đã chủ động triển khai tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cũng như cách xử trí ban đầu khi phát hiện người bị ngộ độc thực phẩm cho cộng đồng.
Tập trung tuyên truyền tại các xã có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc và nơi đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa sinh sống, góp phần nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến căn bản trong mỗi cá nhân, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư và toàn xã hội. Qua đó, lồng ghép tuyên truyền bằng hình thức cụ thể như cấp phát tờ rơi và trực tiếp hướng dẫn người dân về cách nhận biết khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm; hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc.
Đồng thời, khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái, sử dụng các động, thực vật lạ có nguy cơ gây ngộ độc, đặc biệt không nên ăn các loại hoa, quả từ cây rừng, nấm mọc tự nhiên khi chưa xác định được nấm lành hay nấm độc.
Đối với cách phòng tránh ngộ độc vi nấm làm từ bánh ngô, bánh trôi ngô, khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng bột ngô làm bánh khi phát hiện thấy mùi lạ, màu lạ (các đốm nấm mốc, màu xanh, vàng, nâu...) chỉ nên sử dụng bột ngô làm bánh trong vòng 2 - 3 ngày. Trong quá trình chế biến, cần đảm bảo các nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tránh việc độc tố từ bên ngoài xâm nhập vào thực phẩm.