Hạ cánh mềm nền kinh tế: Fed cần vận may

Chia sẻ Facebook
10/05/2022 04:46:50

Trong tuần vừa qua Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất lên 0,5% và bắt đầu thực hiện thu hẹp bảng cân đối của mình, thứ mà Fed đã để nở bung ra tới hơn 9.000 tỷ USD so với trước dịch Covid-19. Với mức tăng chưa có tiền lệ này, không có chỉ dẫn hay sách vở nào hướng dẫn, làm sao Fed có thể thu tiền về một cách trật tự?

Hạ cánh mềm nền kinh tế: Fed cần vận may

Điều này còn khó khăn hơn khi Fed không còn nhiều thời gian, lạm phát ở Mỹ vẫn đang lập đỉnh cao mới và Fed phải tìm cách hạ nhiệt lạm phát.

Fed cần cả tài năng và vận may

Bơm tiền quá tay cộng với lạm phát vẫn tiếp tục cao và kéo dài khá lâu so với dự kiến đã trở thành “bộ đôi” khiến việc nâng lãi suất, thu hẹp bảng cân đối với tốc độ nhanh hơn lúc này là bắt buộc. Nhưng Fed lại có mục tiêu rất quan trọng khác cần phải cân bằng: làm sao nâng lãi suất, siết bảng cân đối mà không gây suy thoái?

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, cựu Chủ tịch Fed, nói rằng Fed cần cả tài năng lẫn may mắn để đạt được hạ cánh mềm. Còn trong phát biểu sau cuộc họp chính sách tiền tệ và quyết định tăng lãi suất vừa rồi, Chủ tịch Fed ông Jerome Powell, cũng thừa nhận: “Để đạt được hạ cánh mềm nền kinh tế là đầy thử thách, sẽ không dễ dàng. Kết quả phụ thuộc nhiều vào những sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Nhưng việc chúng tôi cần làm là cố gắng làm được điều đó”.

Tờ Financial Times trích dẫn một chuyên gia đầu cơ trái phiếu bình luận về những thông điệp đó: “Cứ tưởng tượng bạn đang ở trên một chiếc máy bay, và cơ trưởng thông báo rằng chúng ta “có thể” được hạ cánh suôn sẻ. Với hành khách chắc chắn là đáng quan ngại”. Một bình luận khác cho biết Fed như một người chơi bài poker đang được chia loạt bài quá nhỏ, nhưng bị buộc phải tiếp tục đặt cược, không được bỏ bài, trong khi không biết những lá bài được mở ra tiếp theo là gì.

Bình luận thú vị nhất tôi đọc được là của cây bút lão làng Robert Armstrong trên Financial Times: “Fed không có kế hoạch gì”. Nghe có vẻ vô lý, nhưng đọc bài của Armstrong lại thấy có lý. Fed thừa nhận rằng việc siết chặt tiền tệ để chống lạm phát không gây ra suy thoái  nằm ngoài tầm kiểm soát của họ lúc này, và họ vẫn lái xe đi vào làn sương mù đó với hy vọng may mắn ở bên. Ngoài dựa vào vận may và kỹ năng lái xe, dường như Fed không thể có kế hoạch chắc chắn nào.

Sẽ suy thoái ở những nền kinh tế chủ chốt?

Cùng trong tuần qua, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 13 năm, đó là… 1%. Họ đã không tăng lãi suất lên 0,5% như dự đoán mà chỉ tăng 0,25%. Chỉ 3 trong 9 thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ đề nghị nâng lãi suất lên 0,5%. Anh ở trong tình thế tương tự Fed, đó là họ đã hỗ trợ nền kinh tế bằng cách bơm tiền và giữ lãi suất thấp kỷ lục quá lâu. Khi lạm phát vọt lên mạnh, họ phải chạy theo sau lạm phát, nhưng họ không thể kéo lãi suất lên quá nhanh vì sợ gây đổ vỡ nền kinh tế.

Thống đốc BoE Andrew Bailey thừa nhận đây không phải là tình thế tốt để tăng lãi suất, bởi sẽ “đấm” thêm một cú vào các doanh nghiệp và hộ gia đình đang vật lộn với chi phí tăng cao do lạm phát. Nhưng họ buộc phải làm, nếu không lượng thanh khoản dư thừa trong nền kinh tế có thể làm lạm phát tồi tệ hơn. Điều mà Anh đang gặp khó hơn Mỹ là với bộ đôi Brexit và dịch Covid-19, lạm phát cao đang dần làm sụt giảm chi tiêu tiêu dùng của người Anh và BoE dự đoán quý IV-2022 và quý I-2023 nước Anh có thể lâm vào tăng trưởng GDP thực âm, đủ yếu tố để kết luận nền kinh tế đi vào suy thoái.

Các thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ Anh thừa nhận họ “không thể tránh được” việc các hộ gia đình Anh sẽ gặp khó khăn hơn do lạm phát và lãi suất tăng, và vai trò của BoE là đảm bảo lạm phát giảm xuống mức 2% một cách bền vững trong trung hạn. Trái với Fed, BoE đã gần như “buông súng” trong nỗ lực tăng lãi suất mà không đẩy kinh tế vào suy thoái. Họ dự đoán tăng trưởng GDP thực sẽ giảm 1% trong quý IV nếu giá năng lượng tăng thêm 40% như một số tổ chức dự đoán.

Với kịch bản trên, lạm phát sẽ đạt hơn 10% vào quý IV, mức cao nhất trong 40 năm và làm giảm thu nhập thực của các hộ gia đình, bởi lương sẽ không thể bắt kịp mức lạm phát cao như vậy. Tất nhiên đó chỉ là một kịch bản trong nhiều kịch bản có thể xảy ra. Mấu chốt ở đây là giá năng lượng sẽ ra sao vào tháng 10 tới, một điều không ai biết. Bởi cuộc chiến ở Ukraine sẽ kéo dài bao lâu, và nếu nó kết thúc thì sao? Lạm phát và giá năng lượng tất nhiên không thể tăng mãi. Nhưng nó chỉ cần tăng thêm một mùa đông là đủ để kéo nhiều nền kinh tế lớn đi vào suy thoái, và tất yếu kéo theo hệ lụy đến kinh tế toàn cầu.

Các ngân hàng trung ương toàn cầu vì vậy sẽ cần thêm nhiều may mắn đến từ phía nguồn cung năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu được giải tỏa. Mỹ và các nước phương Tây sẽ phải gây nhiều sức ép lên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) hơn nữa, trong khi Trung Quốc cần cách tiếp cận khác với các biện pháp chống Covid của mình. Không có cái nào trong những điều này nằm trong tầm kiểm soát của các ngân hàng trung ương. Việc của họ là thiết kế một chính sách tăng lãi suất và rút tiền về, rồi… ngồi đợi may mắn đến.

Để đạt được hạ cánh mềm nền kinh tế là đầy thử thách, sẽ không dễ dàng. Kết quả phụ thuộc nhiều vào những sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm được điều đó.

Ông JEROME POWELL,Chủ tịch Fed

Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh


SGĐTTC

Chia sẻ Facebook