GVR sẽ tái cơ cấu với 3 trụ cột "cao su - khu công nghiệp - chế biến gỗ"
Ngày 16/09, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (HOSE: GVR) đã có buổi làm việc với đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 và một số nội dung liên quan đến Đề án cơ cấu lại GVR giai đoạn 2021-2025.
GVR sẽ tái cơ cấu với 3 trụ cột "cao su - khu công nghiệp - chế biến gỗ"
Khó khăn ở cả 5 lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chính
Trong 9 tháng đầu năm 2022, đại diện GVR cho biết Công ty đã triển khai sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 về cơ bản được kiểm soát, hoạt động kinh tế trong nước dần trở lại trạng thái thường, bước đầu phục hồi và khởi sắc nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã làm giá dầu, lạm phát tăng cao, tạo ra những thách thức cho nền kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, các yếu tố như thời tiết, khí hậu diễn biến cực đoan, bệnh hại trên cây cao su, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, lao động thiếu ổn định, chi phí sản xuất tăng, yếu tố đầu vào nghẽn... cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của GVR .
Tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Hưng - Tổng giám đốc GVR - cho biết: "Công ty đã tập trung, quyết liệt triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, nhưng trên thực tế cả 5 lĩnh vực đầu tư kinh doanh của GVR đều đối mặt nhiều khó khăn, thách thức".
Trong lĩnh vực đầu tư , với mô hình hiện nay, Công ty Mẹ chủ yếu đầu tư, góp vốn vào doanh nghiệp khác và nguồn thu chủ yếu từ lợi nhuận, cổ tức được chia (công ty con, công ty liên kết và các khoản đầu tư tài chính) và từ thoái vốn khoản đầu tư tài chính theo sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Khối nông nghiệp cao su chiếm tỷ trọng lớn về vốn đầu tư, doanh thu. Mặc dù những tháng đầu năm có dấu hiệu tích cực nhưng tới nay, thị trường không ổn định, giá bán cao su giảm và tiêu thụ chậm, chi phí đầu vào tăng làm ảnh hưởng đến nguồn thu của Công ty.
Lĩnh vực k hu công nghiệp có mức lợi nhuận khá tốt nhưng quy mô còn nhỏ, quỹ đất cho thuê hiện hữu cơ bản hết, nguồn thu chủ yếu hiện nay là lãi tiền gửi, thu phí dịch vụ, phân bổ doanh thu dài hạn đã thu từ các năm trước. Trong khi các dự án mới như mở rộng KCN Nam Tân Uyên, An Điền, Minh Hưng III... vẫn đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý, chưa triển khai đầu tư.
Khu vực chế biến gỗ ngoài việc gặp khó khăn về thị trường thì năm 2022, nguồn gỗ phân bổ của Công ty bị giới hạn nên hoạt động chế biến gỗ càng khó khăn.
Khối công nghiệp cao su có chi phí đầu vào như nhiên liệu, chất đốt tăng cao; thị trường biến động lớn theo chiều hướng xấu, đặc biệt nguồn thu của CTCP GVR Khải Hoàn năm 2022 giảm mạnh so với tăng trưởng đột biến của năm 2021 (năm 2021 lợi nhuận gần 800 tỷ đồng, năm 2022 chỉ có khả năng hoà vốn).
Khối ngành nghề khác không có tăng trưởng đột biến, lớn nhất là hoạt động của khối thủy điện , các nhà máy phát điện bị giới hạn về công suất thiết kế, nguồn nước, giờ phát điện, giá bán điện nên cũng đi ngang, cơ bản không có tăng trưởng.
Đại diện GVR cho biết doanh thu và lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2022 của Công ty mẹ ước đạt lần lượt 1,927 tỷ đồng và 876 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ; còn hợp nhất, doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt 18,397 tỷ đồng và 4,408 tỷ đồng, tăng 2% và 4%.
Tuy nhiên, theo ông Trần Công Kha - Chủ tịch HĐQT GVR , trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của Công ty mẹ còn bao gồm dự thu khoản lợi nhuận từ thoái vốn với giá trị ước tính 429 tỷ đồng và thu đền bù đất đai từ nguồn ngân sách các địa phương khi thu hồi đất vào các mục đích phát triển kinh tế, xã hội. Trong trường hợp vì lý do khách quan, 2 nguồn thu này chưa được thực hiện trong năm cũng sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận của Công ty năm 2022.
Cơ cấu lại Công ty theo hướng cân đối 3 trụ cột “cao su - khu công nghiệp - chế biến gỗ”
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban, trên cơ cở phân tích, đánh giá thực trạng của Công ty và các đơn vị thành viên, các vấn đề tồn tại cần tiếp tục xử lý (thoái vốn ngoài doanh nghiệp, sở hữu chéo, các dự án có quy mô nhỏ hiệu quả không cao...), để đảm bảo Công ty tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, GVR đang xây dựng để trình Ủy ban Đề án tái cơ cấu Công ty giai đoạn 2021-2025, theo hướng: Tiếp tục thoái vốn đối với các công ty không hiệu quả, không cần thiết nắm giữ (kể cả công ty đang hoạt động hiệu quả); Thực hiện sáp nhập các công ty có quy mô nhỏ, cùng ngành nghề để tiết kiệm chi phí vận hành; Thực hiện thoái vốn, giảm vốn (mua cổ phiếu quỹ, hoàn trả vốn góp cho các cổ đông) trong lĩnh vực cao su để tập trung nguồn lực cho phát triển các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su, các dự án chế biến gỗ (đây là các lĩnh vực Công ty có lợi thế) nhằm đảm bảo cân đối về vốn đầu tư, nguồn thu giữa 3 trụ cột “cao su - khu công nghiệp - chế biến gỗ”.
Với định hướng tái cơ cấu toàn diện, Công ty sẽ có nguồn thu từ thoái vốn đầu tư (lãi do thoái vốn) để bổ sung/hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng trong ngắn và trung hạn. Về lâu dài, Công ty mẹ và cả Công ty sẽ có nguồn thu ổn định với biên lợi nhuận cao từ các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp, dự án chế biến gỗ khi các dự án đầu tư mới này được đưa vào vận hành, hoạt động, đảm bảo cho tăng trưởng và phát triển chung của Công ty giai đoạn 2026-2030.
Ông Lê Thanh Hưng cho biết: "Mục tiêu phát triển các lĩnh vực hoạt động chính đến năm 2025, tổng doanh thu dự kiến của Công ty tăng hơn 30% so với hiện nay, lợi nhuận sẽ tăng trưởng khoảng 20% và sẽ tăng nhanh hơn trong giai đoạn sau năm 2025. Doanh thu hợp nhất của Công ty là 161,730 tỷ đồng (trung bình khoảng 32,300 tỷ đồng/năm), lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 34,435 tỷ đồng (trung bình khoảng 6,870 tỷ đồng/năm). Lợi nhuận sau thuế Công ty Mẹ khoảng 12,350 tỷ đồng (trung bình 2,470 tỷ đồng/năm, tăng trung bình 7%/năm)".
Để đạt được mục tiêu trên, Công ty đang thực hiện một số nội dung chính như: Chuyển đổi một phần diện tích cao su sang phát triển ngành sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao hơn; Phát huy tối đa năng lực vườn cây cao su để bảo đảm hiệu quả, duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm cao su. Nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm; Tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đa dạng hóa sở hữu trong Công ty; Thoái vốn ở những danh mục đầu tư đã đạt ngưỡng hiệu quả, được thị trường đánh giá cao; Thực hiện sáp nhập các doanh nghiệp nhỏ, tăng hiệu năng, hiệu lực quản lý.