Gương mặt “mới mà quen” trong Nội các Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan
Nội các mới của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho thấy bước chuyển trong điều hành kinh tế, nhưng không hứa hẹn cách tiếp cận khác về chính sách đối ngoại, an ninh.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mới tái đắc cử Recep Tayyip Erdogan hôm 3/6 đã công bố Nội các mới với nhiều thay đổi, đặc biệt đáng chú ý là trong các lĩnh vực chính sách đối ngoại và an ninh, đồng thời báo hiệu bước chuyển trong các chính sách kinh tế vốn đã đẩy quốc gia liên lục địa Á-Âu đến bờ vực bất ổn tài chính.
Ông Erdogan, 69 tuổi, người đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba của mình hôm 3/6, đã thay đổi gần như tất cả các thành viên Nội các, ngoại trừ vị trí Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Văn hóa. Theo ông, Nội các mới sẽ cùng ông định hình thế kỷ mới trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ.
Bước chuyển trong điều hành kinh tế
Trong một bài phát biểu trên truyền hình vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, nhà lãnh đạo lâu năm của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông sẽ phục chức Bộ trưởng Tài chính cho ông Mehmet Simsek.
Ông Simsek, 56 tuổi, được các nhà đầu tư đánh giá cao khi giữ chức Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2009-2015 và Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế cho đến năm 2018.
Từng là nhà kinh tế học của tập đoàn môi giới đầu tư Merrill Lynch (London), ông Simsek được biết đến là người phản đối các chính sách trái thông lệ của ông Erdogan, và đã từ chức sau nhiều tháng đồn đoán rằng hai người xung đột về chính sách kinh tế.
Việc ông Simsek được tái bổ nhiệm có thể được nhìn nhận là bước chuyển đổi khỏi nhiều năm chính sách kinh tế không chính thống dưới thời Erdogan, bao gồm việc duy trì lãi suất thấp bất chấp lạm phát leo thang và sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước đối với thị trường.
Thổ Nhĩ Kỳ đang vật lộn với cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí trầm trọng và lạm phát tăng vọt lên 85% trong tháng 10 năm ngoái trước khi giảm xuống 44% trong tháng 5 năm nay. Đồng Lira của nước này đã mất hơn 10% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm.
Trong khi đó, chỉ số chứng khoán chuẩn của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 12% trong tuần qua và trái phiếu chính phủ tăng giá với hy vọng rằng sự trở lại của ông Simsek sẽ mở ra sự chuyển đổi sang chính sách kinh tế hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Việc thành lập một nhóm mới để điều hành nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ có thể mang đến những thay đổi trên diện rộng cho quốc gia này – một thành viên của NATO và G20 và từng là quốc gia dẫn đầu trong số các thị trường mới nổi đang rơi vào khủng hoảng tiền tệ trong những năm gần đây.
“Nhưng đối với ông Simsek, sẽ rất khó để chuyển hướng đột ngột từ các chính sách không chính thống sang các chính sách chính thống”, ông Tugberk Citilci, một nhà kinh tế học tại Đại học Nisantasi ở Istanbul, người đã được chính phủ thông báo về các chính sách kinh tế trong những năm gần đây, cho biết.
Tầm nhìn cho thế kỷ mới
Ông Erdogan cũng cải tổ ban lãnh đạo nhóm an ninh và chính sách đối ngoại của mình, chuyển một số nhân vật trung thành chủ chốt của ông sang các vai trò mới.
Theo đó, Hakan Fidan, giám đốc tình báo và là một cựu quân nhân, được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng mới thay thế ông Mevlut Cavusoglu, người đã đảm nhận vai trò này từ năm 2014.
Là một trong những phụ tá thân cận nhất của ông Erdogan, ông Fidan đã đứng đầu Tổ chức Tình báo Quốc gia (MIT) từ năm 2010 và trước đó là cố vấn cho ông Erdogan trong Văn phòng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Yasar Guler, tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng, thay thế ông Hulusi Akar. Ông Guler, 69 tuổi, là chỉ huy quân sự trong các cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria vào năm 2019 và 2020, đồng thời giám sát các hoạt động quân sự sau đó ở đó và ở Iraq.
Ông Cevdet Yilmaz được bổ nhiệm làm Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Yilmaz từng giữ chức Bộ trưởng Phát triển, và Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề kinh tế của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền.
Các ông Fidan, Guler và Yilmaz là “những người mà ông Erdogan có thể tin cậy”, theo ông Ziya Meral, một thành viên cao cấp tại Mạng lưới Lãnh đạo Châu Âu.
“Thông điệp của tất cả những điều này trong 10 tháng tới, và thậm chí là trong vài năm tới, sẽ là ông Erdogan đang tập trung vào việc củng cố sức mạnh chống lại phe đối lập chính trị, giải quyết một số mối lo ngại suýt chút nữa đã quật ngã ông và đội ngũ của mình trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, và theo đuổi tầm nhìn cho thế kỷ mới của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Meral nói với Al Jazeera.
“Và ông ấy đang ủy nhiệm những vị trí quan trọng này cho những người mà ông ấy tin tưởng”.
Mặc dù các quan chức mới đang giám sát chính sách đối ngoại và an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cuộc cải tổ Nội các dự kiến sẽ không có tác động lớn đến cách tiếp cận của Ankara đối với một loạt các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài, bao gồm xung đột Nga-Ukraine và bế tắc trong việc mở rộng NATO do ông Erdogan từ chối chấp thuận Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này.
Nội các mới của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan:
Phó Tổng thống: Cevdet Yilmaz Ngoại trưởng: Hakan Fidan Bộ trưởng Ngân khố và Tài chính: Mehmet Simsek Bộ trưởng Quốc phòng: Yasar Guler Bộ trưởng Nội vụ: Ali Yerlikaya Bộ trưởng Giáo dục: Yusuf Tekin Bộ trưởng Tư pháp: Yilmaz Tunc Bộ trưởng Dịch vụ Gia đình và Xã hội: Mahinur Ozdemir Goktas Bộ trưởng Lao động và An sinh Xã hội: Vedat Isikhan Bộ trưởng Môi trường, Đô thị hóa và Biến đổi khí hậu: Mehmet Ozhaseki Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên: Alparslan Bayraktar Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao: Osman Askin Bak Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch: Mehmet Nuri Ersoy Bộ trưởng Y tế: Fahrettin Koca Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ: Mehmet Fatih Kacir Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp: Ibrahim Yumakli Bộ trưởng Thương mại: Omer Bolat Bộ trưởng Giao thông và Cơ sở hạ tầng: Abdulkadir Uraloglu
Minh Đức (Theo WSJ, Al Jazeera)