Gtel muốn roaming với các nhà mạng khác để cung cấp dịch vụ 4G

Chia sẻ Facebook
07/06/2022 20:26:37

Gtel đang phối hợp nghiên cứu, triển khai cung cấp SIM 4G cho thuê bao trên cơ sở roaming với các nhà mạng di động khác.

Như vậy, đây là giải pháp tình thế cho nhà mạng này trong bối cảnh gặp khó khăn về vùng phủ sóng để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Chia sẻ về tương lai của 4G, ông Đào Xuân Vũ, CEO Viettel Networks cho biết, trong giai đoạn tới, Viettel vẫn coi 4G là mạng viễn thông chủ đạo và tiếp tục đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Số liệu phân tích từ Viettel Networks cho thấy, nhu cầu dùng dữ liệu và dịch chuyển thuê bao từ công nghệ cũ 2G và 3G lên 4G tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Dự kiến đến năm 2023, mạng 4G của Viettel sẽ đạt 45 triệu người dùng, hành vi thuê bao tăng khoảng 2,5 lần, từ 7-8 GB/tháng lên 18-20 GB/tháng.

“Lưu lượng phát sinh trên mạng 4G của Viettel vào năm 2023 tăng 3 lần, đến năm 2025 sẽ gấp tới 5 lần. Do đó, 4G vẫn là một trong những công nghệ chủ đạo của Viettel, bên cạnh sự xuất hiện của các công nghệ mới như 5G, IoT, NG-PON”, ông Đào Xuân Vũ phân tích.

Bình luận về vấn đề này, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào nhấn mạnh, 5G sẽ là hạ tầng số quan trọng đối với Việt Nam. Nhưng đối với Việt Nam, 4G vẫn còn quan trọng và tồn tại trong nhiều năm nữa. Việc tiếp tục đầu tư vào 4G cũng rất đáng lưu tâm bởi trong vài năm nữa 4G vẫn là mạng phổ biến. Chúng ta thấy rằng sau thời kỳ đại dịch, mọi người chuyển dần sang thói quen làm việc online nên yêu cầu về mạng băng rộng di động sẽ rất lớn, cần mở rộng dung lượng mạng 4G. Tuy nhiên, 5G sẽ được triển khai ở các điểm nóng, khu công nghiệp, thành phố lớn và sau đó có thể phát triển nhanh từ năm 2025.

Theo kết quả nghiên cứu của công ty IDC, doanh số điện thoại thông minh tại thị trường Việt Nam đạt 15,9 triệu máy với mức tăng trưởng 11,9% trong năm 2021. Kết quả tăng trưởng hai con số này chủ yếu đến từ sự đóng góp về doanh số của các dòng điện thoại hỗ trợ mạng 4G. Doanh số điện thoại phổ thông bị sụt giảm rõ rệt bởi những quy định hạn chế nhập khẩu điện thoại chỉ hỗ trợ mạng 2G/3G bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2021.

Từ năm 2014, để mở rộng vùng phủ sóng cho khách hàng, Gmobile đã roaming 2G với VinaPhone.

Hồi tháng 6/2020, ông Nguyễn Trường Phi, Tổng giám đốc Gmobile cho biết, nhà mạng Gtel mới có mạng 2G mà chưa có 3G và 4G. Vì vậy, Gmobile muốn phát triển 5G trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Phi thừa nhận việc đầu tư 5G tốn kém. Mục đích của mạng 5G là phục vụ nhu cầu cho Internet vạn vật (IoT) nên cần cơ sở hạ tầng rất lớn và cả hạ tầng nhỏ như cột điện, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu… Vì vậy, Gtel muốn sử dụng chung hạ tầng với các nhà mạng khác để giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả kinh doanh.

Theo ký kết giữa Gtel và Viettel, VNPT và MobiFone hồi tháng 6/2020, các bên sẽ sử dụng chung hạ tầng khoảng 200 trạm thu phát sóng.

Trước đó, ngày 18/10/2016, Bộ TT&TT đã cấp giấy phép cung cấp thiết lập mạng viễn thông công cộng và cung cấp dịch vụ viễn thông 4G cho Gmobile. Theo giấy phép này, Gmobile sẽ triển khai kinh doanh dịch vụ viễn thông 4G trên băng tần 1800 MHz. Song Gmobile chưa thể triển khai mạng 4G.

Bộ TT&TT đang chủ trương tắt sóng 2G nhằm thúc đẩy người dân sử dụng smartphone và tiến tới xã hội số. Nếu so với các nhà mạng khác, Gmobie đang ở thế yếu nhất khi chỉ có mạng 2G. Như vậy, nhà mạng này phải tính toán để có dịch vụ 4G và sắp tới là 5G cung cấp cho khách hàng.

Chia sẻ Facebook