GS.TSKH Nguyễn Mại: Nếu không thay đổi, phát triển công nghiệp của Thanh Hóa sẽ sớm bị Hà Tĩnh, Nghệ An vượt mặt
Chia sẻ với PV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết: “Khu Kinh tế Nghi Sơn hiện nay được xem là động lực phát triển công nghiệp của cả tỉnh Thanh Hoá. Tuy nhiên, Khu Kinh tế Nghi Sơn đang gặp phải một số vấn đề gây ảnh hưởng đến việc phát triển công nghiệp của Thanh Hoá”.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, trước đây khoảng chục năm, Thanh Hoá đã thành công thu hút ông lớn Mitsubishi Nhật Bản vào xây dựng nhà máy sản xuất xi măng, đây được xem như bước đầu về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang đứng đầu cả nước về sản xuất xi măng, công suất sản xuất xi măng đạt 21 triệu tấn, chiếm gần 1/5 cả nước. Bên cạnh thu hút đầu tư vào chuỗi sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực xi măng, Thanh Hóa cũng đang tích cực thay đổi môi trường thu hút đầu tư và phát triển mở rộng trong sản xuất công nghiệp hơn nữa.
Ông đánh giá như thế nào về tăng trưởng kinh tế của Thanh Hoá trong những gần đây, tỉnh có những lợi thế gì về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp?
Mặc dù, Covid-19 ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế, Thanh Hoá vẫn là một trong những tỉnh có tăng trưởng kinh tế cao trong những năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước đạt 8,85%, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố cả nước (sau Quảng Ninh, Hải Phòng, Gia Lai và Ninh Thuận).
Để tạo ra được thành tựu trong phát triển kinh tế như vậy là nhờ vào việc Thanh Hóa đã biết tận dụng lợi thế vốn có của mình. Trên thực tế, lợi thế tăng trưởng kinh tế của Thanh Hoá nằm ở việc khai thác sân bay quốc tế và cảng nước sâu Nghi Sơn.
Cách đây vài chục năm, Thanh Hoá đã có những dự án lớn như dự án Mitsubishi làm nhà máy xi măng ở Nghi Sơn. Theo báo cáo của tỉnh, chỉ tính riêng Thanh Hoá, công suất sản xuất xi măng đã đạt 21 triệu tấn. Hiện Việt Nam có 90 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất 107 triệu tấn, như vậy Thanh Hoá đã chiếm đến gần 20% công suất sản xuất xi măng của cả nước.
Bên cạnh đó, Thanh Hoá còn có ưu thế về phát triển du lịch biển, ngoài Sầm Sơn thì còn Hải Tiến hay các bãi biển khác đều đang thu hút đông khách khu du lịch. Theo đó, đã có rất nhiều nhà đầu tư vào Thanh Hóa để xây dựng phát triển du lịch. Từ đó, Sầm Sơn trở thành địa điểm thu hút khách trong nước và quốc tế.
Ngoài lợi thế về biển, Thanh Hóa còn có lợi thế về yếu tố con người. Theo tôi đánh giá, tỉnh có nguồn nhân lực chất lượng cao và đảm bảo. Dân số Thanh Hoá hiện nay là 3,7 triệu người chỉ xếp sau Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Tỉnh có các hệ thống giáo dục từ các trường Đại học cho đến các trường Cao đẳng nghề. Mấy năm nay, tỉnh Thanh Hoá làm rất tốt việc cải cách giáo dục, hệ thống trường học được xây dựng đẹp thay đổi bộ mặt, diện mạo của tỉnh. Đồng thời, việc phát triển hệ thống giáo dục các cấp tốt đã giúp cho Thanh Hóa có nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
Thanh Hóa đã tích cực thu hút đầu tư, tạo sự phát triển trong sản xuất công nghiệp để phù hợp với xu hướng phát triển bền vững hiện nay, ông thấy sao về điều này?
Từ vài đại hội gần đây, tỉnh đã quyết định phải tạo ra môi trường đầu tư tốt để hấp dẫn các nhà đầu tư. Thanh Hóa luôn chủ động thay đổi để lọt vào mắt xanh các nhà đầu tư chứ không trông chờ, vận động, mời gọi các nhà đầu tư như thời gian trước.
Về môi trường đầu tư, Thanh Hoá đã ban hành một loạt quy định đầu tư cụ thể về thu hút đầu tư nói chung và thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng. Định hướng thu hút đầu tư của Thanh Hoá đi sát với định hướng của Nhà nước.
Sau khi thu hút đầu tư, Thanh Hóa tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính nhanh bằng các cơ chế ưu đãi. Thanh Hoá giờ đây có trung tâm xúc tiến đầu tư chung của cả đầu tư thương mại, du lịch, nông nghiệp và có cả trung tâm xử lý tại chỗ thay cho nhiều cỡ trước đây. Nhờ những thay đổi này, việc hỗ trợ các nhà đầu tư được thực hiện nhanh chóng, tinh giản và tiết kiệm nguồn nhân lực hơn.
Đặc biệt, tỉnh đã tích cực thực hiện chuyển đổi số trong xử lý hành chính, giảm thiểu được rất nhiều thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Điều này đã được nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đánh giá rất cao. Điển hình như, thời gian để cấp phép đầu tư cho dự án giảm đi nhiều, chỉ còn khoảng 1-2 tuần.
Theo ông, Thanh Hoá đang phải đối mặt với những vấn đề gì trong phát triển sản xuất công nghiệp?
Cụ thể, hoạt động của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong Khu kinh tế Nghi Sơn đã thể hiện rất rõ những vấn đề đang tồn tại trong phát triển Khu kinh tế nhiều tiềm năng này. Đáng lẽ ra xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn để tạo động lực phát triển công nghiệp cho tỉnh Thanh Hoá. Nhưng việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn lỗ liên tiếp trong thời gian dài đã ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của cả Khu kinh tế Nghi Sơn nói riêng và Thanh Hoá nói chung.
Tuy nhiên, vấn đề này đang được giải quyết và sẽ có cải thiện trong tương lai. Khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động tốt, nhà máy có thể đóng góp hàng nghìn tỷ vào ngân sách của tỉnh Thanh Hoá. Từ đó, nhà máy lọc dầu và Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ góp phần tạo đà tăng trưởng kinh tế tốt hơn cho Thanh Hoá.
Bên cạnh đó, Thanh Hoá đang phải đối mặt với việc đang đi chậm lại hơn so với các tỉnh, thành lân cận điển hình như Hà Tĩnh, Nghệ An. Nhiều năm trước đây, Nghệ An và Hà Tĩnh phát triển chậm hơn rất nhiều so với Thanh Hoá.
Tuy nhiên, hai địa phương này tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghiệp rất nhanh trong một vài năm trở lại đây. Nếu không thay đổi, phát triển công nghiệp của Thanh Hóa sẽ sớm bị Hà Tĩnh, Nghệ An vượt mặt.
Có thể thấy, hiện Hà Tĩnh đã có Khu kinh tế Vũng Áng làm động lực phát triển kinh tế. Cùng với đó, Nghệ An cũng đã có 2-3 khu công nghiệp để thu hút đầu tư phát triển. Theo đó, tình hình thu hút đầu tư trong và ngoài nước của hai tỉnh, thành này đang rất tiềm năng và có thể đột phá mạnh trong tương lai.
Mặc dù Thanh Hoá đang là tỉnh hấp dẫn các nhà đầu tư hơn các địa phương lân cận nhưng đang dần bị các địa phương khác vượt qua. Nếu Thanh Hoá không cải thiện chất lượng các dự án đầu tư thì sẽ bị Hà Tĩnh, Nghệ An vượt qua, không thể đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ mãi được.
Như ông đã chia sẻ, Khu kinh tế Nghi Sơn được phát triển nhằm đóng góp lớn cho kinh tế Thanh Hoá. Vậy việc Khu kinh tế Nghi Sơn được nhận nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư dẫn đến hiện tượng thu hút ồ ạt, bằng mọi giá, ông đánh giá sao về hiện tượng này?
Trước đây, việc thu hút FDI ồ ạt, bằng mọi giá là hiện tượng không chỉ xảy ra ở Khu kinh tế Nghi Sơn đâu mà ở đâu cũng thế. Khi Việt Nam còn khó khăn, các địa phương còn chưa phát triển thì liên tục có chủ trương làm thế nào để phát triển hạ tầng cơ sở, làm cao tốc, làm sân bay… để thu hút đầu tư.
Trên thực tế, nếu không phát triển, cơ sở hạ tầng chưa tốt, chưa có gì thì không nhà đầu tư nào muốn đến để rót tiền đầu tư cả. Thanh Hoá cũng thế, khi mới bắt đầu xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh bắt buộc phải đưa ra nhiều ưu đãi để hấp dẫn các nhà đầu tư đến với tỉnh.
Tuy nhiên, việc thu hút ồ ạt như trước không còn hiệu quả nữa. Thanh Hóa đang trở thành một tỉnh có phát triển khá tốt so với mặt bằng chung cả nước. Chính vì vậy, việc vốn đầu tư chảy tràn lan vào tỉnh sẽ không còn có tác động mạnh tới phát triển kinh tế của tỉnh như giai đoạn trước nữa.
Ngoài ra, sau nhiều năm nỗ lực thu hút đầu tư, Khu kinh tế Nghi Sơn hiện đã sử dụng khoảng 70-80%, con số này tương đối cao. Chính vì vậy, dư địa của Khu kinh tế Nghi Sơn hiện không còn nhiều.
Với việc Khu kinh tế Nghi Sơn không còn nhiều dư địa để phát triển, theo ông Thanh Hoá nên làm gì để giải quyết vấn đề này?
Trên thực tế, Thanh Hóa đã nhìn nhận được vấn đề dư địa Khu kinh tế Nghi Sơn không còn nhiều từ trước. Cụ thể, Thanh Hóa đang thực hiện mở rộng thêm Khu kinh tế Nghi Sơn tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới.
Chính phủ cũng đã có chủ trương điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo chủ trương phát triển, Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, gắn liền với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn.
Đặc biệt, Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc miền Trung.
Và điều quan trọng sau khi mở rộng phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn, việc thu hút dòng vốn như thế nào là vô cùng quan trọng. Theo tôi, Thanh Hóa nên cải thiện chất lượng các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn.
Cùng với đó, Thanh Hóa nên thu hút các dự án đầu tư không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đồng thời, tỉnh cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, dịch vụ hiện đại. Với sự thay đổi nhanh chóng như hiện nay thì việc thu hút dòng vốn đầu tư theo xu hướng công nghệ số cùng cần được đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh việc tập trung phát triển khu kinh tế Nghi Sơn, ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư của Thanh Hoá trong tương lai?
Vấn đề của Thanh Hóa bây giờ là làm thế nào để tận dụng điều kiện thuận lợi bờ biển của Thanh Hoá – Hà Tĩnh. Mỗi bên có khoảng 150 cây số bờ biển, kết nối lại có thể lên đến 500 cây số, tiềm năng phát triển công nghiệp ở khu vực này lớn.
Thứ 2 là khai thác về mặt logistic, hiện nay tỉnh cần làm thế nào để khai thác tốt lợi thế của cảng nước sâu Nghi Sơn. Vinh đã có sân bay quốc tế Thanh Hoá nay cũng có sân bay quốc tế vậy làm thế nào để kết nối lại để phát triển kinh tế vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh để hợp thành một vùng kinh tế lớn.
Về thu hút đầu tư, tỉnh cũng nên hạn chế đầu tư vào các ngành thâm dụng lao động, hoặc ảnh hưởng đến môi trường. Thanh Hoá nên tập trung thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghệ tương lai hiện đại, đào tạo công nghệ chất lượng cao, chuyển giao công nghệ theo hướng R&D.
Hướng như vậy rất tích cực đối với tỉnh vì nếu không chuyển theo hướng mới thì khó có thể phát triển tiếp được. Hiện nay, Thanh Hoá cũng nên chuyển sang hướng phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, tỉnh cũng cần quan tâm đến các dự án tài chính, công nghệ mới.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là con người. Tinh cần thực hiện việc tinh giản bộ máy chính quyền. Thanh Hoá cần đào tạo lại chất lượng nguồn nhân lực, thậm chí có thể loại bỏ những đối tượng không thích ứng được với xu hướng chuyển đổi số.
Để làm đc điều này thì người đứng đầu cần mạnh dạn thực hiện thay đổi. Đồng thời, đưa ra chính sách và thực hiện nghiêm túc để người ta tin rằng tỉnh Thanh Hóa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Bài: Bình Minh - Duy Thắng Thiết kế: Hải An