GS Vũ Hà Văn – TS Vũ Thanh Điềm đã được dạy dỗ như thế nào?

Chia sẻ Facebook
22/04/2022 08:38:48

Gia đình 4 người thì có 3 cái tên nổi tiếng: Nhà thơ Vũ Quần Phương, GS Toán học Vũ Hà Văn, TS Vũ Thanh Điềm.

Dược sĩ Đào Thị Hường, người thứ 4 trong gia đình ấy không phải là người của công chúng, nhưng cũng có vai trò và vị trí rất đặc biệt trong sự thành công của các con và sự vững chãi của nếp nhà. Tuyến bài Danh gia dạy con của chúng tôi xin tiếp tục kể cho Quý vị nhiều câu chuyện thú vị…

Nhà thơ Vũ Quần Phương và vợ Đào Thị Hường

Trường Hùng:

Nếu thấy một gia đình có con cái tài năng và đạo đức, nhiều người sẽ đoán rằng: Những đứa con đó được sinh ra trong một nếp nhà tốt. Ông đã bước sang tuổi 84, bà đã 74, trong quá trình chung sống với nhau nhiều chục năm ấy, nếp nhà đã được duy trì ra sao? Có bao giờ hai người cãi vã, giận dỗi nhau không?


Nhà thơ Vũ Quần Phương: Cãi nhau to thì rất hiếm, nhưng giận dỗi thì có và chúng tôi dàn hòa cũng dễ dàng.

Bản tính tôi hơi "nhạy cảm". Người ta chưa buồn tôi đã buồn, chưa vui tôi đã vui, nên dễ sinh cáu gắt. Còn bà xã tôi ưu điểm là không hiếu thắng, điềm đạm và ít nói.

Tôi nhớ có lần chở bà xã tôi bằng xe gắn máy từ cơ quan Bộ Y tế về nhà ở Trương Hán Siêu. Lúc đến đoạn đường Giảng Võ đang đào bới thi công, chúng tôi phải xuống xe. Sau đó, tôi lại lên xe nổ máy và tiếp tục câu chuyện dang dở với bà xã.

Về đến nhà, mẹ tôi hỏi "vợ con đâu?" (cười), tôi mới tá hỏa thì ra bà ấy chưa kịp ngồi lên tôi đã phóng đi. Tôi quay lại đón thì bà ấy đã đi đến Văn Miếu rồi.

Tôi ngạc nhiên và phục bà ấy, bị bỏ rơi mà không nói một câu nào nặng lời, chỉ nhỏ nhẹ: "Em gọi anh mãi mà không được, anh cứ phóng đi" (cười).

Trường Hùng:

Vậy thì bí quyết gì khiến ông bà hóa giải mâu thuẫn để vẫn yêu thương nhau đến tận bây giờ?


Nhà thơ Vũ Quần Phương: Đó là sự tận tụy vì nhau. Tôi thường có lỗi nhiều hơn bà xã. Đó là cái yếu kém của tôi trong cách hành xử, nguyên nhân xuất phát từ sự nóng nảy, bộp chộp.

Trước đây thì tôi cũng ít xin lỗi lắm, vì cũng do tính tự ái của bản thân, phần nghĩ người làm lành trước là người yếu thế. Mãi sau này tôi mới biết chủ động xin lỗi khi mình làm quá mức một việc gì đó.

Trường Hùng:

Các bậc cha mẹ rất hay bất đồng quan điểm trong việc giáo dục con cái. Ông bà thì sao?


Nhà thơ Vũ Quần Phương: Về cơ bản chúng tôi thống nhất, chỉ có một vài chi tiết dẫn đến hiểu lầm, nhưng khi được giải thích cặn kẽ thì cả hai đều đồng thuận với nhau.

Tôi hơn bà xã tôi 9 tuổi, nên giai đoạn đầu phần lớn tôi đề xuất thì bà xã ủng hộ. Nhưng càng sống lâu thì sự cách biệt ấy cũng không còn nữa, thêm nữa bà xã tôi rất từng trải trong ứng xử việc đời, nên bà ấy dần dần đề xuất nhiều hơn và tôi ủng hộ, làm theo.

Ông Vũ Quần Phương - bà Đào Thị Hường cùng anh Văn lúc nhỏ

Trường Hùng:

Nói đến gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương và dược sĩ Đào Thị Hường, những người trong và ngoài lĩnh vực thơ ca sẽ nghĩ đến ngay hai người con thành đạt của ông bà là GS Toán học Vũ Hà Văn và TS Vũ Thanh Điềm – Trưởng bộ phận của Google. Còn ông bà, nếu để nói về gia đình mình, ông bà sẽ nghĩ đến vấn đề gì đầu tiên?


Nhà thơ Vũ Quần Phương: Chúng tôi có may mắn là trí óc con cái phát triển bình thường, cho nên tiếp thu được kiến thức trong quá trình học tập. Nhiều bậc bố mẹ không tính đến điều này, nên bắt các con phải học quá sức mình. Cha mẹ thương con thì phải biết: ông trời cho con mình đến đâu thì chỉ nên khai thác đến đấy.

Ngay trong một gia đình cũng có đứa con chậm, có đứa con nhanh. Cuối cùng làm sao để các con cảm thấy hạnh phúc khi được sống ở trên đời, các con cống hiến nhiều thì được hưởng thụ nhiều, nhưng cống hiến ít vẫn có thể hạnh phúc bằng cách chi tiêu phù hợp.

Trường Hùng:

Ông đã đỗ Bác sĩ ở Đại học Y Hà Nội, suốt 6 năm liền đều nhận học bổng và khi ra trường là sinh viên duy nhất của khóa được nhận về công tác tại Bộ Y tế. Còn về phía bà, do hoàn cảnh gia đình mà phải nghỉ học từ sớm nhưng bằng nỗ lực không ngừng bà đã tự học và thi đỗ vào Đại học Dược Hà Nội. Phải chăng, sự hiếu học của ông bà đã hình thành nên sự hiếu học của các con?


Dược sĩ Đào Thị Hường: Tôi thấy đó là nền nếp của gia đình. Nhà tôi xưa kia tuy rất chật nhưng xung quanh bao giờ cũng có sách. Và cứ tối đến là cả nhà mỗi người thường cắm cúi vào một quyển sách.

Trong lúc bố mẹ đi làm, các con bị nhốt trong nhà cũng lấy sách truyện ra đọc, vì hồi ấy nhà làm gì có đồ chơi.

Buổi tối, sau khi ăn cơm xong, bà nội, bố mẹ quây quần, Vũ Hà Văn ngồi trên chiếc phản gỗ nhỏ. Mọi người đưa ra câu đố, khi là một bài toán, một bài thơ, một câu truyện. Lúc giải được, Văn rất thích, còn cả nhà ai cũng vui vẻ. Chúng tôi thường xuyên tạo nếp sinh hoạt như thế.

Không gian sách tại gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương

Trường Hùng:

Làm cha mẹ, ít ai không muốn con mình trở thành người giỏi giang, người kiệt xuất, nổi tiếng và được xã hội trọng thị. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào tiềm năng, sự thông minh, năng khiếu của mỗi đứa trẻ. Vậy bằng cách nào, ông bà phát hiện ra các con của mình có năng khiếu và làm sao để mỗi người con phát huy sở trường đó một cách tốt nhất?


Dược sĩ Đào Thị Hường: Tôi thấy việc gần gũi con là quan trọng nhất. Thông qua việc gần gũi, cha mẹ có thể phát hiện ra năng khiếu của con.

Như nhà tôi, buổi tối không ai phân công ai, chồng tôi bảo ban việc học cho Văn, còn tôi chăm sóc cho Điềm. Hồi ấy Điềm còn nhỏ (3-4 tuổi), bao giờ vào giường trước khi ngủ, tôi cũng kể truyện hay đọc một bài thơ cho con nghe. Sáng hôm sau nhắc con kể lại thì thấy rằng con rất nhập tâm và nhớ lâu.

Còn về phía Văn, trong buổi sinh hoạt của gia đình, chồng tôi đưa ra một đề bài Toán, thì thấy con trả lời được ngay, ngắn gọn, rõ ràng. Từ đấy, dần dần mình mới thấy con có một tiềm năng về Toán.


Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tôi vẫn giữ thói quen ghi nhật ký về con hàng ngày. Một năm sau đọc lại thấy con trội ở môn Toán. Cộng thêm vào cuối năm lớp 1, cô Trang, giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa) cho biết Văn có năng khiếu về Toán và khuyên cha mẹ nên cho con học trường chuyên. Lúc đó cả hai vợ chồng tôi mới tính đến việc chuyển trường cho con.

Khi Văn vào cấp 2, được mọi người chia sẻ về thầy Tôn Thân (nay là NGND Tôn Thân), giáo viên Trường THCS Trưng Vương là một nhà sư phạm giỏi, tôi đến xin cho Văn học thầy, vì mong con không chỉ học kiến thức mà còn học tác phong sống của thầy. Kể từ khi được học thầy, tôi nhận thấy năng khiếu về Toán học của Văn được phát huy.

Tôi nghĩ rằng, thời đó cái gì các con cũng thiếu rồi, nếu mình không bù lại bằng tình cảm thì các con cũng chẳng có gì cả. Và từ những tình cảm dung dị ấy mới sinh ra phương pháp giáo dục phù hợp với con.

Trường Hùng:

Nếu không có vai trò chỉ đường của cha mẹ, ông bà nghĩ rằng một đứa trẻ thông minh có thể tự lập và tạo nên những thành tựu lớn lao về sau hay không?


Nhà thơ Vũ Quần Phương: Để trả lời chính xác câu hỏi này cần có một thống kê xem xác xuất ra sao. Còn với riêng tôi, nếu để tự thân vận động thì đứa trẻ đó sẽ vất vả hơn. Điều này đúc rút ra từ trải nghiệm của bản thân tôi, bởi nếu có sự bảo ban của bố thì chắc tôi sẽ khá hơn bây giờ.

Những người học cùng tôi trước đây họ học một ngoại ngữ thôi, giờ họ đều thành thạo một thứ tiếng (tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga). Còn riêng tôi, hồi cấp 2 học tiếng Pháp, tiếng Anh, đến lúc giải phóng Thủ đô (1954) thì học tiếng Trung Quốc, vào DDại học thì không học nữa vì nhà trường không dạy tiếng nước ngoài.

Sau này tôi có học thêm tiếng Pháp tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy cũng tốt nghiệp hàng xuất sắc đấy nhưng một người học hàm thụ, tại chức thì vẫn chưa đến nơi đến chốn. Chứ nếu được học hành đàng hoàng, dùng thành thạo thì bản thân sẽ mở mang ra nhiều thứ hơn.

Tôi thiếu bố từ nhỏ, thiếu người hướng đạo, nên thành dở dang như thế.


Dược sĩ Đào Thị Hường: Tôi nghĩ, một đứa trẻ thông minh nếu để nó tự nhiên phát triển, tự tìm hướng thì nhiều khi chưa chính xác. Bên cạnh đó cần phải có một sự khơi mở, phát hiện của những người lớn, nhất là cha mẹ và thầy cô.

Cụ thể, năng khiếu Toán học của Văn nhà tôi là do cô giáo cấp 1 gợi ý cho con đi học trường chuyên. Về phía vợ chồng tôi, tuy trước đó cũng nhận thấy điều này nhưng lại chưa biết nơi nào có thể giúp con phát huy năng khiếu.

Bà Đào Thị Hường tiễn con trai - Vũ Hà Văn tại sân bay Nội Bài sang Hungary du học 1987

Trường Hùng:

Giờ đây, khi nhắc đến các nhà Toán học hàng đầu thế giới, người ta nghĩ đến ngay là Việt Nam có Giáo sư Ngô Bảo Châu và người còn lại là Giáo sư Vũ Hà Văn. Với tư cách là một người cha, ông bà lý giải thế nào về sự thành công của người con cả?


Dược sĩ Đào Thị Hường: Nói đến sự thành công của Văn ngày hôm nay, tôi nghĩ đến 3 yếu tố - bản thân Văn, gia đình và người thầy.

Giai đoạn Văn còn ở trong nước, gia đình đóng vai trò hỗ trợ ở bên cạnh, tạo các tiền đề – tình cảm, vật chất và một nền nếp gia đình. Gia đình yên ổn thì đứa trẻ sẽ tốt, còn gia đình hỗn loạn thì trẻ khó có thể yên tâm học hành.

Bên cạnh đó, vai trò của người thầy cũng rất quan trọng. Nếu Văn không gặp được các thầy cô giáo tốt như cô Trang, cô Nghĩa (cấp 1), thầy Tôn Thân (cấp 2)... thì cũng khó lòng mà phát triển được. Bởi những người thầy, nhất là những thầy giỏi có tác động cực tốt đối với trí tuệ của đứa trẻ.

Nhưng khi bắt đầu ra nước ngoài học tập, phải tự lập thì cái đầu tiên giúp bản thân Văn đứng vững được là luôn nhớ tới nền nếp học tập và đạo đức của gia đình, không bị sao nhãng mà luôn chú tâm vào việc học. Cùng với đó, thông qua những nỗ lực của bản thân, Văn đã bộc lộ khả năng toán học nổi trội, khiến các thầy cô nhận ra và đã bồi dưỡng, chăm sóc.

Vì lẽ đó, khi đang học năm thứ 2 tại Khoa Điện của Đại học Bách khoa Budapest (Hungary), Văn được bà giáo dạy toán phát hiện và giới thiệu với ông chồng là giáo sư László Lovász, Viện sĩ hàn lâm, nhà Toán học hàng đầu thế giới về toán rời rạc.

Sau hai buổi phỏng vấn, Giáo sư László Lovász đã viết thư đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Budapest xin cho Văn sang học tập tại Khoa Toán của Trường Đại học Tổng hợp Eotvos Lorand và ông nhận đào tạo. Có thể coi, đó là hai buổi phỏng vấn "định mệnh" cho con đường của Văn.

Với môi trường học tập mới này, Văn đã không phụ lòng mong mỏi của các giáo sư, liên tục trong ba năm 1991, 1992, 1993 đều đạt giải tại Cuộc thi Schweitzer Miklos – một cuộc thi toán học dành cho sinh viên Hungary nhằm tìm kiếm những nhà toán học tương lai.

Bởi vậy, bao giờ tôi cũng đánh giá cao người thầy, nhưng bản thân đứa trẻ cũng phải nỗ lực và trong quá trình đó tác động của thầy rất quan trọng.


Trường Hùng: Kỷ niệm nào về người con Vũ Hà Văn mà ông bà nhớ nhất?


Dược sĩ Đào Thị Hường: Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là bức thư đầu tiên Văn gửi về gia đình ngay khi mới nhập học ở Hungary (1987). Thời ấy, thư một chiều về đến Việt Nam là mất một tháng.

Trong thư, Văn mô tả bếp ăn tập thể của Trường Đại học Bách khoa Budepest, một cái bếp rất đẹp. "Con mơ sẽ có một ngày con làm cho mẹ được cái bếp như thế!", mỗi khi nghĩ đến câu này tôi đều rơi nước mắt, cả hồi mới nhận được thư cũng vậy. Như vậy, tình cảm của con đối với bố mẹ phải sâu sắc đến nhường nào.

Trước đây trong hoàn cảnh thiếu thốn, Văn thấy bố mẹ chịu khó, bố mẹ chăm sóc và làm mọi điều cho con. Nên khi ra khỏi nhà tự lập, điều đầu tiên con nghĩ tới là bố mẹ, mong muốn cuộc sống của bố mẹ không còn vất vả nữa.

Trong số những sinh viên du học cùng thế hệ con, tôi được biết, Văn là người chịu khó viết thư về gia đình nhất. Suốt 5 năm học đại học tại Hungary, không có tháng nào con không gửi một bức thư gửi về nhà – gồm một lá cho vợ chồng tôi, một lá giao bài tập toán cho em trai (Điềm).

Cho nên, tôi nghĩ rằng, để con cái có thể thành công được. Đầu tiên là nguồn gốc gia đình phải tạo được một tinh thần, một ý chí và một nền nếp để con không thể quên được trong suốt cuộc đời.


Nhà thơ Vũ Quần Phương: Còn đối với tôi, về Văn có nhiều kỷ niệm lắm. Mỗi khi nghĩ lại tôi đều cảm động, Văn thương bố mẹ thấm thía lắm.

Nhớ hồi giải phóng miền Nam, tôi vào công tác từ tháng 5/1975 nhưng đến tháng 9/1975 mới ra, không có tiền nên cũng không mua được gì. Vì vậy, lần sau tôi đi, tôi mua được chiếc tủ lạnh nhỏ, 110 lít , tủ còn tương đối đẹp.

Nhưng ra ngoài Bắc dùng độ vài tuần tôi phải bán đi để có tiền lo bữa ăn cho gia đình. Lúc khiêng chiếc tủ ra, Văn có nói với tôi câu này, "Bố mang cái tủ ra mất bao nhiêu công mà bố lại bán đi!". Nghe con nói và nhìn nét mặt buồn của con, tôi sóng hết cả ruột gan, lúc đó Văn mới khoảng 6 tuổi.

Nếu bây giờ được quay trở lại, bao nhiêu tiền tôi cũng chuộc lại chiếc tủ đó. Khi có tủ mẹ tôi cũng mừng lắm. Chưa bao giờ cụ có chiếc tủ lạnh sản xuất được nước đá, nên trong bữa ăn cụ thường lấy nước đá ra ăn cơm ngon lành lắm.

Bởi vậy, khi nói câu trên là Văn cũng đang an ủi bố. Tức là con tiếc công cho bố, tiếc cả phần cho bà và cho cả con nữa. Nghĩ thương lắm.

Chuyện tuy đã qua gần 50 năm rồi, nhưng giờ kể lại với anh tôi vẫn xúc động, nó thành vết hằn trong tình cảm bố con rồi. Tôi viết thơ về các con các cháu nhiều lắm, nhất là với Văn:

"Thuở sinh đứa con đầu

em tháo vội chiếc áo len duy nhất,

chiếc áo hồi môn một thời con gái

để đan thành tấm áo nhỏ cho con

Anh đã rét cái rét em trong mùa đông ấy

ấm cái ấm của con suốt cả đời người"

(Phải chăng... - Vũ Quần Phương)


Trường Hùng: Ông bà có bao giờ đánh con hay không?


Dược sĩ Đào Thị Hường: Có chứ (cười), nhưng mà hồi ấy, tôi đánh cũng chỉ như thế này – cáu quá nhấc con lên một cái xong để uỵch xuống giường, thế thôi. Lúc đó Văn và Điềm nghịch quá (cười).

Trường Hùng:

Đã có lần chia sẻ rằng mình đã rất ân hận khi đánh đòn Vũ Hà Văn khi còn nhỏ…


Nhà thơ Vũ Quần Phương: Về Văn tôi có một điều ân hận nữa. Hồi con khoảng 3-4 tuổi, tôi có mua cho con một chiếc tàu thủy sắt tây trên phố Hàng Thiếc để chơi Rằm Trung thu.

Để chơi loại đồ chơi này cần phải có một thau nước. Hồi ấy chúng tôi ở tập thể, mấy nhà chung với nhau một thùng phuy đựng nước nên thành ra không chơi tàu thủy ở đấy được.

Lúc ấy đương buổi trưa, tôi vừa đi làm ca sáng về, ăn cơm xong và tranh thủ chợp mắt một lúc trên phản gỗ. Văn bèn lôi tàu thủy chơi trên đó, tiếng tạch tạch dội vào tai khiến tôi không ngủ được. Nhắc nhở con mấy lần vẫn không được, đến khi mất ngủ, tôi giận quá nên đập đồ chơi của con xuống đất.

Thấy đồ chơi bị méo xẹo, Văn nhìn sang bố bằng một đôi mắt thất thần, khóc to lên nhưng không dám nói gì. Con vừa tiếc, vừa không hiểu nổi, tại sao một tai họa lại giáng xuống bất ngờ như vậy. Đây là cả kho tàng của con và người phá nát nó lại chính là người bố thương yêu con nhất. Dường như trong giờ phút đó con không hiểu được bố nó là ai nữa.

Đêm hôm đó nằm ngủ, nghĩ đến chuyện đập tàu thủy của con mà tôi cứ ứa nước mắt. Tôi mới biết cái hạn chế của đời người là cái gì, có những cái tự nhiên mình cứ làm hỏng mình. Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy ân hận, bị ám ảnh bởi đôi mắt kinh hãi đó.

Cho nên những năm các con còn nhỏ, dù tôi có thể đang vui với bạn bè nhưng đến giờ đón con là tôi đứng dậy đi ngay. Hồi đó các bạn đả kích tôi, bảo "mày cứ như thằng công chức quèn ấy, chứ nghệ sĩ gì, đang vui chuyện thế này lại đứng dậy đi đón con thì còn ra gì nữa".

Tôi thì nghĩ: trẻ con về hết rồi mà còn lại con mình đứng bơ vơ, không biết bố có đến không. Một phút như vậy đối với tôi nặng nề lắm, mình lại là đứa mồ côi bố nữa, tôi không chịu được.

Anh ạ, nghĩa là cái tình thương nó làm cho mình sống kỹ hơn trong việc chăm sóc con. Mình tự kiểm điểm mình. Và tình thương sẽ sinh ra những sáng kiến để cho con bớt khổ. Muốn cho con học giỏi thì mình phải làm sao cho con thích học giỏi, chứ không phải ép con học giỏi.

Trường Hùng:

Từ xứ Hungary xa xôi, mỗi khi được tin con trai cả đạt giải thưởng tại cuộc thi Toán học quốc tế Schweitzer năm 1991, 1992, 1993 (một cuộc thi khó nhất cho sinh viên tại Hungary). Cảm xúc của ông bà thế nào?


Nhà thơ Vũ Quần Phương: Trong tất cả những điều, chúng tôi mừng nhất khi các con đạt được thành tựu trong học tập. Còn nếu khi ấy Văn, Điềm biếu tiền, chúng tôi chỉ ngậm ngùi thôi. Ngậm ngùi vì đoán chúng phải tiêu pha dè dặt lắm.

Hồi Văn còn học ở Hungary, vợ tôi có gửi một số áo kimono sang bên đấy để con bán mà cải thiện đời sống. Nhưng trong một lần sang thăm, vợ tôi thấy chồng áo kimono xếp gọn một chỗ. Văn giải thích với mẹ, bản thân không tiêu đến tiền mấy và nếu sa vào việc bán buôn này thì sẽ ảnh hưởng tới việc học.

Cho nên, gia đình tôi ngay từ đầu đã chấp nhận là không làm kinh tế. Ưu tiên cho sự học làm đầu, đấy cũng là một cách làm kinh tế bền vững về sau.

Năm 1988, tôi có dịp sang Liên Xô học ngắn ngày, có ghé Hung thăm con. Tôi đã đến cám ơn các anh chị ở Sứ quán ta – đã nhanh chóng cho cháu Văn chuyển trường theo ý giáo sư Laszlo.. Các anh chị có khuyên tôi: anh cần gì bên này cứ tin cho chúng tôi, chúng tôi sẽ mua giúp và chuyển về, dành thì giờ cho cháu Văn nó học.

Gia đình tôi đã vâng theo lời dặn của các anh các chị, dành thời gian học cho các cháu và cho đến bây giờ gia đình tôi vẫn biết ơn những ý tưởng giúp đỡ hào hiệp của các anh các chị khi ấy.

GS Vũ Hà Văn và vợ


Trường Hùng: Trong số những giải thưởng, thành tựu mà GS Vũ Hà Văn đạt được, giải thưởng, thành tựu nào đem tới cho ông bà cảm xúc nhiều nhất?


Nhà thơ Vũ Quần Phương: Ở đời nhiều người giỏi lắm, ngay cả Văn cũng chỉ dẫn đầu trong mấy năm, sau đó lại có người khác.

Có một lần Văn nói với tôi, một nhà toán học người Nga – Grigory Perelman đã từ chối giải Field, vì đơn giản ông này chỉ thích làm toán, ông từ chối nhận giải để không phải đi dự hội nghị này hội nghị kia.

Cũng năm sau, nhà toán học này được trao giải thưởng 1 triệu USD. Dẫu không dư dật gì, ông vẫn từ chối nhận giải thưởng này.

Đấy, có những người họ tài mà thích lẫn vào đời như thế. Trông người lại ngẫm đến ta, nên cần phải học đức tính khiêm nhường, anh ạ!

(Còn nữa)


Theo Trường Hùng

Tổ Quốc Link báo gốc: http://toquoc.vn/gs-vu-ha-van-ts-vu-thanh-diem-da-duoc-day-do-nhu-the-nao-820222240416210.htm

Chia sẻ Facebook