GS Ngô Bảo Châu chỉ cách thoát khỏi bế tắc trong nghiên cứu
TP HCMPhải hiểu tường tận vấn đề, mạnh dạn tìm hướng đi mới là lời khuyên của GS Ngô Bảo Châu với sinh viên khi gặp bế tắc trong nghiên cứu khoa học.
Chiều 1/4, GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, dành hơn một giờ trao đổi với sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM. Ông nhận được nhiều câu hỏi về những khó khăn trong quá trình học tập, nghiên cứu và vai trò của Toán học trong bối cảnh hiện nay.
GS Châu cho biết, theo kinh nghiệm của ông, hơn 90% thời gian trong quá trình nghiên cứu, người thực hiện sẽ rơi vào tình trạng bế tắc. Khoảnh khắc đột phá rất hiếm nhưng đó là những phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực.
"Khi bế tắc, không nên lo lắng nhiều", ông Châu nói và chỉ ra hai nguyên nhân chính của sự bế tắc.
Đầu tiên, người nghiên cứu chưa hiểu tường tận vấn đề họ đang làm, biểu hiện qua việc không thể phát biểu rạch ròi, đơn giản về vấn đề đó. Ông ví dụ, nhiều người chỉ có thể nói một cách "đại khái" nhưng không hoàn toàn chính xác một bài toán họ đang giải. Không hiểu rõ vấn đề, không thể giải quyết được các bài toán khó.
Sự bế tắc trong nghiên cứu còn xuất phát từ việc sử dụng lại phương pháp của những người đi trước. Theo GS Châu, người học phải tìm cách để có "vũ khí tư duy mới". Tất nhiên, không phải vấn đề nào cũng có nhiều lựa chọn, cách làm khác biệt, nhất là trong Toán học. Do đó, người học có thể tìm những lối đi mới khi suy nghĩ về những "vấn đề tương tự".
Theo ông Châu, nghiên cứu khoa học, sáng tạo là quá trình phải được tích lũy. Mỗi khái niệm, phương trình, định lý có thể là mới mẻ với con người khi lần đầu tiếp cận nhưng sau quá trình luyện tập, nó sẽ là kiến thức ở lại. Ông khuyên sinh viên rèn luyện khả năng nghiên cứu hàng ngày.
Tại buổi trao đổi, sinh viên Nguyễn Đình Đăng Khoa hỏi về cách giữ cân bằng trong cuộc sống, nghiên cứu khoa học. Ông Châu cho rằng, ai cũng có lúc rơi vào trạng thái mất cân bằng trong công việc; cách vượt qua là tìm thấy sự thú vị khác trong cuộc sống. Ngoài Toán, ông Châu quan tâm khoa học, triết học, văn học, nghệ thuật.
Tập trung cao độ, hoàn thành công việc một cách trách nhiệm, đúng hạn cũng là cách vượt qua sự mất cân bằng hoặc cảm giác "lười biếng". "Chúng ta không thiếu thời gian, chúng ta chỉ thiếu tập trung", ông Châu nói.
Chia sẻ với một sinh viên từng mất phương hướng trong học tập, nghiên cứu, ông Châu kể mình cũng từng khủng hoảng khá nghiêm trọng vì "không hiểu đang học cái gì" khi mới sang Pháp. Hầu hết các bài toán, ông đều giải được nhưng không hiểu bản chất các định lý, khái niệm.
Nhờ một người thầy, ông Châu hiểu được giá trị của việc nắm bắt những vấn đề trừu tượng để giải quyết các vấn đề cụ thể.
GS Châu cũng dành thời gian nói về sự thay đổi của Toán học trong bối cảnh công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ. Theo ông Châu, thách thức của Toán học là phải tìm được những vấn đề hay, mới để giải quyết, chẳng hạn như Deep Learning.
Công nghệ phát triển, việc tìm kiếm thông tin khoa học cũng thay đổi mạnh mẽ theo hướng tích cực. Trước đây, nghiên cứu sinh không dễ tìm được thầy hướng dẫn giỏi, sách hay. Nay, không gian mạng, chẳng hạn Google, cho người học công cụ tìm kiếm, tham khảo hiệu quả.
Cũng theo GS Châu, điều kiện nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, dù đã có những tiến bộ so với 10-20 năm trước. Muốn theo con đường nghiên cứu chuyên sâu, sinh viên cần có một nhóm nghiên cứu và một người thầy tốt.
Mạnh Tùng