Grab IPO tại Mỹ: ‘Ngọn hải đăng’ soi đường cho startup Đông Nam Á
Grab niêm yết trên sàn chứng khoán có thể là ‘kim chỉ nam’ cho nhiều kỳ lân công nghệ tiềm năng của khu vực Đông Nam Á đang muốn hành động tương tự.
Ngày 2/12, Grab chính thức ra mắt sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ, sau thương vụ sáp nhập với công ty Altimeter Growth hồi tháng 4. Theo nhà sáng lập CrossASEAN Angus Mackintosh, vụ IPO của Grab sẽ là phong vũ biểu và cột mốc quan trọng cho nền kinh tế số Đông Nam Á. Đây được xem là thương vụ niêm yết lớn nhất tại Mỹ của một công ty Đông Nam Á.
Triển vọng của Đông Nam Á
Đông Nam Á không chỉ có Grab mà còn có nhiều kỳ lân công nghệ tiềm năng khác, cũng có kế hoạch niêm yết tại Mỹ. Xét về nhân khẩu học, 11 quốc gia khu vực sở hữu dân số 655 triệu người, trẻ, ham mê công nghệ và khao khát tìm kiếm các giải pháp xử lý những vấn đề hàng ngày.
Do đó, Đông Nam Á đại diện cho cơ hội khổng lồ cho các công ty hoạt động ở đây, với thị trường đa dạng cả về ngôn ngữ, văn hóa và kinh tế. Tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) của khu vực ước đạt 363 tỷ USD năm 2025, tăng gấp đôi từ 170 tỷ USD năm 2021, theo báo cáo của Google, Temasek và Brain.
Nền tảng cho sức tăng trưởng ấn tượng này là sự gia tăng mạnh mẽ của tỉ lệ sử dụng smartphone, nhờ smartphone và gói cước dữ liệu ngày một rẻ hơn. Tỉ lệ tiếp cận Internet đạt 75%, với nhiều dịch vụ dựa trên ứng dụng.
Từ startup tới unicorn và siêu ứng dụng
Các startup đầu tiên của Đông Nam Á thường là công ty con của những người chơi lớn tại các thị trường khác hoặc do các doanh nhân trẻ học tại nước ngoài sáng lập. Họ mong muốn giải quyết các vấn đề của quê hương mình bằng công nghệ. Một số phát triển thành các gã khổng lồ đáng gờm, đạt tới mức độ kỳ lân công nghệ (định giá trên 1 tỷ USD) hoặc thậm chí là siêu ứng dụng trong chưa đầy một thập kỷ.
Một câu chuyện thành công nổi bật là Sea của Singapore. Công ty niêm yết tại Mỹ vào năm 2017 với mức giá ban đầu là 15 USD/cổ phiếu. Sau 4 năm, thị giá cổ phiếu Sea đã tăng 20 lần và trở thành công ty lớn nhất Đông Nam Á, giá trị thị trường đạt 166 tỷ USD.
Hai đồng sáng lập Grab "rung chuông", chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán của Mỹ. (Ảnh: Grab) |
Hành trình của Grab xuất phát khá khiêm tốn, do hai người bạn Anthony Tan và Tan Hooi Ling thành lập năm 2012 như một ứng dụng taxi công nghệ. Ý tưởng của họ là cung cấp giải pháp an toàn, đáng tin cậy hơn cho hành khách đi taxi tại Malaysia và nhanh chóng “cất cánh”, mở rộng sang các nước khác.
Tận dụng đòn bẩy từ kinh doanh gọi xe, Grab nhảy vào các lĩnh vực giao đồ ăn, giao hàng, thanh toán số và khám phá các địa hạt mới như bảo hiểm, cho vay, quản trị tài sản.
Theo nghiên cứu của Independent Euromonitor, Grab là người dẫn đầu thị trường đồ ăn trực tuyến (50% GMV) và di chuyển (72% GMV), cũng như lĩnh vực ví điện tử (23% giao dịch) Đông Nam Á năm 2020. Thành công của Grab trong thị trường đặc biệt cạnh tranh như vậy là nhờ tập trung vào cách tiếp cận mang tính địa phương. Với những gì làm được sau 9 năm, Grab ở vào vị thế thuận lợi để tiếp tục tiến xa trong nền kinh tế số khu vực.
Grab chứng minh giá trị khi có thể vượt qua đại dịch Covid-19, khi nhiều thành phố tiến hành phong tỏa, giãn cách xã hội trong nhiều tháng liền. Dù dịch vụ xe ôm và taxi công nghệ bị ảnh hưởng nặng nề, Grab vẫn được bù đắp từ dịch vụ giao đồ ăn tăng mạnh, cho thấy lợi ích của chiến lược siêu ứng dụng.
Kết quả kinh doanh quý III từ Grab phản ánh sự linh hoạt này với GMV tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, GMV giao hàng tăng 63%, cao hơn mức giảm 30% của GMV di chuyển. Một điểm tích cực khác là chi tiêu trung bình của người dùng cũng tăng 43%, thể hiện sự trung thành của khách hàng.
Nhìn chung, Grab ghi nhận cải thiện trong hầu hết các bộ phận. Quan trọng hơn, Grab bắt đầu hồi phục mạnh mẽ trong lĩnh vực gọi xe sau khi chính phủ vài nước nới lỏng các biện pháp hạn chế, dù ảnh hưởng của biến chủng Omicron chưa rõ ràng. GMV di chuyển trong 4 tuần đầu của quý IV tăng 26% so với 4 tuần đầu của quý III. Xu hướng có khả năng tiếp tục khi Đông Nam Á mở cửa trở lại và tỉ lệ tiêm chủng tăng.
Cơ hội lớn ở phía trước
Trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh quý gần nhất, Grab liên tục nhắc tới mảng giao hàng, đi chợ là lĩnh vực trọng tâm khi cả hai đều tăng trưởng bùng nổ. Để tối đa hóa tiềm năng, công ty hợp tác với các bán lẻ trực tuyến và truyền thống của khu vực. Các đối tác mới gia nhập GrabMart có những tên tuổi lớn như chuỗi cửa hàng tiện lợi Indomaret tại Indonesia hay chuỗi siêu thị Big C tại Thái Lan.
Grab cũng tích cực đẩy mạnh dịch vụ tài chính thuộc Grab Financial Group. Mục tiêu ban đầu là khuyến khích nhiều người dùng sử dụng ví điện tử hơn, trong khi về lâu dài, chiến lược của hãng là xây dựng hệ sinh thái mở, hoạt động trên cả môi trường mạng lẫn đời sống hàng ngày.
Grab Financial cũng vừa được cấp giấy phép ngân hàng số tại Singapore, hợp tác cùng hãng viễn thông SingTel. Grab đang tìm kiếm các cơ hội tiềm năng trong lĩnh vực ngân hàng số tại các nước khác, đặc biệt là Indonesia.
Đối thủ cạnh tranh
Tại Đông Nam Á, Grab có không ít đối thủ. Một trong số này là Gojek, ứng dụng gọi xe và giao hàng hàng đầu Indonesia. Gojek vừa sáp nhập với kỳ lân công nghệ khác của Indonesia là Tokopedia và trở thành tập đoàn GoTo. GoTo đặt mục tiêu IPO vào đầu năm 2022. Tuy GoTo khá mạnh về thương mại điện tử và nắm cổ phần trong ngân hàng số tại Indonesia, nó không có sự phổ biến trên toàn khu vực như Grab, với hoạt động quy mô nhỏ hơn tại Việt Nam và Singapore.
Tập đoàn Sea của Singapore mang đến nhiều thách thức hơn cho Grab khi gần đây ra mắt dịch vụ giao đồ ăn ShopeeFood tại Indonesia, Thái Lan và Việt Nam trước khi “bành trướng” sang các thị trường khác.
Nối tiếp Sea niêm yết tại Mỹ, Grab sẽ mang đến cho nhà đầu tư nước ngoài một con đường tiếp cận thị trường gọi xe và giao hàng tiềm năng tại Đông Nam Á. Đây là lĩnh vực người Mỹ quen thuộc qua những cái tên như Uber, Lyft và DoorDash. Quan trọng hơn, nó mở ra cánh cửa cơ hội để lôi kéo nhiều nhà đầu tư hơn đến với nền kinh tế số Đông Nam Á và mô hình siêu ứng dụng. Nhiều vụ IPO có thể xuất hiện trong tương lai, chẳng hạn GoTo hay Traveloka.
Sau thành công của Sea, Grab sẽ là ngọn đèn hải đăng mà Đông Nam Á chờ đợi từ lâu để dẫn dắt họ bước ra sân khấu toàn cầu.
Du Lam