Grab dự kiến hoà vốn vào cuối năm 2023

Chia sẻ Facebook
26/02/2023 13:47:37

Tập đoàn công nghệ Grab cho biết họ đang kỳ vọng có lãi sớm hơn dự báo nhờ đợt cắt giảm chi phí vừa qua có hiệu quả.

Grab dự kiến hoà vốn vào cuối năm 2023

Tập đoàn công nghệ Grab cho biết họ đang kỳ vọng có lãi sớm hơn dự báo nhờ đợt cắt giảm chi phí vừa qua có hiệu quả.


CEO Grab Anthony Tan ngày 23/02 cho biết nền tảng gọi xe và giao đồ ăn của họ sẽ sớm đạt mục tiêu có lợi nhuận sau khi thu hẹp được khoản lỗ hàng năm xuống 1.74 tỷ USD trong năm 2022, cải thiện 51% so với một năm trước đó.


Cụ thể, trong năm 2022, doanh thu của Grab tăng hơn hai lần lên 1.43 tỷ USD nhờ các nền kinh tế ở Đông Nam Á mở cửa trở lại, thúc đẩy nhu cầu gọi xe. Doanh thu từ dịch vụ giao hàng, đồ ăn tăng 349%, phần lớn nhờ thương vụ mua lại chuỗi siêu thị cao cấp của Malaysia.

Nhờ kết quả kinh doanh mạnh mẽ, công ty niêm yết trên Nasdaq này kỳ vọng sẽ hoà vốn ở cấp độ tập đoàn vào quý 4/2023 trên cơ sở EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu trừ và khấu hao) đã điều chỉnh, sớm hơn dự báo trước đó là vào nửa cuối năm 2024.

“Chúng tôi đạt được những kết quả này nhờ tập trung nắm bắt đà phục hồi của nhu cầu di chuyển, tối ưu hoá chi phí, giảm chi phí phục vụ và đổi mới các sản phẩm, dịch vụ nhằm thúc đẩy sự gắn kết và tương tác trong hệ sinh thái của chúng tôi”, ông Tan nói.


Grab dự báo doanh thu năm 2023 sẽ đạt 2.2 – 2.3 tỷ USD , tăng 54%–60% so với năm ngoái.

Sau khi niêm yết tại Nasdaq vào tháng 12/2021, Grab đã không thể thoát khỏi làn sóng bán tháo trên diện rộng do nhà đầu tư chuyển hướng khỏi các công ty tăng trưởng cao nhưng thua lỗ trong bối cảnh lãi suất tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng rõ rệt. Giá cổ phiếu của Grab đã giảm hơn 70% kể từ khi IPO.

Grab đã phản ứng bằng cách xoay trục từ việc liên tục mở rộng các dịch vụ trên siêu ứng dụng của mình sang tập trung mạnh mẽ hơn vào việc cải thiện hoạt động vận chuyển và gọi xe cốt lõi của mình, sau nhiều năm vung tiền vào các ưu đãi cho người dùng để giành thị phần.

Vào tháng 9/2022, Grab công bố các bước để cải thiện tần suất giao dịch và mức độ tương tác của người dùng thông qua việc mở rộng chương trình đăng ký hàng tháng có tên GrabUnlimited. Động thái này nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào các ưu đãi và tăng sức cạnh tranh so với các đối thủ như GoTo của Indonesia.


Tổng giá trị các ưu đãi của Grab là 1.97 tỷ USD trong năm 2022, tăng 10% so với năm trước. Mặc dù vẫn là mức đáng kể, song các khoản thanh toán cho đối tác và người tiêu dùng trong quý 4/2022 đã giảm lần lượt 20% và 35%, quý giảm đầu tiên so với cùng kỳ kể từ khi IPO.

Tập đoàn công nghệ này cũng thực hiện một loạt các biện pháp cắt giảm chi phí kể từ năm ngoái, bao gồm đóng băng tuyển dụng, giữ nguyên lương đối với các nhà quản lý cấp cao, cắt giảm ngân sách đi lại và chi phí.

Giám đốc tài chính Peter Oey cho biết: “Bước sang năm 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục tối ưu hóa chi phí doanh nghiệp trong khu vực để đẩy nhanh con đường đạt được lợi nhuận”.

Tong Yen Hee, Phó giáo sư kế toán tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết: “Grab có thể phải thực hiện cắt giảm chi phí nhiều hơn, chẳng hạn như cắt giảm việc làm, để đẩy nhanh chiến lược tăng trưởng lợi nhuận bền vững của họ, vì chi phí định kỳ của công ty vẫn không thay đổi”.

Ông Tong nói thêm rằng các nhà đầu tư sẽ vẫn cứng rắn với các công ty công nghệ Đông Nam Á, như Grab, trong bối cảnh triển vọng kinh tế không chắc chắn do lãi suất cao và lạm phát dai dẳng. “Trong một môi trường như vậy, các nhà đầu tư sẽ yêu cầu lợi tức đầu tư cao hơn và dài hơi hơn, điều đó có nghĩa là họ muốn thấy các công ty công nghệ sinh lời nhanh hơn và duy trì lợi nhuận trong thời gian dài”, ông nói.

Kim Dung (Theo Nikkei Asia)

Chia sẻ Facebook