Góp ý nhiều "chi tiết nóng" cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Việc xây dựng bảng giá đất hàng năm và phù hợp với giá thị trường được cho là thiếu khả thi và tốn nhiều công sức, kinh phí.
Góp ý nhiều "chi tiết nóng" cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Việc xây dựng bảng giá đất hàng năm và phù hợp với giá thị trường được cho là thiếu khả thi và tốn nhiều công sức, kinh phí.
Ngày 9-3, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Thế Phượng - Hội thẩm định giá Việt Nam, cho rằng về xác định giá đất luật chỉ nên nêu nguyên tắc, còn việc xác định cụ thể thế nào do Chính phủ quy định.
Hơn nữa, nội dung cách xác định giá đất ghi trong dự thảo cũng chưa thực tế và chưa chính xác, gây khó trong thực tiễn. "Như Chủ tịch Quốc hội đã nói cái gì chín rồi, rõ ràng rồi thì đưa vào luật, cái gì còn ý kiến khác nhau thì không nên đưa vào. Bởi vì tổ chức thực hiện rối lắm" – ông Nguyễn Thế Phượng nói.
Bên cạnh đó, ông Phượng cho hay bảng giá đất trên thế giới thực ra dùng mục đích tính thuế là chính và giá đất không thể đi vào từng vị trí cụ thể được mà mang tính chất bình quân chung, sát giá thị trường. Còn định giá đất cụ thể thì phải qua doanh nghiệp định giá. Vì vậy, ông đề nghị cân nhắc bỏ quy định "bảng giá đất xây dựng theo vị trí".
"Khi nói đến vị trí là nói cụ thể chỗ nào, 2 mặt tiền, 3 mặt tiền, sát chợ… Bảng giá đất chỉ có con đường, đoạn đường, càng chi tiết đoạn đường thì càng tốt. Chứ bảo vị trí thì trên thế giới cũng không ai làm. Mình đặt ra chuyện không làm được thì nguy hiểm và đưa vào luật thì cực kỳ nguy hiểm. Quy định như thế thì mai mốt Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Tài chính không bao giờ ra được bảng giá đất" – ông Nguyễn Thế Phượng nhấn mạnh.
Về quy định "đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn", ông Phượng cho rằng không biết khi nào mới làm được, vì vậy không nên đưa vào luật.
"Những việc thấy chưa có khả năng thực hiện được thì đừng đưa vào luật mà để Chính phủ thấy lúc nào phù hợp thì quy định, chứ đưa vào mà không làm được thì mù tịt, khổ cho cơ sở, cho địa phương, rất kẹt cho anh em địa phương" – ông Nguyễn Thế Phượng nhấn mạnh.
Theo ông, vấn đề hiện nay là không đủ thông tin thị trường để làm bảng giá đất, còn lập giá đất sát thị trường là điều tốt, sát chừng nào tốt chừng ấy. Giá Nhà nước và giá thị trường chênh lệch quá thì rối.
Bổ sung thêm, ông Đỗ Đông Hướng - Trưởng Ban Vật giá Sở Tài chính TP HCM , nói về dự thảo quy định bảng giá đất ban hành hàng năm và phù hợp với giá thị trường. Theo ông, ban soạn thảo hết sức cân nhắc 2 mục tiêu này vì khó thực hiện.
Đại diện Sở Tài chính kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu giao địa phương tùy tình hình thực tế mà xây dựng bảng giá đất phù hợp. Trong trường hợp vẫn còn cơ chế 2 giá thì bảng giá đất nên ổn định trong thời gian từ 3-5 năm.
"Ngoài ra, cần cân nhắc việc xây dựng bảng giá đất theo đoạn đường, tuyến đường, vị trí chứ không nên quy định "theo vị trí", vì rất khó khăn ở khâu thực hiện" – ông Hướng nói.
Trong khi đó, ông Đào Quang Dương, Phó Phòng Kinh tế đất Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM , kiến nghị cân nhắc việc xây dựng bảng giá đất hàng năm vì thủ tục nhiêu khê, phức tạp.
"Vừa ban hành bảng giá đất thì lại bắt đầu ngay công việc để cuối năm lại trình tiếp, khối lượng cực lớn. Ngoài kinh phí thì còn có tính khả thi. Giá đất không thể nào biến động xoành xoạch. Không thể nào ban hành bảng giá đất hàng năm được, có chăng điều chỉnh, bổ sung những bất cập, thiếu sót hoặc tuyến đường được đầu tư hạ tầng, yếu tố tự nhiên tác động giá đất và thủ tục đơn giản. Có suy nghĩ giá đất biến động tức là luôn luôn đi lên lên nhưng thực tế không phải, biến động là có xuống, có lên, có đứng" – ông Đào Quang Dương nói.
QUỐC BẢO
Người lao động