'Góp nhỏ thành lớn' và mục tiêu của ông Vương Nghị

Chia sẻ Facebook
15/07/2022 15:02:10

Chuyến thăm Đông Nam Á 14 ngày (từ 3 đến 14-7) của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được giới quan sát cho là có những mục tiêu chiến lược rất rõ ràng.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự cuộc họp tại dinh tổng thống ở Jakarta, Indonesia ngày 11-7 - Ảnh: Reuters

Theo đó, chuyến đi của ông Vương Nghị không chỉ nhằm (1) tích hợp các sáng kiến hợp tác đơn lẻ mà Trung Quốc đang xây dựng với các nước nhỏ, mà còn cùng lúc (2) vừa củng cố các không gian liên kết với Nga, vừa (3) can dự tạo cân bằng - đối trọng với quá trình tập hợp lực lượng của Mỹ. Qua 3 mục tiêu chiến lược này, ông Vương muốn từng bước định hình một hình mẫu hợp tác trụ cột làm nền tảng cho toàn bộ kiến trúc an ninh đa phương mới mà Bắc Kinh vừa chính thức tuyên bố theo đuổi.


Tích hợp các hành lang kinh tế

Chuyến thăm diễn ra ngay sau thời điểm Philippines chấm dứt đàm phán về khu vực thăm dò chung ở các vùng tranh chấp trên biển với Trung Quốc. Bên cạnh đó là một loạt các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Vành đai và con đường (BRI) hợp tác với Indonesia và Malaysia bị đình trệ từ năm 2018 đến nay. Tất cả đã tạo nên một bối cảnh khởi đầu không mấy thuận lợi cho chuyến thăm lần này của ông Vương.

Tuy nhiên, bằng cách tiếp cận "dùng đại cục hóa giải tiểu sự", ông Vương Nghị đã khéo léo sử dụng các từ ngữ tốt đẹp như "sự giao lưu kéo dài hơn một nghìn năm" trong chuyến thăm Philippines và Malaysia, "thân thiết như một gia đình" trong chuyến thăm Thái Lan, hay việc xây dựng một "hình mẫu vàng" trong hợp tác khu vực tại Hội nghị Mekong - Lan Thương... để khẳng định Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận các rủi ro không như ý muốn trong quá trình phát triển quan hệ song phương lẫn đa phương với các nước nhỏ.

Từ nền tảng "đề cao đại cục", ông Vương dường như đã tranh thủ được thiện cảm lớn của dư luận dòng chính trong khu vực để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược đầu tiên: tích hợp các hành lang kinh tế đang xây dựng đơn lẻ thành một mạng lưới hành lang quy mô lớn.


Theo đó, ông đã đạt được sự ủng hộ của Thái Lan trong việc hoàn thiện hành lang kết nối Trung Quốc - Lào - Thái Lan bằng đường sắt để tạo ra tuyến vận chuyển hàng hóa từ hành lang kinh tế phía đông của Thái Lan đến tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Ông cũng có được sự đồng thuận của Malaysia trong việc duy trì liên lạc xây dựng đường sắt Malaysia kết nối đến các tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào, Trung Quốc - Thái Lan thông qua mạng lưới đường sắt Xuyên Á. Phía Malaysia cũng đồng ý duy trì liên lạc với Trung Quốc về việc xây dựng tuyến đường sắt từ Malaysia đến Singapore - tâm điểm kết nối giữa hành lang đường sắt Trung - Lào - Thái với tuyến Hành lang thương mại hải - bộ mới (ILSTC) cũng do Trung Quốc sáng lập từ năm 2019.

Thêm vào đó, ông Vương Nghị còn tuyên bố thiết lập 6 hướng hợp tác, 6 kế hoạch phát triển và 6 văn kiện nhằm phát triển cơ chế Hợp tác Mekong - Lan Thương trở thành hành lang kinh tế Mekong - Lan Thương, từng bước gắn kết giữa hành lang này với ILSTC, kiện toàn chuỗi hành lang thương mại tích hợp mà Trung Quốc có ảnh hưởng lớn từ phía tây đến khu vực trung tâm Đông Nam Á.


Kiến trúc an ninh mới

Chuỗi hành lang tích hợp mà phía Trung Quốc vừa định hình sau chuyến thăm của ông Vương Nghị ở khu vực trên thực tế có khả năng linh hoạt rất cao khi có thể tương tác mở rộng với hành lang hàng hải Vladivostok - Chennai mà trục Nga - Ấn đang xây dựng âm thầm với phía Philippines từ năm 2019.

Từ đó vừa tạo nên 3 tuyến hành lang kết nối trực tiếp từ vòng cung kinh tế Thành Đô - Trùng Khánh và Vân Nam của Trung Quốc đến toàn bộ các nước ASEAN nói riêng và các nước Ấn Độ Dương nói chung, vừa hiện thực mục tiêu chia sẻ ảnh hưởng chiến lược trong các sáng kiến về an ninh hàng hải mới mà trục Nga - Ấn đang xây dựng tại khu vực.

Không chỉ vậy, việc ông Vương Nghị nỗ lực chọn thời điểm công du Thái Lan ngay trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ

A. Blinken cũng cho thấy mục tiêu muốn cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia mà Mỹ xem là đồng minh chủ lực ngoài khối NATO.

Tương tự, ông Vương Nghị cũng trở thành quan chức cấp cao thứ 2 của Trung Quốc (sau Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn) đến thăm Philippines - một đồng minh hiệp ước khác của Mỹ trong khu vực - chỉ trong vòng 14 ngày đầu nhiệm kỳ của tân Tổng thống F. Marcos Jr. Sự việc cho thấy một thái độ cầu thị và nghiêm túc mong muốn cải thiện quan hệ song phương theo hướng tích cực, nồng ấm hơn trước.

Trong khi sáng kiến Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) mà phía Mỹ công bố hiện vẫn chưa xác định rõ kiến trúc trọng tâm, có thể thấy dường như Trung Quốc đang đi trước một bước trong cuộc cạnh tranh nhằm định hình các cấu trúc an ninh ở khu vực.

Nhìn chung, chỉ trong một chuyến thăm 12 ngày (từ 3 đến 14-7) mà ông Vương Nghị không chỉ tăng cường tương tác được với các đối tác quan trọng (thông qua hai hội nghị đa phương lớn là Cấp cao G-20 và Cấp cao Mekong - Lan Thương), mà còn kịp thời định hình nền tảng kiến trúc an ninh khu vực mang tính mở với trụ cột là mạng lưới hành lang kinh tế được tích hợp với sự tham gia cốt lõi của các nước trong cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương.

Theo thỏa thuận vừa được ký tại Vientiane (Lào) hôm 1-9, công ty truyền tải điện quốc gia Lào (EDLT) sẽ do chính phủ Lào điều hành nhưng "tận dụng sức mạnh tài chính và kinh nghiệm" của Trung Quốc để phát triển.

Chia sẻ Facebook