Google, Facebook sắp hết thời dùng ‘chùa’ tin tức của báo chí New Zealand

Chia sẻ Facebook
05/12/2022 17:06:15

New Zealand đang tìm cách để “đòi” Google, Facebook trả tiền cho báo chí địa phương.

Theo Wall Street Journal, mới đây, New Zealand cho biết họ đang tìm cách yêu cầu các nền tảng trực tuyến như Google và Facebook trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức. Trước đó, một số gã khổng lồ công nghệ đã bị chỉ trích là hưởng lợi một cách không công bằng từ tin tức được chia sẻ trên nền tảng của mình.

Ngày 4/12 vừa qua, Willie Jackson - Bộ trưởng Bộ Phát thanh và Truyền hình của New Zealand, cho biết nước yêu cầu của nước này sẽ dựa trên luật tương tự ở Australia và Canada và được thiết kế để khuyến khích các nền tảng kỹ thuật số đạt thỏa thuận với báo chí địa phương.

“Thật không công bằng khi các nền tảng lớn như Google và Meta (công ty mẹ của Facebook) được lưu trữ và chia sẻ tin tức địa phương miễn phí. Việc sản xuất tin tức tốn chi phí và mọi thứ chỉ công bằng khi các gã khổng lồ công nghệ trả tiền cho báo chí”, ông Jackson cho biết.

Cũng theo vị Bộ trưởng, báo chí New Zealand, đặc biệt là những tờ báo địa phương, đang gặp không ít khó khăn trong việc duy trì tài chính bởi nhiều nhà quảng cáo đã chuyển sang các nền tảng trực tuyến.

Ảnh: Internet.

Giống như luật ở một số quốc gia khác, đề xuất của New Zealand sẽ cho phép Google và Facebook đàm phán với các nhà xuất bản tin tức mà không cần sự can thiệp của chính phủ. Tuy nhiên, nếu không đạt được thỏa thuận, hai bên sẽ phải tuân thủ theo quy trình đàm phán bắt buộc.

Wall Street Journal nhận định rằng đề xuất của New Zealand có khả năng gây ra một cuộc chiến với Facebook, Google – những nền tảng vốn đã vận động để chống lại luật và đề xuất tương tự ở các quốc gia khác. Ví dụ, Facebook từng có thời điểm chặn tin tức trên nền tảng của mình ở Úc.

Ngày 5/12, Mia Garlick - Giám đốc chính sách khu vực của Meta, cho biết đề xuất của New Zealand đã hiểu sai mối quan hệ giữa Facebook và tin tức, đồng thời lưu ý rằng các tờ báo mới là người quyết định nội dung của họ có xuất hiện trên Facebook hay không và xuất hiện như thế nào.

Bà Mia nói: “Chúng tôi lo ngại về những tác động ngoài ý muốn mà các điều luật trong tương lai có thể gây ra đối với sự đổi mới trong cả lĩnh vực truyền thông và công nghệ”.

Vài năm qua, các nhà xuất bản tin tức trên khắp thế giới lập luận rằng các gã khổng lồ công nghệ đã thu lợi từ nội dung của họ. Tuy nhiên, về phần mình, Facebook và Google cho biết báo chí cũng được hưởng lợi bằng cách chia sẻ liên kết bài báo trên fanpage hay các hội nhóm để gia tăng lưu lượng truy cập đến trang web của mình.

Ảnh: Internet.

Mặc dù vậy, trong một số trường hợp, trước khi rắc rối liên quan đến luật pháp xảy ra, một số “ông lớn” công nghệ nói rằng họ cam kết và đã đạt được thỏa thuận thương mại với các nhà xuất bản tin tức. Ví dụ tại New Zealand, đến nya, Facebook đã có thỏa thuận thương mại với 3 đơn vị.

NZME Ltd. - công ty sở hữu một số tờ báo của New Zealand, cho biết họ đã đạt được thỏa thuận độc lập với cả Google và Facebook vào đầu năm và vẫn ủng hộ đề xuất của chính phủ.

Michael Boggs - CEO của NZME, cho biết: “Chúng tôi ủng hộ việc chính phủ ban hành luật vì nó đảm bảo tính bền vững trong tương lai của các phương tiện truyền thông địa phương và góp phần tạo nên một hệ sinh thái truyền thông lành mạnh.

Trong một báo cáo vào tuần trước, cơ quan chức năng của Úc nói rằng luật của họ (được thông qua vào đầu năm ngoái) đã thành công. Theo đó, hơn 30 thỏa thuận thương mại giữa các nền tảng kỹ thuật số và một bộ phận các doanh nghiệp tin tức của Úc đã được ký kết. Mặc dù những thỏa thuận đó đều dựa trên tinh thần tự nguyện nhưng nếu không có luật cụ thể, mọi thứ sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Theo Reuters, đạo luật của New Zealand sẽ được biểu quyết tại phiên họp Quốc hội và nhiều khả năng sẽ được thông qua.


Nguồn: WSJ


Mộc Tiên

Chia sẻ Facebook