Goldman Sachs: 'Nhà đầu tư không nên đánh giá thấp rủi ro suy thoái'

Chia sẻ Facebook
03/08/2022 14:16:22

Thị trường diễn biến tích cực thời gian gần đây trước kỳ vọng Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Lạm phát cơ bản cao hơn dự báo là cơ sở để Fed tiếp tục tăng lãi suất, theo nhận định của nhóm chuyên gia Goldman Sachs.


Nhà đầu tư dường như quá tự tin vào việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang cho thấy dấu hiệu chững lại, nhóm nghiên cứu tới từ Goldman Sachs nhận định.

“Nhìn vào diễn biến của các nhóm cổ phiếu chu kỳ thời gian gần đâu tại Mỹ và châu Âu, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư đang tỏ ra ‘tự mãn’ quá sớm với kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ mang tính hỗ trợ nhiều hơn đối với nền kinh tế, đồng thời đánh giá thấp rủi ro suy thoái”, theo nội dung báo cáo công bố ngày 1/8.

Chỉ số S&P 500 hồi phục mạnh mẽ trong tháng 7/2022. Ảnh: Bloomberg.

Quan điểm của Goldman Sachs được đưa ra sau khi nhóm cổ phiếu công nghệ và đồng tiền nội địa nhiều nền kinh tế mới nổi đồng loạt đi lên sau phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong tuần trước rằng cơ quan này sẽ tăng chậm lãi suất tại một thời điểm nào đó trong thời gian tới. Sự thay đổi theo chiều hướng linh động hơn của Fed khuyến khích nhà đầu tư đặt cược nhiều hơn vào các loại hình tài sản rủi ro do chúng nhận được nhiều hỗ trợ từ chính sách lãi suất thấp.

Những nhà đầu tư lạc quan nhận định: chỉ số niềm tin người tiêu dùng thấp hơn dự báo, bên cạnh đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm trong hai quý liên tiếp là cơ sở để Fed nới lỏng chính sách tiền tệ sớm hơn dự báo. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ liên tục giảm thời gian gần đây, trong khi đó, đồng USD cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Quan điểm của Goldman Sachs trùng khớp với đánh giá của Bloomberg Economics và quỹ đầu tư Nuveen. Tất cả đều cảnh báo nhà đầu tư đang “bị đánh lừa” bởi kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát kỷ lục tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và lạm phát cơ bản (không bao gồm chi phí lương thực và năng lượng) tại Mỹ tăng nhanh hơn dự báo chính là những luận cứ ủng hộ quan điểm của các tổ chức nói trên.

“Trong hoàn cảnh đó, các thị trường sẽ dễ bị tổn thương trước những động thái siết chính sách tiền tệ và dữ liệu tăng trưởng gây bất ngờ trong trường hợp lạm phát không thể đảo chiều và đà sụt giảm hoạt động kinh tế ở thời điểm hiện tại sẽ gây ra một giai đoạn suy thoái sâu và kéo dài”, theo nhóm chuyên gia.

Chia sẻ Facebook