Gợi ý đáp án đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 tại TP.HCM

Chia sẻ Facebook
04/06/2022 12:56:45

Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 năm 2020 tại TP.HCM:

Nhận định về đề thi Ngữ văn vào lớp 10 tại TP.HCM thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) cho biết: Đề thi văn vào lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM năm nay có những điểm mới mẻ, độc đáo ngay từ hình thức và nội dung đề thi.

Cả đề thi có một chủ đề xuyên suốt là LẮNG NGHE. Các câu hỏi được xây dựng xoay quanh chủ đề này, vừa cho phép kiểm tra kiến thức của học sinh về các tác phẩm văn học, kĩ năng sử dụng tiếng Việt, khả năng diễn đạt, lập luận trong các đoạn văn, bài văn.

Đồng thời từ ý tưởng xuyên suốt toàn bộ đề thi, các em cũng có cái nhìn xâu chuỗi, liên kết các vấn đề của văn học với cuộc sống, các vấn đề của thế giới bên ngoài với những vấn đề, suy ngẫm của bản thân mình. Một đề thi hay, sâu sắc và cũng không quá nặng nề với các em học sinh.


Phần a: Những hoảng loạn và xáo trộn mà đại dịch Covid gây ra cho toàn cầu:
- Việc cách li và phong tỏa diễn ra ở nhiều nơi.
- Các công ty, xí nghiệp, trường học đóng cửa hàng loạt.
- Sản xuất đình trệ, kinh doanh thua lỗ, giáo dục gián đoạn, nhiều hoạt động thường nhật của cuộc sống không thể tiếp tục.


Phần b : HS lựa chọn một trong hai phép liên kết được sử dụng trong đoạn cuối của văn bản:
- Phép nối: từ “nhưng”.
- Phép thế: từ “nó” thế cho “đại dịch Covid-19”...


Phần c: Nội dung của văn bản: Từ những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, văn bản nhấn mạnh ý nghĩa của việc lắng nghe chính mình, lắng nghe mọi người và lắng nghe thế giới tự nhiên.


Phần d: Học sinh lựa chọn một trong ba việc: lắng nghe chính mình, lắng nghe mọi người xung quanh và lắng nghe thế giới tự nhiên. Bày tỏ được quan điểm của bản thân; thuyết phục được người đọc về quan điểm ấy; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

- Nếu lựa chọn lắng nghe chính mình, cần khẳng định được: Lắng nghe chính mình là dành “khoảng lặng” cho bản thân trước cuộc sống hiện đại ồn ào, náo nhiệt. Lắng nghe chính mình giúp cho con người xác định được mục đích sống, có động lực để con người vươn tới hạnh phúc, thành công và hoàn thiện nhân cách…

- Nếu lựa chọn lắng nghe mọi người xung quanh, cần nhấn mạnh: “Con người là tổng hòa của những mối quan hệ xã hội”, việc lắng nghe mọi người xung quanh thể hiện thái độ khiêm nhường, tinh thần cầu thị trong quá trình nhận thức của mỗi người. “Lắng nghe người khác” để học hỏi, hoàn thiện bản thân, chung sống chan hòa với mọi người.

- Nếu lựa chọn lắng nghe thế giới tự nhiên, cần khẳng định: Thế giới tự nhiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với con người. Việc “lắng nghe thế giới tự nhiên” giúp con người ý thức hơn về mối quan hệ gắn bó với môi trường tự nhiên, đánh thức trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường và cuộc sống của chính mình.


Câu 2: Phải chăng lắng nghe là một biểu hiện của yêu thương?


Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) để trả lời câu hỏi trên.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.


* Giải thích:
- Lắng nghe là quá trình chủ động, tập trung tiếp nhận những âm thanh vang động bên ngoài lẫn đời sống nội tâm của người khác.
- Yêu thương: tình cảm gắn bó tha thiết, quan tâm hết lòng với người khác.
* Bàn luận:
- Việc lắng nghe người khác là một biểu hiện của yêu thương:
+ Việc lắng nghe thể hiện sự quan tâm, mong muốn được đồng cảm, sẻ chia và thấu hiểu với những tâm tư, tình cảm của người khác. Chính sự lắng nghe đó làm cho người nói giải tỏa căng thẳng, buồn bực, muộn phiền trong cuộc sống; cảm thấy thoải mái, thanh thản hơn.
+ Lắng nghe là nền tảng quan trọng để con người có thể sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang, dang tay đón nhận người khác trong hoàn cảnh khó khăn.
+ Nếu thiếu đi sự lắng nghe trong cuộc sống, con người sẽ dần xa cách nhau, trở nên chai sạn trong cảm xúc, thờ ơ, vô cảm với chính bản thân và mọi người xung quanh.
* Mở rộng vấn đề:
- Yêu thương không chỉ thể hiện qua sự lắng nghe mà còn biểu hiện ở hành động quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ người khác trong khó khăn, hoạn nạn.
- Lắng nghe là một kĩ năng quan trọng của cuộc sống. Song không phải chỉ nghe một cách thụ động, hời hợt mà cần xuất phát từ sự chân thành, tôn trọng…
* Liên hệ:
- Biết lắng nghe bản thân và mọi người xung quanh.
- Chống tư tưởng bảo thủ, chủ quan, luôn coi mình là đúng…


c. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.


d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Đề 1: Em hãy viết bài văn trình bày cảm nhận về một trong ba thông điệp trên. Từ đó, liên hệ với một tác phẩm khác để làm nổi bật thông điệp mà em chọn.


a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Có đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề

b. HS lựa chọn một trong ba thông điệp; xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.


Gợi ý:
* Thông điệp 1: Những giá trị sống tốt đẹp cần giữ gìn ở mỗi người
- Từ hồi tưởng về quá khứ, con người tự nhận thấy sự vô tâm, thờ ơ, bạc bẽo của chính mình.
- Nhận ra sự bao dung, chung thủy của vầng trăng, giật mình để thức tỉnh về lối sống ân tình, biết ơn quá khứ.
Liên hệ: Ông đồ - Vũ Đình Liên…


* Thông điệp 2: Những cảm xúc yêu thương dành cho gia đình
- Sự thấu hiểu những nhọc nhằn, biết ơn công lao của cháu dành cho bà
- Tình cảm nồng ấm, giàu yêu thương của bà dành cho cháu

Liên hệ: Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng…


* Thông điệp 3: Khát vọng cống hiến cho xã hội
- Khát vọng hòa nhập, tự nguyện mang niềm vui đến cho cuộc đời
- Ước nguyện được cống hiến không kể tuổi tác
Liên hệ: Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long…


c. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Đề 2: Từ những gợi ý trên và từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, hãy viết bài văn với nhan đề: “Lắng nghe tác phẩm – Hiểu về cuộc sống”.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Có đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.


* Giải thích:
- “Lắng nghe tác phẩm” là đọc, suy ngẫm, dùng những trải nghiệm, vốn sống của bản thân để hiểu ý nghĩa của tác phẩm.
- “Hiểu về cuộc sống” là đưa những thông điệp từ tác phẩm hướng đến đời sống thực tế bên ngoài để con người sống tốt đẹp hơn.
- Nhan đề gợi ra mối tương quan gắn bó khăng khít giữa quá trình đọc, suy ngẫm và ứng dụng vào đời sống. Đó là chức năng giáo dục, thẩm mĩ của văn học.
* Bình luận, chứng minh
Học sinh chọn phân tích một bài thơ/ đoạn thơ trong 3 ngữ liệu đề đưa ra và các kiến thức văn học đã có để chứng minh cho ý nghĩa đánh thức tình yêu cuộc sống trong con người. Học sinh có thể lựa chọn một trong những nội dung sau:
- Thơ ca giáo dục lương tri, nhân cách của mỗi cá nhân con người:
+ Đọc Ánh trăng của Nguyễn Duy, người đọc nghe được nỗi lòng, cảm giác day dứt đầy tâm sự về cách đối xử thờ ơ, bạc bẽo với vầng trăng quá khứ.
+ Từ sự chia sẻ, đồng cảm của nhà thơ, người đọc rút ra cho mình bài học: đừng bao giờ lãng quên những giá trị tốt đẹp, ân tình đã có; không được thờ ơ, quay lưng với quá khứ.
(Chú ý phân tích cảm giác “rưng rưng” ân hận và cái “giật mình” thức tỉnh của tác giả).
- Thơ ca giáo dục con người về những giá trị tình cảm cốt lỗi như tình yêu gia đình.
+ Đọc Bếp lửa của Bằng Việt, người đọc cảm nhận được tình yêu thương, trân trọng, cảm phục bà của nhà thơ.
+ Từ niềm xúc động và biết ơn lớn lao, người đọc nhận thức về một tình cảm đẹp: cần thương yêu, trân trọng tình thương gia đình.
(Chú ý phân tích phẩm chất tần tảo, chịu khó; công lao giữ lửa, truyền lửa của bà.)
- Thơ ca giáo dục con người về lối sống đóng góp, sống cuộc đời có ích cho xã hội.
+ Đọc Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, người đọc cảm nhận được khát vọng được hóa thân, được cống hiến cao đẹp: âm thầm, mãnh liệt.
+ Từ ước nguyện đẹp của nhà thơ, người đọc hiểu trách nhiệm của mình với xã hội: cần biết trao đi, cống hiến cho xã hội.
(Chú ý phân tích các hình tượng thiên nhiên như con chim, cành hoa, nốt trầm, mùa xuân nho nhỏ.)
* Đánh giá vấn đề
- Khẳng định mối quan hệ giữa thơ ca và cuộc đời; ý nghĩa quan trọng của nghệ thuật chân chính trong việc giúp con người sống đẹp, sống thiện.
- Khẳng định chức năng văn học của thơ ca: chức năng thẩm mĩ và giáo dục thẩm mĩ.


c. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.


d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.


Hoàng Thanh

Chia sẻ Facebook