Gợi ý bài làm môn văn lớp 10 TP.HCM

Chia sẻ Facebook
13/06/2022 02:49:30

TTO giới thiệu gợi ý bài làm đề thi môn văn lớp 10 TP.HCM, mời bạn đọc đón xem.

Đề thi môn văn vào lớp 10 ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN


Câu 3, đề 2:


I. Mở bài:

- "Văn học là nhân học" (M. Gorki). Mỗi tác phẩm văn học là một tiếng lòng của văn nghệ sĩ, là những cảm xúc về cuộc sống trên đầu ngọn bút.


II. Thân bài:


1. Giải thích:

- Tác phẩm văn học - một kết tinh từ vốn văn hóa, cái nhìn về cuộc sống và tiếng lòng, nhận thức, tư tưởng của tác giả. Chính những cảm xúc mãnh liệt, tình cảm cao đẹp của nhà văn, nhà thơ và những chiêm nghiệm quý báu từ chất liệu cuộc sống sẽ tác động mạnh mẽ đến người đọc, khơi dậy những rung động sâu sắc trong tâm hồn họ, giúp họ bắt gặp chính mình, từ đó làm giàu hơn những tình cảm tốt đẹp, biết yêu thương, biết sẻ chia, biết nể phục, tự hào…

- Ý kiến trên đã khẳng định giá trị của một tác phẩm văn học thể hiện rõ trong việc tác động đến người đọc, làm giàu thêm vốn sống và tình cảm của người đọc.


2. Bàn luận, chứng minh

- "Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật". Thơ đi ra từ tiếng lòng, từ những cảm xúc chân thành của tác giả về cuộc sống, về cuộc đời của chính tác giả hay những con người - cuộc đời hiện thực mà kết thành với những chắt lọc hết sức tỉ mỉ của tác giả. Tác phẩm tác động sâu sắc đến tâm hồn người đọc, còn người đọc thì tìm thấy tiếng nói tri âm, đồng điệu với tâm hồn của tác giả.

- Tác phẩm xuất phát từ một trạng thái cảm xúc chân thật, mãnh liệt, tình cảm nhân văn cao đẹp của người nghệ sĩ. Từ đó, tác phẩm chạm đến thế giới tình cảm, tâm hồn người đọc, khơi dậy tình yêu thiết tha với con người, với cuộc sống, đánh thức những tình cảm sâu kín cần được sẻ chia, giãi bày.

- Người đọc đến với một tác phẩm hay là bắt gặp sự đồng điệu, giúp họ tìm thấy câu trả lời, làm cho tâm hồn họ phong phú, thanh lọc họ, khám phá được bản thân mình. Những trải nghiệm khi đọc thơ, đọc văn sẽ thắp lên trong mỗi con người những hoài bão, những lý tưởng, những khát vọng chân chính, cao đẹp. Sau quá trình đọc tác phẩm, người đọc hiểu về cuộc sống cũng hiểu hơn về chính mình, để có những cảm nhận sâu sắc hơn, nhân văn hơn. Đây cũng chính là chức năng của tác phẩm văn học.

- Chứng minh bằng những trải nghiệm khi đọc văn học: Học sinh tự chọn một bài thơ để phân tích, nêu cảm nhận để đáp ứng yêu cầu và chỉ ra tính đúng đắn của vấn đề nghị luận.

- Gợi ý chọn tác phẩm văn học làm dẫn chứng, chứng minh:

* Ánh trăng - Nguyễn Duy:

- Hiểu về cuộc sống chiến đấu gian khổ, khó khăn thiếu thốn nhưng giàu tình cảm sẻ chia, thương mến của người lính - người đồng chí và sự liên kết gắn bó đáng trân trọng của những người lính với vầng trăng tình nghĩa trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp.

- Sự tác động của điều kiện vật chất, tiện nghi đến tình cảm thủy chung của con người đối với quá khứ nghĩa tình và người bạn năm xưa từng đồng cam cộng khổ.

- Từ đó, thức tỉnh mỗi người về bài học làm người, uống nước nhớ nguồn.

* Bếp lửa - Bằng Việt:

- Lắng nghe những cung bậc cảm xúc tha thiết, đằm thắm ân tình của người cháu xa quê nhớ thương những ký ức tuổi thơ và hình ảnh bếp lửa gắn liền với tình bà cháu thiêng liêng sâu nặng.

- Dù xa quê hương, đất nước, tác giả vẫn không quên nguồn cội, và tình cảm gia đình thân thuộc.

- Đó chính là sợi dây kết nối bền chặt và động lực vô biên cho những người con, người cháu bay xa, bay cao.

- Từ đó người đọc trân trọng hơn những tình cảm thân thương mình đang có, bồi đắp tình cảm gia đình quê hương góp phần lớn mạnh cho tình yêu quê hương đất nước.


3. Đánh giá mở rộng vấn đề:

- Người nghệ sĩ bằng tài năng và tâm huyết của mình, nhà thơ cần sáng tạo nên những thi phẩm hay và giàu sức hấp dẫn. Điều đó vừa là thiên chức vừa là trách nhiệm của nhà thơ, là yêu cầu thiết yếu, sống còn của sáng tạo nghệ thuật.

- Sự tiếp nhận ở người đọc thơ: cần sự tri âm, sự đồng cảm với tác phẩm, với nhà thơ để có thể sẻ chia những tình cảm đồng điệu. Khi ấy, thơ sẽ có sức sống lâu bền trong lòng người đọc nhiều thế hệ.

- Hiện nay, vẫn còn những tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, rẻ rúng đã vô tình làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của văn chương. Giới trẻ cần chọn lọc tác phẩm văn học chân chính để đồng cảm, chia sẻ và hiểu hơn về giá trị cuộc sống.

- Khẳng định sức hấp dẫn từ nội dung và nghệ thuật của bài thơ đã chọn đã tác động sâu sắc đến tâm hồn người đọc, khơi gợi những tình cảm gần gũi, thân thuộc, bình dị... đã giúp người đọc khám phá ra bản thân, làm giàu thế giới tình cảm, nhân sinh quan.


"Đọc một tác phẩm - sống thêm nhiều cuộc đời"

Đọc và lắng nghe một tác phẩm văn học, người đọc sẽ tiếp thu được nhiều điều quý báu từ kinh nghiệm, kiến thức, tư tưởng, cảm xúc của tác giả… giống như "đi một ngày đàng học một sàng khôn".

- Phân tích chứng minh những bài học, trải nghiệm mà học sinh có được từ việc đọc các tác phẩm văn học về các mặt như kiến thức, tư tưởng, kinh nghiệm, cách mô tả và diễn đạt những vấn đề trong cuộc sống, tâm lý nhân vật, miêu tả phong cảnh…

Phần này mỗi học sinh sẽ có những trình bày cụ thể riêng. Học sinh có thể trình bày những trải nghiệm riêng của mình khi nhập vai với những nhân vật trong tác phẩm. Chỉ cần những điều được nêu phù hợp, đúng với tác phẩm được đề cập.

- Học sinh có thể bàn luận thêm về cách đọc tác phẩm văn học để có được kết quả tốt nhất (lựa chọn tác phẩm phù hợp với lứa tuổi, với mơ ước, với lý tưởng; đọc với tinh thần lắng nghe và thấu hiểu, sống với thế giới nghệ thuật của tác phẩm).

- Bên cạnh những tác phẩm văn học trong nhà trường, nên chọn lựa thêm những tác giả không có trong chương trình văn học để bổ sung kiến thức, làm giàu tư tưởng của bản thân. Nhờ việc đọc sách, chúng ta có thể hình dung được người Trung Hoa, người Mỹ, người Nga, người Pháp, người Ý, người Đức… đã sống, chiến đấu, học tập, yêu thương, đau khổ và hạnh phúc… như thế nào. Việc đọc sách đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nền văn hóa và văn minh của một dân tộc.

- Việc đọc sách rất quan trọng cho việc hình thành nhân cách của thế hệ trẻ, do đó đòi hỏi trách nhiệm của những người chọn lựa việc đưa tác phẩm văn học vào sách giáo khoa cần phải thận trọng hơn.

Mỗi tác phẩm văn học đều có những giá trị riêng về nội dung và nghệ thuật mang lại cho người đọc những trải nghiệm, những thông điệp, những lắng đọng, những suy nghĩ, những trăn trở… Do đó, người đọc cần có thái độ nghiêm túc và chủ động để việc "đọc một tác phẩm" thật sự là "lắng nghe nó" trong hành trình tư tưởng và hình thành tính cách.

Đúng 10h sáng nay 11-6, học sinh hết giờ làm bài môn thi ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM. Nhiều thí sinh nhận xét đề năm nay nhẹ nhàng, 'dễ thở'.

Chia sẻ Facebook