Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Cơ chế vay thông thoáng, sớm giãn nợ cho DN

Chia sẻ Facebook
31/03/2023 17:34:52

Cơ chế cho vay gói 120.000 tỷ đồng sẽ rất thông thoáng, các ngân hàng sẽ không đặt ra các điều kiện gì khác ngoài việc thuộc các đối tượng mua nhà ở theo quy định.

Lãi suất cho vay dự kiến từ 8,2-8,7%/năm

Thông tin tại họp báo “Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2023”, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, chậm nhất trong 1-2 ngày tới, cơ quan quản lý tiền tệ sẽ có văn bản chính thức hướng dẫn triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.

Theo đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước sẽ thống nhất chung một cách cho vay giống nhau cho các đối tượng. Tuy nhiên, cơ chế vay do các ngân hàng này tự quyết định bằng nguồn vốn của tổ chức.

Mức lãi suất của gói tín dụng này sẽ giảm 1,5% so với mức cho vay thông thường đối với với các chủ đầu tư tham gia phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Đối với người mua sẽ được hỗ trợ giảm 2%.

Theo Phó Thống đốc, cơ chế cho vay sẽ rất thông thoáng, các ngân hàng sẽ không đặt ra các điều kiện gì khác nhưng với điều kiện phải thuộc các đối tượng mua nhà ở các phân khúc nói trên. Phía ngân hàng sẽ có biện pháp để tránh tình trạng trục lợi và mỗi người chỉ được vay một lần cho một căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Lãi suất cho vay dự kiến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ 8,2-8,7%/năm.

Trên cơ sở đánh giá, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.

Ngoài ra, sẽ kiểm soát rủi ro tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ,…

Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tích cực triển khai các chương trình cho vay ưu đãi về nhà ở xã hội, các chương trình cho vay nhà ở đối với các đối tượng chính sách theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.


Chia sẻ thêm về gói này, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho biết, đối tượng vay gói 120.000 tỷ đồng là người mua nhà, chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.


Khách hàng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và các điều kiện vay vốn theo quy định hiện hành của các ngân hàng thương mại.

Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2023 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức.


Theo bà Giang, định kỳ mỗi tháng 1 lần, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố mức lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay dự kiến từ 8,2-8,7%/năm, thời gian áp dụng lãi suất, đối với người mua nhà áp dụng trong thời gian 3 năm, còn chủ đầu tư là 5 năm.

Ngoài ra, khi doanh số đạt 120.000 tỷ đồng thì chương trình sẽ dừng, nhưng không quá thời hạn 31/12/2023. "Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn huy động của các ngân hàng, điều này thể hiện tinh thần chia sẻ của ngành ngân hàng đối với các đối tượng có nhu cầu mua nhà ở thực, cũng như góp phần khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ”, đại diện Vụ Tín dụng phát biểu.

Chương trình sẽ giảm lãi suất ở cả phía cung và phía cầu lên tới 3,5%/năm, điều này vừa góp phần giảm giá thành sản phẩm, vừa tăng khả năng tiếp cận nhà ở của người dân. Ngân hàng Nhà nước cho rằng đây là một giải pháp gián tiếp góp phần làm giảm tình trạng mất cân đối cung - cầu trên thị trường bất động sản.

Giãn, hoãn nợ cho DN gặp khó về dòng tiền

Bên cạnh gói tín dụng này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã và đang nghiên cứu, đề xuất để có một cơ chế về mặt chính sách về việc giãn, hoãn nợ cho những đối tượng, doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền (xuất phát từ lý do khách quan). Nếu có thêm một nguồn vốn hỗ trợ tương tự có thể sẽ hỗ trợ được các doanh nghiệp vượt qua.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, vấn đề này phải được xử lý một cách hài hòa trên cơ sở đảm bảo được việc hỗ trợ trực tiếp trước mắt cho doanh nghiệp và đảm bảo an toàn hệ thống, nhất là liên quan đến nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu để triển khai chính sách này dựa trên cơ sở pháp lý, đối tượng, ngành nghề và mức độ cần thiết.


“Nhiều doanh nghiệp đang mong muốn ngành ngân hàng chia sẻ khó khăn nhưng thực sự những khó khăn này không phải vì vốn tín dụng mà là do các điều kiện về thị trường, dòng tiền, mức tiêu thụ hàng hóa,… Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn này cần có sự đồng hành của các ngân hàng thương mại thông qua dòng vốn tín dụng”, ông Tú nói .

Chia sẻ Facebook