Góc nhìn văn hóa: Săn lùng, tiêu thụ động vật hoang dã thể hiện đẳng cấp?

Chia sẻ Facebook
11/10/2022 13:15:59

Suy nghĩ săn lùng, tìm mua những động vật hoang dã để thể hiện đẳng cấp đã khiến nhiều loại động vật hoang dã bị sát hại, hành hạ như bẻ răng, rút ngà... khi còn đang sống.


Nhiều người coi việc ăn hay sở hữu những món đồ lưu niệm từ động vật hoang dã là biểu tượng cho sự uy quyền và sang trọng. Giá để sở hữu những món đồ đó lên tới hàng trăm triệu đồng. Việc săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã tràn lan đã khiến Việt Nam trở thành một trong những điểm nóng về tiêu thụ, trung chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã của thế giới. Thói quen này cần phải thay đổi để bảo vệ môi trường và các loại động vật hoang dã khỏi nguy cơ bị hành hạ và tuyệt chủng.

Rượu ngâm, đại gia – Hai từ này song hành với nhau trong rất nhiều video trên mạng xã hội. Những video thu hút vài chục ngàn, thậm chí lên tới hàng triệu lượt xem. Theo anh Phạm Hồng Thăng (một khán giả tại Hà Nội), việc sưu tầm động vật ngâm rượu với một số người là thú chơi, thể hiện đẳng cấp. Câu chuyện này cũng tương tự với sừng tê giác. Với giá lên tới cả tỉ đồng cho một chiếc sừng tê giác, việc sở hữu chiếc sừng này trở thành thước đo với những người giàu có.

"Vì nó đã ăn sâu vào văn hóa, ứng xử, thậm chí nhiều khi nó còn là tình cảm, nên để thay đổi nó sẽ khó, khó phân định", NSƯT Mai Nguyên chia sẻ.

Biếu nhau những món quà như sừng tê giác, ngà voi trị giá từ vài trăm triệu tới hàng tỉ đồng để thể hiện sự trân trọng. Săn lùng tìm mua những động vật hoang dã để thể hiện đẳng cấp. Những suy nghĩ này khiến nhiều loại động vật hoang dã bị sát hại, hành hạ như bẻ răng, rút ngà, rút lông đuôi, hút mật… khi vẫn còn đang sống.

"Văn hóa muốn vượt trội, lên trên mọi người, được hưởng thụ những thứ mà người khác không có là lý do người ta săn lùng động vật hoang dã" – ông Lê Quốc Vinh (Chuyên gia truyền thông) chia sẻ - "Nguyên nhân thứ 2 là bởi người Việt có tính mê tín, nghĩ những thứ độc, lạ có khả năng bí hiểm, có thể giúp vượt qua những cơn bạo bệnh, thậm chí có niềm tin những thứ hiếm hoi ấy chữa được loại bệnh nào đó. Một lý do khác là họ muốn thể hiện quyền lực, thể hiện rằng họ có thể làm được những điều người khác không làm được. Đó chính là những lý do khiến thói quen sử dụng động vật hoang dã ở Việt Nam nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới".

Nhiều chiến dịch truyền thông cũng được tổ chức để tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân về chống tiêu thụ động vật hoang dã. Thay đổi thói quen, quan niệm xã hội không phải việc một sớm một chiều nhưng điều đó hoàn toàn có thể nếu kiên trì tác động tới nhận thức. Cần lên án mạnh mẽ hành vi nuôi nhốt và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã bởi bảo tồn động vật hoang dã là bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá, đảm bảo hệ sinh thái cân bằng, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội vì tương lai của con em chúng ta.

Chia sẻ Facebook