Góc nhìn văn hóa: Đã tới lúc xóa bỏ dấu vết của sự tự ti ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt
Tự tin, tự lực, tự cường là yếu tố quan trọng để đất nước phát triển, hội nhập quốc tế và vươn mình ra biển lớn.
Trong hệ giá trị của con người Việt Nam, có những phẩm chất đã trở thành truyền thống quý báu như yêu nước, đoàn kết nghĩa tình… Trong những chuẩn mực mới của thời đại, có một phẩm chất được nhiều chuyên gia nói tới, đó là tự cường, có nghĩa là tự làm cho mình mạnh lên, không thua kém người khác, dân tộc khác.
Đơn giản như câu chuyện du học, mỗi năm có hàng trăm ngàn học sinh Việt Nam đi du học và con số người trở về đang ngày càng nhiều hơn. Không phải vì lòng yêu nước một cách lý thuyết mà bởi họ nhìn thấy môi trường kinh doanh, làm việc ở Việt Nam đã rất hấp dẫn và có nhiều cơ hội để phát triển. Việt Nam đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, có sức cạnh tranh với khu vực và thế giới. Đã tới lúc xóa bỏ dấu vết của sự tự ti mà theo các chuyên gia đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt.
"Đời sống nông dân làng xã là nhất mẹ nhì con, ta thấy ta là nhất nhưng khi ra ngoài thì cái gì cũng hơn ta. Đặc tính của người nông dân làng xã là vậy, cảm thấy chúng ta kém cỏi, lạc hậu và kém hiểu biết hơn. Từ đó dẫn tới sự thiếu tự tin. Vì thế, điều trước tiên cần là hai chữ tự tin. Nó phải từ đi học, phải lắng nghe và tìm ra cái có của chính mình", GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chia sẻ.
Trong thế giới phẳng hiện tại, người trẻ không còn bị gắn chặt trong biên giới hữu hình của một quốc gia. Tâm thế của một công dân toàn cầu giờ đây cũng khác xưa rất nhiều. Nhiều du học sinh Việt ở nước ngoài đã bày tỏ sự tự tin khi được khẳng định bản thân là người Việt Nam, chia sẻ về văn hóa và con người Việt với bạn bè quốc tế.
Thực tế, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế thứ 40 trên thế giới, giá trị thương hiệu quốc gia năm 2022 đạt 431 tỷ USD và là quốc gia có tốc độ gia tăng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới. Nhiều doanh nghiệp Việt đã vươn cánh tay ra khắp thế giới, không kém cạnh trên thương trường quốc tế, như Vinamilk, Viettel, ST25 hay Vinfast…
"Lấy câu chuyện xa mà gần là bóng đá Việt Nam, nền bóng đá chưa phát triển lắm" - GS.TSKH Vũ Minh Giang nói tiếp – "Trước đây, chúng ta lội bì bõm trong ô trũng của Đông Nam Á. Nhưng rõ ràng, chúng ta đã có thời kỳ lột xác trong vài ba năm qua, một luồng sinh khí mới từ HLV Park Hang Seo. Ông ấy thổi vào những cầu thủ Việt Nam một niềm tin. Hai chữ tự tin là yếu tố tinh thần, tâm lý nhưng trong cuộc sống thì yếu tố đó có vai trò cực kỳ quan trọng".
Ý chí tự lực tự cường là yếu tố cốt lõi để đất nước bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế. Muốn được tự cường, điều trước hết phải tự tin, hiểu rõ năng lực và thế mạnh của mình. Từ năm 2019 đến nay, Việt Nam đã từ nhóm có chỉ số phát triển con người trung bình bước vào nhóm chỉ số phát triển cao của thế giới. Tự tin, tự lực, tự cường nhưng tuyệt đối không tự mãn mà phải nỗ lực, sáng tạo hơn để vươn ra biển lớn.
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres.