Góc nhìn tuần 13 - 17/06: Sẽ vào vùng rung lắc?
Theo các công ty chứng khoán (CTCK), phiên điều chỉnh cuối tuần 06 – 10/06 cho thấy áp lực bán gia tăng sau đợt hồi phục của thị trường. Có thể thị trường sẽ vào vùng rung lắc trong thời gian tới.
Bài cập nhật
Góc nhìn tuần 13 - 17/06: Sẽ vào vùng rung lắc?
Giải ngân các nhóm hút tiền
CTCK Vietcombank (VCBS) : Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên 10/06 tạo nến thân nhỏ cho thấy sự cân bằng giữa bên mua và bên bán sau khi chỉ số chung vượt kháng cự 1,300. Theo lý thuyết, ngưỡng 1300 điểm tương đương với mốc Fibonacci thoái lui 0.382 sẽ trở thành vùng hỗ trợ của thị trường trong thời gian tới.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư có thể giải ngân đối với những cổ phiếu thuộc nhóm ngành đang thu hút dòng tiền như dầu khí, hóa chất, bán lẻ. Bên cạnh đó các nhóm ngành có dấu hiệu phục hồi sau thời gian giảm điểm như nhóm tài nguyên cơ bản cũng có thể được cân nhắc giải ngân đối với các nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn.
Kiểm định hỗ trợ MA20
CTCK Bản Việt (VCSC) : Dự báo trong phiên giao dịch 13/06, thị trường có thể tiếp tục có quán tính giảm điểm để chỉ số VN-Index kiểm định hỗ trợ MA20 ngày đang nằm tại 1,265-1,270 điểm. Nếu lực cầu giá thấp đủ mạnh để hấp thụ lực bán, VN-Index có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục lại, hướng lên kháng cự MA10 vừa bị vi phạm, nằm tại vùng 1,297 điểm. Ở kịch bản này, chỉ số HNX-Index cũng sẽ có thể kiểm định lại đường MA20 ngày tại 310 điểm.
Ngược lại, nếu lực bán tiếp tục gia tăng mạnh và áp đảo lực mua tại hỗ trợ 1,265-1,270 điểm và khiến VN-Index đóng cửa phía dưới đường MA20 ngày, đà hồi phục của thị trường kéo dài từ giữa tháng 5 cho tới nay sẽ có khả năng kết thúc.
Bước vào nhịp điều chỉnh
CTCK Mirae Asset : Vượt 1,300 chỉ trong 2 phiên cho thấy tâm lý lo ngại mua trên ngưỡng 1,300 đang cản bước hồi phục của VN-Index . Trong tuần (06 – 10/06) chỉ số cũng đã tiến khá gần với mốc kháng cự 1,320, do đó trong ngắn hạn VN-Index có thể đang bước vào nhịp điều chỉnh.
Nghiêng về hướng phòng thủ
CTCK Tân Việt (TVSI) : Diễn biến phiên giao dịch ngày 10/06 đúng nghĩa với một phiên điều chỉnh tương đối mạnh và điều hơi đáng tiếc là thanh khoản lại tăng trở lại khi thị trường giảm cho thấy cung đang quyết liệt hơn cầu hay nói cách khác người cầm cổ phiếu đang bán một cách quyết đoán. TVSI đánh gía xác suất tạo đỉnh nhịp hồi của phiên nay là khá cao khi chỉ số VN30 có ba phiên liên tiếp tiến thất bại khi tiến lên gần kháng cự 1,350 điểm. Điều duy nhất còn tích cực trong phiên 10/06 là thanh khoản không vượt trội so với các phiên tăng điểm mạnh trước đó và hỗ trợ tốt ngày 07/06 ở mức 1,260 vẫn được đánh giá cao trong trường hợp thị trường diễn biến tiêu cực.
Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn nên giảm trạng thái cổ phiếu trong tuần vừa qua (06 - 10/06) theo khuyến nghị và các thời điểm có các nhịp hồi phục của tuần tới (13 - 17/06). Theo đó, danh mục nên đưa về trạng thái phòng vệ với tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ < 50% tổng tài sản.
Quan tâm cổ phiếu bất động sản, xây dựng hạ tầng, bán lẻ
CTCK Đông Á (DAS) : Thị trường điều chỉnh đột ngột trong thời gian cuối phiên giao dịch 10/06. Một phần lý do giảm điểm đến từ sự ảnh hưởng tâm lý khi thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm từ Châu Á và Châu Âu, một phần khác từ sự chốt lời ở ngưỡng VN-Index 1300 sau khi đã phục hồi hơn 100 điểm từ vùng đáy. Tuy nhiên xu thế tăng trung hạn vẫn giữ nguyên khi có nhiều cơ hội đầu tư dài hạn trên thị trường hiện nay do mặt bằng định giá cổ phiếu đang hấp dẫn, triển vọng kinh tế 2022 tiếp tục tăng trưởng. Nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội giải ngân bổ sung trong những nhịp điều chỉnh của thị trường.
Nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân trong những phiên điều chỉnh quan tâm các nhóm cổ phiếu bất động sản, bán lẻ, xây dựng hạ tầng, cổ phiếu khu công nghiệp.
Dao động quanh vùng 1,250 - 1,300 điểm
CTCK MB (MBS) : Thị trường có tuần 06 - 10/06 điều chỉnh nhẹ gần 4 điểm, tương đương mất 0.3% sau 3 tuần tăng liên tiếp. Phiên giảm 10/06 không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh của chứng khoán thế giới khi nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát tại Mỹ.
Do vậy, nếu không gặp áp lực chốt lời ở các nhóm cổ phiếu vốn đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua như: dầu khí, thủy sản, cảng biển, phân bón, … thì việc thị trường giảm điểm cũng nằm trong xu hướng chung của chứng khoán thế giới.
Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ mức đáy tháng 5 vừa qua và áp lực giảm trên diện rộng, tuy vậy thanh khoản phiên này vẫn thấp hơn so với mức bình quân ở 3 phiên đầu tuần do nhóm cổ phiếu chịu áp lực bán chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu Mid Cap và Small Cap. Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index sau khi không giữ được ngưỡng tâm lý 1,300 điểm, có khả năng sẽ dao động trong vùng 1,250 điểm - 1,300 điểm, vùng hỗ trợ cho chỉ số này trong tuần sau ở 1,250 điểm - 1,260 điểm.
Đông Tư