Góc nhìn tuần 12 - 16/12: Tích lũy ở vùng 1,050 điểm?
Theo VCBS, VN-Index sẽ cần tích lũy một thời gian quanh vùng 1,050 điểm để cung chốt lời ngắn hạn được hấp thụ hết trước khi có thể tiếp tục hướng lên các vùng điểm phía trên quanh 1,080 và xa hơn là 1,130.
Góc nhìn tuần 12 - 16/12: Tích lũy ở vùng 1,050 điểm?
Cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có dấu hiệu đầu cơ duy trì tích cực
CTCK Bản Việt (VCSC) : Dự báo trong phiên giao dịch 11/12 tới, thị trường có thể tiếp tục sự giằng co, thăm dò trong phiên sáng khi VN-Index kiểm định kháng cự ngắn hạn tại 1,055-1,065 điểm. Tuy nhiên, một số cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có dấu hiệu đầu cơ tốt có thể duy trì diễn biến tích cực trong thời gian này.
Trong phiên chiều, nếu lực mua tại nhóm vốn hóa lớn ( VN30 ) đủ mạnh giúp VN-Index đóng cửa trên 1,065 điểm, chỉ số sẽ phát ra tín hiệu hiệu khả quan để tiếp tục tăng và kiểm định lại kháng cự MA50 tại vùng 1,100 điểm. Ngược lại, nếu lực bán tại nhóm dẫn dắt chiếm ưu thế khiến VN-Index đóng cửa dưới 1,040 điểm, nhà đầu tư cần thận trọng với khả năng đảo chiều xu hướng.
Giữ tỷ lệ cổ phiếu/tiền ở mức 50/50
CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCSC) : VN-Index vấp phải áp lực chốt lời lớn và điều chỉnh ngay trước mốc kháng cự 1,100 điểm. Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã tiến vào vùng mây ichimoku tại khung đồ thị ngày nên không khó hiểu khi VN-Index rung lắc mạnh. Điểm tích cực là chỉ báo RSI và MACD chỉ mới tạo 1 đỉnh vào chưa có dấu hiệu hình thành phân kỳ âm. Do đó, VN-Index sẽ cần tích lũy một thời gian quanh vùng 1,050 điểm để cung chốt lời ngắn hạn được hấp thụ hết trước khi có thể tiếp tục hướng lên các vùng điểm phía trên quanh 1,080 và xa hơn là 1,130 tương ứng với ngưỡng 0.5 và 0.382 trên thang đo Fibonacci mở rộng. Theo đó, nhà đầu tư có tiếp tục giữ tỷ trọng cổ phiếu so với tiền ở mức vừa phải khoảng 50:50, đồng thời có thể chốt lời một phần và canh mua lại trong các nhịp sụt giảm trong phiên cho mục đích lướt sóng ngắn hạn.
Xu hướng siêu ngắn hạn sẽ rõ ràng với nhiều sự kiện quan trọng
CTCK Asean (Aseansc) : Thị trường phiên cuối tuần 09/12 ghi nhận một phiên giao dịch khá giằng co, và đóng cửa tăng nhẹ, mức cao hơn trung bình trong ngày, trong bối cảnh số mã tăng giá và số mã giảm giá gần tương đương nhau, thanh khoản giảm khá và thấp hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy bên mua và bên bán đang khá giằng co, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, và xu hướng siêu ngắn hạn vẫn chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, xu hướng siêu ngắn hạn có thể sẽ rõ ràng hơn trong một vài phiên tới, nhất là khi tuần sau là tuần có nhiều sự kiện quan trọng, bao gồm: thông tin CPI tháng 11 của Mỹ (8 giờ 30 phút tối 13/12); đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 12 (15/12); cuộc họp về lãi suất của Fed (2 giờ sáng ngày 15/12); các quỹ ETFs bắt đầu cơ cấu danh mục (hạn chót 16/12).
Trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 1,060 - 1,070 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1,080 - 1,090 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 1,040 - 1,050 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1,020 - 1,030 điểm. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.
Rủi ro điều chỉnh ở ngưỡng 1,150 cao
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) : Dù hồi phục mạnh thị trường chưa xác nhận bước vào uptrend và VN-Index vẫn có xu hướng tiếp tục đà tăng sau giai đoạn điều chỉnh này và hướng tới mục tiêu 1,150 điểm nhưng sẽ đối diện với khả năng có đợt điều chỉnh mạnh và rủi ro cao khi VN-Index tiệm cận ngưỡng 1,150. Sau giai đoạn downtrend mạnh thời gian qua, thị trường cần thời gian tích lũy lâu và tin cậy hơn trước khi có thể có uptrend thực sự.
SHS cho rằng đợt điều chỉnh đang diễn ra sẽ vẫn là cơ hội cho những nhà đầu tư ngắn hạn gia nhập thị trường để đón đầu giai đoạn hồi phục tiếp theo. Đối với nhà đầu tư trung dài hạn vẫn có thể tận dụng giai đoạn điều chỉnh hiện tại để cơ cấu lại danh mục hợp lý hơn.
Tích lũy ngắn hạn
CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) : Theo đồ thị tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1,051.81 điểm (-2.6%) với khối lượng giao dịch giảm nhẹ và vẫn trên mức khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên đồ thị giá có thể sẽ tiếp tục đi ngang trong vài tuần tới. Ngoài ra, xu hướng trung hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng.
Tích lũy trong vùng 1,040 - 1,060
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) : Sau khi tích lũy trong vùng 1,040 - 1,060, VN-Index có khả năng hướng đến vùng kháng cự tiếp theo là 1,070 - 1,075.
Đông Tư