Góc nhìn đầu tư 2023: Ngành bán lẻ ICT sẽ còn tăng trưởng mạnh

Chia sẻ Facebook
16/02/2023 10:45:58

Dù nền kinh tế có khá nhiều biến động, mảng bán lẻ vẫn duy trì đà phục hồi mạnh. Các doanh nghiệp trong ngành này sẽ tiếp tục kinh doanh tốt trong năm 2023.

Góc nhìn đầu tư 2023: Ngành bán lẻ ICT sẽ còn tăng trưởng mạnh

Dù nền kinh tế có khá nhiều biến động, mảng bán lẻ vẫn duy trì đà phục hồi mạnh. Các doanh nghiệp trong ngành này sẽ tiếp tục kinh doanh tốt trong năm 2023.

Ngành bán lẻ hồi phục tích cực

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 404 ngàn tỷ đồng, tăng 8.7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4,475.9 ngàn tỷ đồng, tăng 13.3% so với năm trước.

Tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ phục hồi mạnh và tiếp tục nằm trên mức tăng của GDP. Theo Bộ Công Thương Việt Nam đến năm 2025, giá trị gia tăng của ngành thương mại Việt Nam sẽ đóng góp khoảng 13.5% GDP và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9 - 9.5% mỗi năm tới năm 2025.

Tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ và GDP giai đoạn 2016 - 2022

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Chi tiêu tăng kéo theo mức tăng ở ngành hàng cao cấp


Theo nghiên cứu gần đây của McKinsey Global Institute, Việt Nam là quốc gia có tiềm lực trở thành một trong những quốc gia có tăng trưởng tiêu dùng nhanh chóng trong khu vực cũng như ở châu Á. Trong thập niên tới, thêm 36 triệu người có thể tham gia tầng lớp tiêu dùng của Việt Nam, được định nghĩa là những người chi tiêu ít nhất 250,000 đồng/ngày theo điều kiện ngang giá sức mua ( PPP ).

Đây sẽ là một sự chuyển mình lớn khi vào năm 2000, chưa đến 10% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp tiêu dùng, con số này ngày nay đã tăng lên 40%. Và có thể tăng gần 75% đến năm 2030. Hai tầng lớp tiêu dùng cao nhất (những người chi tiêu từ 700,000 đồng trở lên mỗi ngày) đang tăng nhanh nhất và có thể chiếm 20% dân số Việt Nam vào năm 2030.

Dân số Việt Nam ở từng nhóm tiêu dùng theo ngang giá sức mua ( PPP )

(Đvt: Triệu người)

Nguồn: McKinsey Global Institute

Mảng kinh doanh điện thoại trung và cao cấp sẽ bùng nổ

Theo báo cáo của Counterpoint Research, các lô hàng điện thoại thông minh của Việt Nam đã tăng 34% so với cùng kỳ trong quý 3 năm 2022. Kết quả nêu bật sự tăng trưởng kinh tế trong quý của Việt Nam, được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất ngày càng tăng và tâm lý người tiêu dùng được cải thiện bất chấp áp lực lạm phát. Sự ra mắt của các mẫu điện thoại thông minh mới cùng nhu cầu ngày càng tăng đối với các mẫu bình dân và cao cấp cũng là một trong những yếu tố chính tạo nên sự tăng trưởng hàng quý.

Doanh số bán hàng của Apple đã tăng 139% so với cùng kỳ trong quý 3 năm 2022, do nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam mua điện thoại thông minh cao cấp hơn. Các nhà phân phối của Apple đang mở thêm cửa hàng chính thức tại Việt Nam, giúp thương hiệu tiếp cận nhiều khách hàng hơn.


Các lô hàng trong quý 3 năm 2022 với khoảng giá bán lẻ dưới 200 USD vẫn không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái, do các lô hàng từ Samsung yếu hơn. Phân khúc này chủ yếu được thúc đẩy bởi Xiaomi và Realme. Phạm vi từ 200 - 400 USD chứng kiến ​​mức tăng trưởng lớn nhất trong quý khi nhu cầu về điện thoại thông minh giá tầm trung tăng lên. Trong khi đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong phạm vi giá từ 400 - 600 USD là nhờ Apple. Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của iPhone.

Dự đoán doanh số smartphone tăng trưởng theo từng mức giá tại Việt Nam năm 2023

Nguồn: Counterpoint

Các lô hàng điện thoại thông minh 5G đã tăng 129% so với cùng kỳ trong quý 3 năm 2022 và chiếm 34% tổng số lô hàng trong quý khi các thương hiệu tung ra nhiều mẫu điện thoại 5G. Mạng 5G chưa được triển khai chính thức ở Việt Nam nhưng công nghệ này có thể được tung ra thị trường vào năm 2023. Điều này có thể thúc đẩy hơn nữa hoạt động kinh tế trong nước.


MWG - CTCP Đầu tư Thế giới Di động


CTCP Đầu tư Thế giới Di động ( HOSE : MWG ) đứng đầu thị phần với gần 3,400 điểm bán hàng và bỏ xa đối thủ FPT Shop hay Viettel Store.


Số lượng cửa hàng của các công ty bán lẻ công nghệ


Nguồn: VietstockFinance


(Số liệu được cập nhật đến ngày 18/01/2023)


MWG đặt tham vọng mở rộng chuỗi cửa hàng điện tử sang các nước trong khu vực. Trong đó, Campuchia được lựa chọn làm điểm đến đầu tiên với chuỗi Bluetronics đã đứng đầu thị phần nước này. Tuy nhiên, thị trường này lại rất nhỏ, chỉ bằng 1/10 Việt Nam. Với tầm nhìn xa của ban lãnh đạo, Indonesia đã được lựa chọn làm điểm đến tiếp theo khi dân số và GDP nước này gấp gần 3 lần Việt Nam nhưng thị trường điện máy ước tính chỉ bằng 70 - 75% so với Việt Nam.

Mục tiêu tới cuối năm nay, những cửa hàng Điện Máy Xanh “Era Blue” đầu tiên tại thị trường Indonesia sẽ đi vào hoạt động. Era Blue là liên doanh giữa công ty con của Thế Giới Di Động và Erajaya. Đây là hai tập đoàn bán lẻ điện máy hàng đầu của cả Việt Nam và Indonesia. Vì vậy, liên doanh mới được kỳ vọng sẽ tận dụng những điểm mạnh của cả hai để phát triển tại thị trường xứ vạn đảo.


Cơ cấu doanh thu của MWG


Nguồn: MWG


(Số liệu được cập nhật đến hết tháng 11/2022)


Giá cổ phiếu đã có dấu hiệu phá vỡ đường SMA 50 ngày và các chỉ báo khác cũng cho mua nên rủi ro được hạn chế trong ngắn hạn.


Giá nằm ở góc phần tư tích lũy (improving) khi VS-RS dưới 100, nhưng VS-Mom di chuyển trên 100. Chỉ số VS-RS < 100 cho biết sức mạnh giá vẫn còn yếu nhưng VS-Mom > 100 có nghĩa là xu hướng giảm đang yếu dần và có khả năng đảo ngược. Nhà đầu tư cần đưa MWG vào danh mục quan sát vì rất dễ chuyển sang trạng thái tăng giá (leading).


Nguồn: VietstockFinance

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

Chia sẻ Facebook