Góc nhìn của sinh viên thế trước và Gen Z về nghề phục vụ

Chia sẻ Facebook
13/06/2023 15:12:01

Không ít sinh viên, người trẻ chọn các công việc phục vụ để làm thêm, kiếm thu nhập. Tuy nhiên, mỗi thế hệ lại có góc nhìn khác nhau về công việc này, đặc biệt là với Gen Z.

Nghề phục vụ được không ít sinh viên lựa chọn trong thời gian đi học để kiếm thêm thu nhập. Đây là công việc không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, làm việc theo giờ nên người làm có thể chủ động sắp xếp thời gian vừa đi học, vừa có thể kiếm tiền. Thế nhưng, không phải tất cả sinh viên đều có cái nhìn thoải mái về công việc này, đặc biệt mỗi thế hệ lại có những suy nghĩ khác nhau. Nếu như Gen Z ngày nay xem nghề này là xu hướng, thì đối với sinh viên thế hệ trước lại từng có nhiều e ngại.

Phục vụ là công việc được nhiều sinh viên lựa chọn.


"Làm nghề phục vụ sợ phí tài năng"


Cùng một câu hỏi: "Bạn nghĩ sao về việc sinh viên đi làm phục vụ?" mỗi người sẽ đưa ra một đáp án khác nhau. Khi vấn đề này được đem ra bàn luận tại Cột sống Gen Z , chủ đề nhanh chóng trở nên thu hút sự chú ý. Có 2 "phe" quan điểm được đưa ra, một số ý kiến cho rằng sinh viên có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với chuyên ngành đang theo học, họ thấy công việc này không đem lại nhiều lợi ích cho việc phát triển bản thân sau này. Bên cạnh đó, không ít người lại cho rằng nghề phục vụ cũng là một trải nghiệm đáng thử trong đời.

Công việc phục vụ, chăm sóc khách hàng ngày càng trở nên phổ biến. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Chuyện làm nghề phục vụ theo góc nhìn qua các thế hệ cũng có sự khác biệt. Đối với sinh viên thế hệ trước, công việc này được nhiều người lựa chọn vì nhu cầu tuyển dụng thường xuyên, liên tục, với những bạn trẻ "chân ướt chân ráo" chưa có nhiều kinh nghiệm, khó xin vào các công ty sẽ chọn làm phục vụ là giải pháp tình thế lý tưởng. Sinh viên thế hệ X, Y xem đây là công việc tạm thời trong khi chờ cơ hội.

Nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên chọn công việc làm thêm là phục vụ tại các quán cà phê, nhà hàng. (Ảnh: cukcuk)


Thế nhưng, hàng loạt những quan điểm như: "Sinh viên đại học mà lại đi làm phục vụ", "làm phục vụ chỉ lãng phí tài năng, chẳng học hỏi được gì", "có bằng đại học sao lại đi làm bồi bàn, quán ăn, quán cà phê, bảo vệ,"... được đưa ra khiến cho công việc này trở nên "nhạy cảm" trong mắt các sinh viên thế hệ trước. Quang Hùng (30 tuổi) đã ra trường và đi làm được 8 năm từng có 2 năm gắn bó với công việc phục vụ tại một quán ăn. Hùng cho biết bản thân từng rất ngại không muốn để cho bạn bè biết: "Lúc ấy, nhiều người nghĩ học đại học mà đi làm bồi bàn là hạ thấp bản thân. Mình cũng vì thế không dám chia sẻ với ai".

Sinh viên vừa học vừa làm để kiếm thêm thu nhập. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Công việc tuy không đòi hỏi cao nhưng cũng không dễ dàng khi làm việc. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Chuyện sinh viên đi làm phục vụ những năm trước đây thậm chí còn trở thành đề tài nóng được nhiều người đem ra bàn luận. Không ít người cho rằng đó là sự lãng phí tài năng và sức lực, trong khi sinh viên hoàn toàn có thể học hỏi, khám phá khả năng của bản thân ở những nơi xứng đáng hơn. Thế nhưng, quan điểm trên không phải của tất cả mọi người. Đa số vẫn cho rằng, làm nghề phục vụ cũng có những ưu điểm nhất định và không phải không có sự phát triển, thăng tiến.


Gen Z làm phục vụ để trải nghiệm cuộc sống

Là thế hệ sinh viên đi sau, Gen Z hiện đại lại xem nghề phục vụ là trải nghiệm thú vị. Không ít bạn trẻ dù có điều kiện kinh tế ổn định nhưng vẫn lựa chọn làm nhân viên phục vụ để va vấp nhiều hơn với cuộc sống. Có thể nghề phục vụ không phải ưu tiên của nhiều người vì không thể làm đẹp CV (hồ sơ xin việc), đây lại là công việc được đánh giá vất vả và cũng nhiều áp lực, mệt mỏi vì làm hài lòng khách hàng không phải chuyện dễ.

Nghề phục vụ là trải nghiệm thú vị với Gen Z. (Ảnh minh họa: Pinterest)


Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ nhận thấy công việc này giúp hoàn thiện nhiều kỹ năng cần thiết, giúp các bạn được trải nghiệm và tiếp xúc với nhiều người hơn, từ đó trưởng thành hơn. Một kỹ năng điển hình mà nghề phục vụ mang lại đó là giao tiếp, vì cần tiếp xúc với khách hàng thường xuyên, các bạn trẻ cũng sẽ trở nên năng động và tháo vát hơn. Có người chọn đi làm phục vụ để thay đổi chính bản thân mình. Độc giả của YAN , bạn Ánh Tuyết vốn là một cô nàng trầm tính, rụt rè, Tuyết quyết định đi làm phục vụ tại quán cà phê để giúp bản thân dạn dĩ hơn: "Làm nhân viên phục vụ không chỉ giúp mình có thêm thu nhập, bản thân mình cũng trở nên năng nổ hơn, có thêm kiến thức xã hội, giao lưu gặp gỡ nhiều người không còn rụt rè. Mình thậm chí có thêm kinh nghiệm xử lý tình huống, nắm bắt tâm lý khách hàng."

Kỹ năng giao tiếp, nắm bắt tâm lý khách hàng được rèn giũa trong quá trình làm việc. (Ảnh minh họa: Freepik)


Trước quan điểm làm phục vụ không thể thăng tiến, bạn Tiến Hoàng lại cho rằng khi làm phục vụ, bạn có thể học rất nhiều kiến thức, kỹ năng và nếu gắn bó lâu dài, có nhiều kinh nghiệm bạn có thể thăng chức làm quản lý: "Có rất nhiều bạn sinh viên nhiệt huyết, tậm tâm với công việc. Sau quãng thời gian làm phục vụ được thăng chức trướng nhóm, quản lý,... Mức lương cũng không kém một nhân viên văn phòng".

Trong quá trình làm việc, người trẻ có thể học hỏi được nhiều điều. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Bất cứ công việc nào cũng mang đến những giá trị nhất định. So với trước đây, công việc nhân viên phục vụ được nhiều bạn trẻ lựa chọn, hầu hết nhân lực tại các quán ăn, nhà hàng, quán cà phê đều là những bạn trẻ tự tin, năng động, thái độ làm việc chuyên nghiệp. Công việc nào cũng xứng đáng được tôn vinh khi đó là lao động chân chính, bạn hoàn toàn có thể tự hào về việc mình đang làm.

Bạn nghĩ sao về chủ đề này, hãy chia sẻ cho chúng tôi biết nhé!

Mỗi công việc đều mang lại giá trị nhất định, nếu chúng ta biết nắm bắt cơ hội, nỗ lực làm việc đều sẽ có cơ hội được phát triển và thăng tiến. Nghề phục vụ giúp các bạn sinh viên hoàn thiện những kỹ năng như: giao tiếp, nắm bắt tâm lý khách hàng, cả sự kiên nhẫn, chủ động trong công việc.


Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook