Góc nhìn chuyên gia: Thị trường rơi vào trạng thái "summer market", nhà đầu tư cần "săn lùng" cổ phiếu được dòng tiền hướng tới
Chuyên gia cho rằng trong kiểu "thị trường mùa hè" – summer market, dòng tiền vẫn còn đó nhưng không đủ mạnh để tạo sự đồng thuận, sự phân hóa sẽ diễn ra gay gắt.
Khối lượng giao dịch có sự hồi phục cùng với việc khối ngoại mua ròng mạnh trở lại giúp tâm lý nhà đầu tư phần nào cải thiện. Tuy nhiên áp lực từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dường như vẫn là rào cản khiến VN-Index chưa thể giành lại mốc 1.500 điểm. Chuyên gia nhận định như thế nào về diễn biến thị trường trong tuần tới?
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC): Thị trường phục hồi trong tuần qua là điều có thể dự báo từ trước khi vượt qua được tuần thử thách trước đó (với kỳ họp của FED, đáo hạn phái sinh, review ETFs…) và đồng pha sự phục hồi trong ngắn hạn của nhiều thị trường chứng khoán lớn trên thế giới. Tuy nhiên có thể thấy cách thức vận động của thị trường không khác là mấy so với khoảng một tháng gần đây.
Thị trường với nhiều sự biến động từ trong đến ngoài nước, đã bỏ qua giai đoạn đẹp nhất để bứt phá. Diễn biến gần đây cho thấy thị trường rơi vào trạng thái "thị trường mùa hè" – summer market. Trong kiểu thị trường này, dòng tiền vẫn còn đó nhưng không đủ mạnh để tạo sự đồng thuận, sự phân hóa sẽ diễn ra gay gắt. Các nhóm cổ phiếu hút tiền sẽ tiếp tục hút tiền và mức độ tăng là không ít, tuy nhiên một phần không nhỏ của thị trường không nhận được dòng tiền sẽ đi theo hướng ảm đạm.
Do đó, tôi cho rằng điểm số không quan trọng ở thời điểm hiện tại, nhưng nếu phải nói về biên dao động, chỉ số có thể ở trong biên 1.480-1.520. Nhìn chung chỉ số đôi lúc có thể bị nhiễu và +/- so với biên này một chút, nhưng khó có biến động lớn. Thị trường dạng summer market cũng khó giảm sâu, vì ở thế thị trường này, ai bán chủ động cũng đã bán rồi, phần cung còn lại thong thả và hầu như không chấp nhận bán với giá thấp, trừ khi có yếu tố biến động tiêu cực gì mới. Thông tin quan trọng đầu tuần tới là số liệu lạm phát tháng Ba. Nếu số liệu lạm phát tiêu cực một cách đột biến, phản ứng tiêu cực chắc chắn sẽ hiện diện trên thị trường.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam: Thanh khoản thị trường không cao, dòng tiền thường bị hút vào những cổ phiếu vừa và nhỏ, áp lực từ nhóm Bluechips cũng tạo cản khiến VN-Index chưa thể bứt phá. Tuy nhiên, sắp tới dòng tiền có thể sẽ có sự xoay chuyển sang Bluechips bởi nhóm này đang ở vùng hỗ trợ mạnh cộng thêm kết quả kinh doanh khả quan của nhiều doanh nghiệp đầu ngành cũng là yếu tố hỗ trợ. Sự hồi phục của nhóm vốn hóa lớn sẽ tạo đà bứt phá cho thị trường trong thời gian tới. Tôi dự báo VN-Index sẽ sớm lấy lại mốc 1.500 tuần tới, thậm chí vượt đỉnh 1.530 điểm trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Tổng kết lại tuần giao dịch vừa qua, tôi nhận định thị trường chứng khoán trong nước đã có đà hồi phục tích cực giúp VN-Index lấy lại gần như toàn bộ điểm số đánh mất trong nhịp điều chỉnh trước đó. Mặc dù có đà tăng điểm tốt tuy nhiên hiện tại VN-Index vẫn chưa thể bứt phá khỏi vùng cản quanh mốc 1.510 điểm. Tính từ đầu tháng 2, đây vẫn là vùng cản cứng ngăn bước chỉ số tìm về vùng đỉnh cũ.
Về nhận định cho tuần tới, tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục diễn biến theo hướng tích cực do (1) chỉ số đã lấy lại xu hướng tăng cùng các mốc hỗ trợ quan trọng (2) Đà tăng cùng pha với khối lượng giao dịch, thanh khoản được ghi nhận tăng đáng kể so với tuần trước đó (3) Tiệm cận thời điểm ra báo cáo KQKD quý I của các doanh nghiệp niêm yết, sẽ xuất hiện nhiều cơ hội đầu tư mới thu hút được nhà đầu tư. Vì vậy, dự báo VN-Index có thể giao dịch trong vùng 1.480-1.520 điểm.
Cũng liên quan đến chuyển động dòng tiền, trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn tạo sức hút mạnh mẽ thì nhóm ngân hàng lại tiếp tục gây thất vọng. Nhiều nhà đầu tư còn ví von rằng cổ phiếu bank tăng một tháng không bằng bất động sản bứt phá trong một phiên. Chuyên gia đánh giá như thế nào về cơ hội đầu tư của hai nhóm này?
Ông Bùi Văn Huy: Như đã phân tích ở trên, trong "thị trường mùa hè" các nhóm cổ phiếu được phân hóa có đặc điểm: (1) Thuận lợi về cơ bản và thông tin tích cực trong ngắn hạn với phạm vi góc độ ngành. (2) Cung ở mức độ vừa phải hoặc ít. Điều này cũng giải thích tại sao VN30 diễn biến kém, trong khi đó VNMidcap, VNSmallcap dần tiệm cận đỉnh. Tuy nhiên một khi vào sóng, sóng tăng có thể kéo dài vài tháng, giá tăng rất mệnh, bền và nhiều lúc vượt định giá
Từ những đặc điểm tổng quát trên, tôi đưa ra quan điểm đầu tư các ngành như sau:
- Ngành ngân hàng: Áp lực cung rất nhiều, tiền yếu hiện tại không cân nổi vùng giá cao khi tăng giá. Vấn đề nợ xấu và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận. Rõ ràng khó có sóng ngành mà chỉ tập trung ở nhóm các cổ phiếu có câu chuyện riêng.
- Nhóm cổ phiếu bất động sản: đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, hưởng lợi rõ ràng từ các gói kích thích kinh tế. Sóng bất động sản dù biến động, nhưng vẫn có thể kéo dài. Trong "thị trường mùa hè", sự phân hóa này có thể vẫn tiếp diễn.
Ông Đỗ Bảo Ngọc : Để nhận định về hai nhóm này, tôi cho rằng cổ phiếu ngân hàng còn nhiều dư địa tăng trưởng tốt hơn. Dòng tiền chảy vào bất động sản do được hưởng lợi bởi đầu tư công, song cũng phản ánh khá đầy đủ vào giá trong thời gian qua. Hiện tại, nhóm ngân hàng đang ở vùng giá rất thấp nên việc nhiều cổ phiếu có thể tăng 15% trong vòng 1 tháng tới là vẫn khả quan. Bên cạnh định giá hấp dẫn, kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng tư nhân có thể duy trì đà tăng tưởng tích cực, chia cổ tức cao và kế hoạch M&A hấp dẫn.
Ông Nguyễn Anh Khoa : Theo tôi hai nhóm ngành này có khá nhiều mối liên quan đến nhau. Hiện tại chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là đầu tư hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông phát triển, các quỹ đất , dự án bất động sản bám theo hạ tầng mới lại có. Từ đó kéo theo nhu cầu vốn tăng lên, các ngân hàng sẽ có thêm cơ hội cấp tín dụng ra thị trường. Do đó, cả 2 nhóm ngành đều có tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn. Việc của nhà đầu tư là chọn cho mình những cổ phiếu tốt, đặc biệt là những mã đầu ngành và kiên nhẫn chờ đợi thành quả.
Thị trường lình xình khó đoán,
nhiều khuyến nghị cho rằng giai đoạn này nhà đầu tư nên gia tăng tỷ trọng ở những nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ, ít bị ảnh hưởng bởi bất ổn để giúp danh mục ổn định hơn. Chiến lược đầu tư nào phù hợp trong thời điểm này thưa chuyên gia?
Ông Bùi Văn Huy : Trong phần bối cảnh thị trường nhiều biến động, nhóm cổ phiếu phòng thủ có thể gúp danh mục ổn định, phòng ngừa phần nào rủi ro lạm phát, hút tiền là điều dễ hiểu. Song theo quan điểm của tôi, nhà đầu tư không nên quan tâm quá nhiều đến chỉ số thị trường, điều quan trọng là phải lựa chọn được nhóm cổ phiếu tốt
Nhà đầu tư cũng không thể kỳ vọng vào sự luân chuyển nhiều, vì dòng tiền không dồi dào. Do đó việc mua các cổ phiếu có cơ bản tốt phù hợp trong dài hạn. Khi các nhóm ngành dẫn dắt mất xu hướng tăng, thị trường sẽ diễn biến xấu đi, chứ khó luân chuyển sang nhóm khác. Bởi đặc điểm của thị trường mùa hè là một dạng thị trường yếu, xác suất giao dịch thành công không quá cao. Do đó, nhà đầu tư không đủ linh hoạt và chấp nhận rủi ro thấp có thể đứng ngoài .
Ông Đỗ Bảo Ngọc : Tôi cho rằng cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư trong bối cảnh lạm phát được dự báo tăng cao. Do đó, nhà đầu tư không nên nhìn chỉ số chung của thị trường mà cần tập trung vào từng nhóm ngành và doanh nghiệp cụ thể. Chiến lược tôi đưa ra là có thể phân bổ vốn với tỷ trọng 70% cổ phiếu, tập trung vào những doanh nghiệp có mức định giá hấp dẫn, tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, để bảo toàn giá trị tài sản nhà đầu tư có thể lựa chọn những doanh nghiệp có hiệu suất sinh lời trên vốn là từ 15%-20% trong bối cảnh lạm phát dự báo lên đến 7% vào cuối năm nay.
Ông Nguyễn Anh Khoa : Chiến lược đầu tư của tôi cũng khá giống với quan điểm trên. Hiện tại dòng tiền đang xoay vòng nhanh giữa các nhóm ngành trên thị trường. Điều đó khiến đà tăng của cổ phiếu trở nên không bền. Nhiều mã có thể tăng mạnh trong phiên nhưng khi hàng về lại sụt giảm. Do đó, việc lướt sóng thời điểm hiện tại chỉ thực sự phù hợp với những nhà đầu tư nhanh nhạy, có khả năng đoán trước xu hướng thị trường.
Mùa ĐHCĐ dần hé lộ những câu chuyện kinh doanh thú vị của nhiều doanh nghiệp. Theo quan sát của ông, có câu chuyện đặc biệt nhà đầu tư cần chú ý trong mùa đại hội này?
Ông Bùi Văn Huy: Tâm điểm thị trường hiện tại đang được phân hóa vào các nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận năm 2022 khả quan. Do đó câu chuyện chính trong mùa Báo cáo KQKD quý I năm nay và cả mùa ĐHCĐ sẽ xoay quanh các nhóm cổ phiếu này.
Đây là thời gian để nhà đầu tư có thêm thông tin để xác nhận lại sự kỳ vọng, để xem câu chuyện của những cổ phiếu đang là tâm điểm có thể tiếp tục được kể tiếp hay không. Điều này đương nhiên sẽ tác động đến xu hướng thị trường, bởi lẽ như đã phân tích ở trên, nếu ngay cả nhóm cổ phiếu tâm điểm này xấu đi, thị trường sẽ khó có sự luân chuyển nào mới cả mà khả năng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực theo.
Ông Đỗ Bảo Ngọc : Trong mùa đại hội, nhóm ngân hàng được kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận, nhiều thương vụ tăng vốn và câu chuyện M&A. Đặc biệt, năm nay đang tập trung xử lý các ngân hàng đang thuộc diện tái cơ cấu là động lực thu hút nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, nhóm bất động sản cũng được kỳ vọng với nhiều doanh nghiệp có dự án lớn và đặt kế hoạch tăng trưởng cao. Thời gian vừa qua cũng có nhiều cổ phiếu bất động sản tăng, song chủ yếu là cổ phiếu mang tính chất đầu cơ. Do đó, dòng tiền vẫn có thể sẽ hướng đến những doanh nghiệp bất động sản thực sự có chất và tiềm năng thực sự với những dự án quy mô lớn, quỹ đất sạch.
Ông Nguyễn Anh Khoa : Theo quan sát của tôi, nhà đầu tư nên lưu ý đến mục tiêu tăng trưởng, kế hoạch lợi nhuận mà doanh nghiệp đề ra trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Mỗi doanh nghiệp đều có một cái "key-chìa khoá" riêng trong hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư chỉ cần bám sát và hiểu rõ điều đó là có thể dự phóng khái quát về tiềm năng tăng trưởng của mã cổ phiếu mình đang nắm giữ.
Dòng tiền sẽ hướng về nhóm cổ phiếu nào trong tuần sau thưa chuyên gia?
Ông Bùi Văn Huy : Dù sẽ là rất khó khăn và ít người chịu nhìn nhận, nhưng có một điều có xác suất cao là các nhóm ngành hút tiền trong thời gian qua sẽ tiếp tục hút tiền. Đương nhiên sẽ có những nhịp điều chỉnh, tuy nhiên xu hướng chung của các nhóm ngành đó là đi lên. Tôi cho rằng nhóm cổ phiếu vẫn hút được dòng tiền trong thời gian tới là bất động sản, bán lẻ, cảng biển, cổ phiếu hàng hóa…
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Dòng tiền sẽ hướng vào những cổ phiếu nào có định giá thấp. So với nhiều nhóm ngành đã tăng quá mạnh, tôi cho rằng nhóm ngân hàng, chứng khoán và tài nguyên cơ bản sẽ có cơ hội hút dòng tiền trong tuần sau.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Về xu hướng của tuần tới, tôi nhận định dòng tiền có thể tiếp tục hướng tới nhóm cổ phiếu hàng hóa đang được hưởng lợi do giá thế giới neo ở mức cao như thép, thủy sản và phân bón,…
Nhóm ngành đầu tư công cũng có nhiều tiềm năng khi đã có các thông tin về việc bổ sung 46.912 tỷ đồng cho dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông (giai đoạn 2021-2025) của bộ GTVT. Ngoài ra nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng cần được lưu ý khi các kế hoạch tăng vốn đang dần được hé lộ.