Góc nhìn chuyên gia: Các cặp đôi khi đã về chung một nhà nên hay không nên hợp nhất tài khoản ngân hàng?
Tiền bạc luôn là một chủ để nhạy cảm, cũng là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến những cuộc tranh cãi giữa hai vợ chồng. Việc lựa chọn giữ tiền cho riêng mình hay hợp nhất tài chính là một quyết định quan trọng ảnh hưởng sâu sắc đến sự hạnh phúc của cuộc hôn nhân.
Tiền bạc là một trong những tác nhân gây ra những căng thẳng trong mối quan hệ. Theo một cuộc khảo sát của Viện Kế toán Công chứng Hoa Kỳ (American Institute of Certified Public Accountant) chỉ ra rằng tiền bạc là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến những cuộc tranh cãi giữa hai vợ chồng. Khi nói về tiền bạc, một câu hỏi lớn được đặt ra: Liệu vợ chồng nên hợp nhất tài chính, hay tách riêng? Bài viết này sẽ đi sâu tìm hiểu vấn đề này theo góc nhìn của các chuyên gia.
Vào những năm 1970 và 1980, việc các cặp vợ chồng không có quỹ chung hoặc không gửi lương vào tài khoản chung được cho là điều xấu, gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và của cuộc hôn nhân đó.
Một nghiên cứu của đại học Cornell về “hợp nhất tài chính và sự hài lòng trong mối quan hệ” đã tìm hiểu về việc các cặp vợ chồng hợp nhất thu nhập của họ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hay không. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những cặp đôi cùng tích lũy tiền có nhiều khả năng ở lại với nhau hơn. Emily Garbinsky, phó giáo sư về truyền thông tiếp thị và quản lý tại Đại học Cornell, đồng tác giả của nghiên cứu cùng nhận định: “Các cặp vợ chồng hợp nhất tài chính ít có khả năng chia tay hơn các cặp đôi độc lập tiền bạc”.
Trong một khảo sát trực tuyến của CreditCards, 43% người được hỏi đồng tình với ý kiến "vợ chồng đã kết hôn nên hợp nhất tài sản".
Ưu điểm của các cặp vợ chồng hợp nhất tất cả tiền của họ có cảm giác thống nhất, không còn là “của anh” hay “của tôi” mà trở thành “của chúng ta”. Nói cách khác, sự thống nhất về tài chính có thể giúp các cặp đôi vượt qua được những thăng trầm trong hôn nhân.Trên thực tế, nghiên cứu chỉ ra rằng các cặp vợ chồng hợp nhất thu nhập thường hài lòng hơn với mối quan hệ của họ và kết quả này đặc biệt rõ ràng đối với các cặp vợ chồng có thu nhập thấp.
Cassie Mogilner Holmes, giáo sư tại Trường Quản lý Anderson của UCLA và là đồng tác giả của một nghiên cứu gần đây về chủ đề này, chia sẻ rằng cá nhân cô ấy đã quyết định hợp nhất phần lớn thu nhập của mình với chồng sau khi làm nghiên cứu này. “Nó thúc đẩy sự chia sẻ giữa hai vợ chồng. Đây có thể coi là một quyết định quan trọng ảnh hưởng đến sự gặp kết trong mối quan hệ”.
Nhưng tiêu chuẩn về quản lý tài chính trong gia đình đang dần thay đổi, tỷ lệ vợ hoặc chồng giữ lại một phần tiền lương tăng lên trong những thập kỷ gần đây. Nguyên nhân là do con người có xu hướng kết hôn muộn và hình thành thói quen quản lý tài chính độc lập.
Tuy nhiên, một nhược điểm thường được báo cáo của việc đưa toàn bộ thu nhập vào tài khoản chung là các cặp đôi đôi khi đặt câu hỏi về các quyết định chi tiêu của nhau — liệu “chúng ta” có thực sự cần chi tiền cho việc đó không? Giữ các quỹ hoàn toàn tách biệt sẽ bảo toàn quyền tự chủ tài chính mà nhiều người mong muốn và đã quen như khi còn độc thân.
Kết quả khảo sát gần 4.000 người Mỹ với câu hỏi "liệu vợ chồng có nên hợp nhất tiền lương hay không", trên tạp chí Hôn nhân và gia đình năm 2016, chia thành hai luồng ý kiến. 50% đồng tình, trong khi nửa còn lại cho rằng nên chia thành tiền riêng và tiền chung cho cả gia đình.
Một điều cần lưu tâm trong việc hợp nhất tài chính là ta luôn cần phải nhìn rõ về khả năng một mối quan hệ có thể kết thúc. Điều này không nhất thiết thể hiện sự thiếu cam kết mà chỉ đơn thuần là nhận thức rằng chia tay sẽ xảy ra. Vậy nên việc có sự riêng biệt về tài chính trong trường hợp này là hoàn toàn có cơ sở và nên được áp dụng. Katharine Silbaugh, giáo sư luật tại Đại học Boston, chỉ ra rằng việc có tài khoản cá nhân “không có nghĩa là khi ly hôn, cũng không có nghĩa là mỗi người sẽ bỏ đi với các tài khoản riêng của mình”. Việc duy trì các tài khoản riêng biệt không phải là dấu hiệu của sự thiếu tin tưởng. Thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Việc cho phép bạn đời của bạn duy trì sự độc lập về tài chính thể hiện bạn hoàn toàn tin tưởng người đó sẽ giấu bạn điều gì và hai người có thể cùng nhau đóng góp có trách nhiệm vào cuộc sống tài chính của chung và của riêng.
Paco de Leon, tác giả của cuốn "Tài chính cho mọi người" nói: "Bạn đời không nhất thiết phải minh bạch và khai báo mọi khoản chi tiêu với đối phương để giữ sự riêng tư và yếu tố bất ngờ".
Đây cũng là điều mà Farnoosh Torabi, biên tập viên tài chính của trang web công nghệ tiêu dùng CNET, khuyến nghị cặp đôi đã hoặc chưa kết hôn nên áp dụng.
Nhìn theo cách này, sự khác biệt giữa cách chi tiêu có vẻ nhỏ hơn, bởi vì các cặp vợ chồng có thể tùy chỉnh từng thỏa thuận bằng cách chia sẻ tài khoản nhưng thêm một dòng chi tiêu không cần phán xét vào ngân sách của họ để mỗi người có thể thoát khỏi cảm giác tội lỗi về tài khoản chung- riêng.
Tuỳ từng hoàn cảch và quan điểm sống, mỗi cặp vợ chồng sẽ có những lựa chọn khác nhau về việc hợp nhất tài chính hoặc riêng biệt, cho dù đó là sự hợp nhất hoàn toàn, hợp nhất một phần hay hoàn toàn riêng biệt. Torabi nhấn mạnh rằng, với bất kỳ sự sắp xếp nào, các cặp vợ chồng nên tập trung vào việc đảm bảo rằng mỗi người đều có quyền kiểm soát được tiền của họ. Ngoài ra, dù các cặp đôi đưa ra lựa chọn nào, thì họ cũng nên có một lựa chọn phù hợp với cách họ nghĩ về sự độc lập và gắn bó với nhau.
Nguồn: CNBC, Forbes, Atlantics
Yến Trang
Theo Trí Thức Trẻ