Góc nhìn chuyên gia: Áp lực sẽ nhiều hơn nhưng chưa có tín hiệu gì xấu cho đà phục hồi trong ngắn hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam
Trong tuần mới, ông Đạt cho rằng, sẽ rất khó khăn để thị trường có nhịp kéo dài liên tiếp. Sau các nhịp hồi phục nhanh và hưng phấn sẽ là các phiên quay về kiểm chứng hỗ trợ. Dự báo trong tuần tới chỉ số VN-Index sẽ dao động trong biên độ 1.230 điểm đến 1.265 điểm.
VN-Index sẽ quay về kiểm chứng ngưỡng hỗ trợ trong biên độ 1.230 - 1.265 điểm
Theo đánh giá của ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC, đà tăng của chỉ số hay sự vận động của nhóm cổ phiếu trụ như Ngân hàng trong tuần qua là ấn tượng, nhưng yếu tố bản lề nhất có thể giúp đà hồi phục kéo dài lại nằm ở yếu tố thanh khoản. Sự cải thiện của chỉ số sau khi vượt ấn tượng qua mốc 1.200 điểm đã kích hoạt dòng tiền nằm chờ đợi trên tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước quay trở lại thị trường. Trong bối cảnh thị trường Việt Nam đang chiết khấu 15% so với PE trung bình trong quá khứ, thanh khoản cao là tín hiệu tích cực khi trở thành động lực thúc đẩy khiến mặt bằng giá quay về giá trị nội tại nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên các yếu tố giúp làm gia tăng mặt bằng thanh khoản lại mang nhiều yếu tố thời điểm ngắn hạn, trong khi thiếu đi những lực đẩy thực sự giúp dòng tiền đầu tư và đầu cơ dồi dào trong dài hạn như nới room tín dụng toàn ngành hay các chính sách nới lỏng khác. "Chặng đường trở lại mức thanh khoản tỷ đô sẽ còn cần mức cải thiện thêm 50%, và được dự báo chưa thể xuất hiện ngay trong tháng 8" , vị chuyên gia này cho hay.
Với bản chất của nhịp hồi phục hiện tại là đến từ tình trạng quá bán diện rộng kích thích dòng tiền tham gia bắt đáy ở nhóm cổ phiếu chiết khấu sâu, cộng thêm thiếu vắng dòng tiền hưng phấn tham gia mua đuổi, ông Đạt cho rằng nhóm cổ phiếu mới bắt đầu hồi phục và còn nhiều dư địa hồi phục kỹ thuật sẽ hấp dẫn hơn.
Những phiên vừa qua, dòng tiền đã chảy nhanh qua nhóm bluechips và midcap, kéo theo đó là 90% số mã trong hai nhóm này đang nằm trên đường trung bình 20 phiên. Trong khi đó smallcap và penny hiện chỉ có 50% số mã đang trong xu hướng tăng ngắn hạn, và dự báo sẽ là điểm đến mới của dòng tiền trong tuần tới. Thậm chí dòng tiền có thể thử sức ở một số cổ phiếu đầu cơ đang tích lũy chặt trong 1-2 tuần vừa qua, dù đây không phải là sự vận động lành mạnh có đóng góp tích cực cho đà phục hồi của thị trường.
Nhận định về diễn biến mua ròng của khối ngoại trên TTCK trong thời gian qua, ông Đạt đánh giá bản thân thị trường Việt Nam cũng ở mặt bằng định giá rẻ với P/E dự phóng cho toàn thị trường trong năm 2023 chỉ đạt 11 lần, do đó đủ hấp dẫn với dòng vốn nước ngoài. Một lý do khác là Fed sẽ hạn chế đà tăng lãi suất để giảm sức ảnh hưởng của chính sách thắt chặt lên nền kinh tế, làm giảm sức mạnh của đồng USD và từ đó có thể giúp gia tăng hiệu quả đầu tư ở các thị trường như Việt Nam.
Về rủi ro, nỗi lo về suy thoái kinh tế thế giới sẽ chỉ ảnh hưởng đáng kể nhất đối với thị trường Việt Nam tại nhóm cổ phiếu ngành xuất nhập khẩu và cảng biển - logistic. Vị chuyên gia đến từ DSC cho rằng tăng trưởng xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì trong quý 3 khi tăng trưởng của các đơn hàng xuất khẩu mới vẫn được ghi nhận dẫu vậy tăng trưởng liên quan đến ngành xuất khẩu có thể bắt đầu suy giảm kể từ quý 4/2022 khi nhu cầu từ các đối tác thương mại chính của Việt Nam sẽ suy giảm đặc biệt là Mỹ và khu vực Eurozone.
Áp lực chốt lời xuất hiện nhiều hơn nhưng chưa có tín hiệu gì xấu cho đà phục hồi trong ngắn hạn.
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), không thể phủ nhận sự phục hồi tích cực trong tuần qua của thị trường chứng khoán Việt Nam khi tăng mạnh về cả chỉ số và thanh khoản. Sau khi vượt kháng cự quan trọng quanh 1.220 điểm (quanh đường MA50), dòng tiền đứng ngoài đã mạnh dạn đổ vào thị trường khiến chỉ số bứt phá nhanh. Hiện kháng cự gần nhất của chỉ số VN-Index là quanh 1.260 điểm và hỗ trợ xa hơn quanh vùng 1.300 điểm (vùng đỉnh phục hồi tháng Năm).
Nhìn rộng ra, đà phục hồi hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam là đồng pha với sự phục hồi ngắn hạn của thị trường thế giới. Tuy nhiên, trong tuần tới, đà phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu có thể chậm lại. Vị chuyên gia đến từ HSC cho rằng lực chốt lời sẽ nhiều hơn ở các ngưỡng cản phía trên, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chưa có tín hiệu gì xấu cho đà phục hồi trong ngắn hạn.
Xét về thanh khoản, sự phục hồi trong những phiên gần đây đương nhiên là một dấu hiệu rất tốt. Tuy nhiên, ông Huy cho rằng thị trường không có dòng tiền mới đổ vào, chủ yếu chỉ là nhà đầu tư đứng ngoài đã dần sốt ruột và xuống tiền, ngoài ra là sử dụng margin trở lại. Những nguyên nhân cho việc thanh khoản suy giảm như việc siết chặt thị trường trái phiếu, dòng tiền trở lại sản xuất kinh doanh hay rút ra vì bối cảnh thị trường xấu đi hầu như chưa thay đổi.
Theo ông Huy, thanh khoản tăng ở một tốc độ vừa phải sẽ tốt hơn cho thị trường, còn tăng ở một tốc độ nhanh quá, dễ xảy ra hiện tượng phân phối.Thanh khoản duy trì quanh quanh mức hiện tại và dưới 20.000 tỷ đồng/phiên sẽ là lý tưởng. Đến cuối tháng 8, chu kỳ thanh toán mới sẽ được áp dụng, tất nhiên thanh khoản sẽ được cải thiện. Khi đó ông Huy kỳ vọng thanh khoản sẽ cải thiện 10-15% so với quy định trước vì nhà đầu tư được bán sớm từ chiều ngày T+2.
Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư vẫn cần lưu ý không nên mua đuổi và không nên tham gia các cổ phiếu đã dần về trạng thái quá mua. Thay vào đó, nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu có gần nền tích lũy để giảm thiểu rủi ro kể ra khi thị trường quay đầu. Cá nhân ông Huy quan sát thấy thị trường vẫn lan tỏa đều và nhiều nhóm cổ phiếu duy trì tích cực. Cơ hội vẫn hiện hữu khi bối cảnh bên ngoài chưa chuyển hướng tiêu cực và dòng tiền trong nước chưa đạt ngưỡng.
Đánh giá về diễn biến các nhóm cổ phiếu riêng biệt, tuần qua thị trường phục hồi cùng thanh khoản được cải thiện đã khiến các cổ phiếu chứng khoán dễ dàng hút tiền. Đa phần các cổ phiếu chứng khoán đều giảm 60-70% từ đỉnh nên càng dễ phục hồi nhanh. Ông Huy nhấn mạnh đặc biệt rất nhạy của nhóm cổ phiếu này với diễn biến thị trường chung, do đó nhà đầu tư tham gia cần bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước.
Tại nhóm cổ phiếu thép, đơn giản là nhịp hồi vừa qua của thị trường lan tỏa tốt, các ngách chưa được lan tỏa đến cuối cùng cũng tăng giá. Thêm vào đó, giá thép thế giới tăng nhẹ cũng là chất xúc tác khiến cổ phiếu thép có cầu bắt đáy mạnh. Triển vọng thị trường hàng hóa nói chung trong nửa cuối năm 2022 là khó đoán trước bối cảnh FED vẫn đang tăng nhanh lãi suất và viễn cảnh rủi ro suy thoái.
Nhìn vào diễn các cổ phiếu Ngân hàng, ông Huy đánh giá có thể thấy rõ sự phân hóa. Gần đây Ngân Hàng Nhà Nước có động thái cứng rắn về room tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên cơ hội vẫn có với một số ngân hàng cụ thể. Ông Huy nhận định nhóm cổ phiếu Ngân hàng quốc doanh đang diễn biến tích cực hơn nhờ lượng cổ phiếu bên ngoài ít & kỳ vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh tích cực hơn mặt bằng chung trong năm nay.
Hoàn toàn có thể trông đợi vào những phiên giao dịch tỷ đô trong thời gian tới
Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco, dòng tiền từ khối tổ chức và khối ngoại đã hỗ trợ đáng kể vào nhịp tăng gần đây của chỉ số, khi trong tuần có 4/5 phiên các nhà đầu tư này mua ròng với giá trị bình quân 300-400 tỷ đồng mỗi phiên. Lực cầu từ các nhà đầu tư lớn là sự hỗ trợ tích cực cho đà phục hồi của chỉ số và giúp VN-Index lấy lại xu hướng tăng giá trung hạn trong tuần qua. Như vậy có thể cho rằng VN-Index đã tạo đáy tại vùng 1.140-1.150 điểm và xu hướng phục hồi sẽ được duy trì trong những tuần kế tiếp. Mặc dù vậy, ông Khoa nhận thấy chỉ số đang bắt đầu bước vào vùng kháng cự ngắn hạn, và có thể VN-Index sẽ cần thêm thời gian để hấp thụ lượng cung cổ phiếu tại đây. Do vậy, diễn biến của chỉ số trong tuần tới sẽ là xu hướng tăng giá trong biên độ hẹp trong vùng từ 1.240-1.280 điểm.
Theo quan điểm của vị chuyên gia này, thời gian tới hoàn toàn có thể trông đợi vào các phiên có giá trị tỷ đô. Điều này nhờ nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình tăng trưởng và sẽ hỗ trợ tích cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tới. Hệ thống KRX mới dự kiến sẽ vận hành trong thời gian ngắn sắp tới sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển lâu dài của thị trường. Việc giảm thời gian thanh toán bù trừ xuống T+1,5 dự kiến từ cuối tháng 8 này cũng có thể hỗ trợ thanh khoản thị trường. Hiện số tài khoản chứng khoán hiện mới chỉ chiếm hơn 6% dân số, vẫn là mức thấp nếu so với các thị trường đã phát triển như Đài Loan hay Hồng Kông. Khi số lượng tài khoản tăng lên, nhu cầu giao dịch cũng sẽ có xu hướng tăng và hỗ trợ thanh khoản thị trường.
Diễn biến mua ròng của khối ngoại trong các tuần gần đây có thể tới từ việc thị trường đã có nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng 5 và tháng 6 đã khiến nhiều cổ phiếu chiết khấu về mức định giá hấp dẫn, trong khi triển vọng tăng trưởng trong trung-dài hạn tương đối khả quan. Tỷ giá USD/VND đang có xu hướng tăng lên, dẫn tới khả năng chuyển đổi được nhiều đồng VND hơn và khối ngoại có thể gia tăng số lượng cổ phiếu cần mua. Trước mắt, việc khối ngoại mua ròng trong 11/13 phiên gần nhất, đi kèm diễn biến thanh khoản tuần qua đã tiếp tục cải thiện gần 40% so với tuần trước đó, là một tín hiệu hỗ trợ khá tích cực tới chỉ số.
Theo ông Khoa, diễn biến cổ phiếu trong tuần tới vẫn sẽ bám sát dòng tiền của các nhà đầu tư lớn. Tuần vừa qua, ngành ngân hàng, chứng khoán hay bất động sản là các nhóm được họ mua ròng khá lớn, và dư địa tăng trưởng của các nhóm ngành này trong nửa cuối năm nay vẫn còn, vì vậy nhà đầu tư có thể tích luỹ các cổ phiếu này ở các nhịp điều chỉnh.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể theo dõi một số nhóm ngành có yếu tố phòng vệ lạm phát trong giai đoạn này như nhóm dầu khí, điện nước hay bảo hiểm.
Xét về yếu tố rủi ro, mặc dù, suy thoái kinh tế khả năng sẽ xảy ra tại Mỹ và các nước châu Âu nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng ảnh hưởng sẽ không lớn. Điều này là nhờ kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, lạm phát 6 tháng đầu năm vẫn ở mức kiểm soát của Chính phủ, dự trữ ngoại hối ổn định so với các quốc gia trong khu vực. Nhiều tổ chức kinh tế lớn như WB hay HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 5,5% - 6,5% lên mức 5,8% - 6,9%.
Bên cạnh đó, theo nhiều nghiên cứu thống kê của Forbes hay CFRA Research, thị trường chứng khoán thường điều chỉnh trước khi suy thoái xảy ra và chạm đáy trước khi kết thúc. Do đó, khi nền kinh tế rơi vào suy thoái thì đây thường là thời điểm tốt để nhà đầu tư có thể theo dõi và tích luỹ với các cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt.