Góc nhìn 06/12: Dần đi vào giai đoạn tích lũy?
Theo nhận định của SHS, thị trường dù vận động tích cực nhưng sẽ dần đi vào giai đoạn tích lũy lại trước khi có thể hình thành sóng uptrend mới, SHS dự báo VN-Index sẽ vận động trong kênh 1,000-1,150 điểm và tạo ra khu vực tích lũy rộng.
BÀI CẬP NHẬT
Góc nhìn 06/12: Dần đi vào giai đoạn tích lũy?
Chinh phục kháng cự 1,150 điểm
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) : VN-Index phiên 05/12 hình thành cây nến Doji ở vùng giá 1,100 điểm cho thấy sự lưỡng lự của nhà đầu tư sau một đà hồi phục dài. Tuy nhiên, tâm lý thị trường nhìn chung vẫn tích cực và chỉ số sẽ có thể trở về chinh phục vùng kháng cự 1,150 điểm.
Tăng điểm từ từ
CTCK Tân Việt (TVSI) : VN-Index kết phiên 05/12 với cây nến Doji nhưng vẫn tăng điểm cho thấy mặc dù đà tăng vẫn chiếm ưu thế nhưng đã phần nào đã cho tín hiệu chậm lại. Điều này khá hợp lý khi VN-Index đã tiến vào vùng kháng cự dải bolingerband trên duy trì từ vùng giá trị 1,070 điểm đổ lên. Đà tăng của thị trường vẫn đang rất mạnh mẽ nhưng TVSI dự báo rằng sẽ chậm lại kể từ phiên 05/12 với các nhịp điều chỉnh ngắn sẽ diễn ra ngay trong phiên giao dịch.
Với việc nhiều nhóm ngành vẫn chưa hồi phục đủ biên độ để tiến về vùng cân bằng, TVSI cho rằng thị trường sẽ tăng điểm từ từ cho đến khi chạm mốc kháng cự 1,130 điểm.
Dần đi vào giai đoạn tích lũy
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) : SHS đánh giá thị trường hồi phục mạnh trong tuần trước và phiên đầu tuần này tiếp tục tích cực là tín hiệu thuyết phục xác nhận VN-Index đã qua đáy ngắn hạn, kết thúc downtrend để chuyển trạng thái vận động theo xu hướng tích cực hơn (tích lũy thêm và chờ thời cơ tạo uptrend mới).
Tuy nhiên việc thị trường hồi phục mạnh giai đoạn hiện tại vẫn mang tính kỹ thuật là đợt hồi phục mạnh đầu tiên sau downtrend chứ chưa xác nhận có thể hình thành ngay uptrend mới, và do đó thị trường sẽ phải đối diện với các ngưỡng cản tiếp theo trong quá trình hồi phục hiện tại, trước mắt là ngưỡng 1,150 điểm, đây là ngưỡng kháng cự mạnh cần phải chú ý đặc biệt (trước khả năng điều chỉnh) khi VN-Index đang gần tiệm cận ngưỡng kháng cự này .
Theo luồng nội dung phân tích và nhận định của SHS, thị trường đã bước vào giai đoạn vận động tích cực nhưng trước mắt sẽ cần tích lũy lại và tìm khu vực cân bằng và chưa thể xác nhận uptrend sớm, mặc dù cơ hội đầu tư đã mở ra nhưng thị trường cần có những giai đoạn điều chỉnh và tích lũy thêm, do đó nhà đầu tư không nên quá hưng phấn giải ngân trong các phiên tăng để tránh rủi ro bị vướng vào các vùng điều chỉnh. Chiến thuật giải ngân nên kiên nhẫn chờ đợi các đợt điều chỉnh, mục tiêu giải ngân nên hướng tới nắm giữ trung hạn và lựa chọn các cổ phiếu có nền tảng cơ bản và đà tăng trưởng tốt bị bán quá đà trong giai đoạn downtrend vừa qua.
Hướng lên mốc 1,130 điểm
CTCK Vietcombank (VCBS) : VN-Index tiếp nối mạch phục hồi, vượt lên trên khu vực 1,090 điểm. Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên tạo nến Spinning top cho thấy sự lưỡng lự của nhà đầu tư khi VN-Index tiếp cận 1,100 điểm. Tại khung đồ thị giờ, chỉ báo RSI và MACD đều đang có dấu hiệu tạo đỉnh thứ 2 cho thấy việc rung lắc là có thể xảy ra. Tuy nhiên 2 chỉ báo này ở khung đồ thị ngày vẫn đang hướng lên tích cực cho thấy VN-Index sẽ tiếp tục hướng lên các vùng điểm phía trên và gần nhất là mốc 1,130 điểm.
Giằng co
CTCK Asean (Aseansc) : Aseansc cho rằng xu hướng tăng trong ngắn hạn vẫn đang được duy trì, tuy nhiên, áp lực rung lắc có thể xuất hiện trong phiên tới khi thị trường đã có chuỗi phiên tăng điểm khá mạnh. Aseansc dự báo trong phiên giao dịch tới, chỉ số VN-Index có thể giao dịch giằng co trong phiên sáng giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1,080-1,090 điểm, và lực bán tại vùng kháng cự 1,100-1,110 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Rung lắc
CTCK Tiên Phong (TPS) : VN-Index tiếp tục tăng điểm cùng khối lượng giao dịch duy trì ở mức cao (trên mức trung bình 20 phiên gần nhất) chứng tỏ nhịp tăng ngắn hạn này vẫn đang được dòng tiền ủng hộ. Với xu hướng hồi phục hiện tại tại, đường SMA 100 ngày đang là kháng cự gần nhất mà chỉ số hướng đến. Tại đây có sự hiện diện của cả trendline giảm bắt đầu từ tháng 04/2022 và ngưỡng Fibonacci Retracement 61.8% cho thấy đây là mức cản đáng lưu ý. Vì vậy, chỉ số nhiều khả năng sẽ xuất hiện rung lắc khi tiến gần đây.
... Tiếp tục cập nhật
Khang Di