Góc nhìn 05/04: Giằng co?
CTCK BIDV (BSC): Trong những phiên giao dịch 05/04, VN-Index có thể tiếp tục giằng co tại vùng 1,075-1,080.
Góc nhìn 05/04: Giằng co?
Trong phiên giao dịch 05/04, BSC nhận định rằng VN-Index có thể tiếp tục giằng co tại vùng 1,075-1,080.
Kháng cự ngắn hạn 1,100 điểm
CTCK Đông Á (DAS) : VN-Index đang tiếp cận vùng kháng cự ngắn hạn ở 1,100 điểm, với dòng tiền tham gia tích cực thị trường có thể vượt các ngưỡng kháng cự ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể quan tâm nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, ngành xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng.
Giằng co tại 1,075-1,080
Ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1,065 điểm
CTCK KB Việt Nam (KBSV) : VN-Index trải qua một nhịp rung lắc giằng co trong biên độ hẹp với các nhịp tăng giảm đan xen. Áp lực chốt lời gia tăng quanh ngưỡng cản gần 1,070 đã khiến cho đà tăng tích cực của chỉ số có phần suy yếu.
Mặc dù cơ hội mở rộng nhịp tăng điểm và hướng lên vùng đích kỳ vọng kế tiếp quanh 1,100 điểm vẫn đang chiếm ưu thế, nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn biến rung lắc trong các phiên tiếp theo nhằm thiết lập một mặt bằng giá vững chãi hơn với ngưỡng hỗ trợ gần được đặt quanh 1,065.
Nhà đầu tư được khuyến nghị gia tăng tỷ trọng trading khi chỉ số về quanh hỗ trợ gần.
Tiếp tục giằng co
CTCK Asean (Aseansc) : Dự báo trong phiên giao dịch 05/04, sự giằng co có thể sẽ diễn ra trong phiên sáng giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1,070 – 1,075 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1,080 – 1,085 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Hướng tới khu vực đỉnh cũ quanh 1,090 – 1,100.
CTCK Vietcombank (VCBS) : Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên 04/04 tạo nến đỏ giảm điểm nhẹ thể hiện áp lực chốt lời ngắn hạn. Tại khung đồ thị giờ, các chỉ báo đã suy yếu và cho tín hiệu tạo đỉnh đầu tiên, sự rung lắc có thể sẽ diễn ra mạnh hơn trong các phiên tới.
Tuy nhiên, tại khung đồ thị ngày, cả 2 chỉ báo MACD và RSI mới chỉ đang suy yếu dần và có thể mất một số phiên để tạo đỉnh đầu tiên, nên xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn sẽ có sự phân hóa, tăng - giảm đan xen và nhiều khả năng là đi lên “zigzag” hướng tới khu vực đỉnh cũ quanh 1,090 – 1,100.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư bám sát thị trường, tận dụng những nhịp rung lắc mạnh để gia tăng tỷ trọng đối với các nhóm ngành đang thu hút lực cầu tốt như bất động sản, chứng khoán, bán lẻ.
Có sự điều chỉnh?
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) : Về xu hướng trung - dài hạn, VN-Index đã tạo đáy dài hạn vào tháng 11/2022 và quá trình hồi phục bắt đầu từ thời điểm đó. Sau khi tạo đáy dài hạn xu hướng hồi phục sẽ có tính chất tích lũy rộng với từng bước sóng có đáy cao dần và đỉnh là ngưỡng kháng cự quanh 1,150 điểm, các bước sóng sau có biên độ hẹp và chặt chẽ dần và khối lượng cạn kiệt.
VN-Index sẽ tích lũy chặt chẽ khi đang vận động dưới 1,150 và khi chỉ số này tiệm cận 1,150 có thể kỳ vọng sẽ tiếp tục bùng nổ vượt lên để tạo nên một chu kỳ uptrend mới (kèm theo các điều kiện vĩ mô thuận lợi). SHS nhận định xu hướng hiện mang tính chất tích lũy sẽ còn tiếp tục kéo dài trước khi thị trường có thể tạo ra một xu hướng (uptrend) thực sự mạnh mẽ.
Các nhà đầu tư ngắn hạn giai đoạn này có thể giải ngân đón đầu sóng hồi, sau phiên đi ngang hôm nay (04/04), có thể thị trường sẽ điều chỉnh ngắn hạn trong thời gian tới và tạo cơ hội cho nhà đầu tư ngắn hạn giải ngân thêm. Mục tiêu của chỉ số VN-Index hướng tới có thể là vùng kháng cự ngắn hạn 1,150 hoặc cao hơn theo kênh tăng.
Thị trường hiện tại vẫn phù hợp cho mục tiêu giải ngân đầu tư nắm giữ trung - dài hạn (đón đầu giai đoạn bùng nổ sau tích lũy), mục tiêu giải ngân đầu tư trung - dài hạn nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Chiến lược giải ngân trung - dài hạn nên là giải ngân dần trong các giai đoạn thị trường điều chỉnh giảm.
Kha Nguyễn