Góc kinh tế học: Người tiêu dùng có thực sự được lợi nếu sử dụng thẻ tích điểm tại các cửa hàng?

Chia sẻ Facebook
28/05/2022 01:15:32

Việc các cửa hàng áp dụng hệ thống tích điểm cho khách hàng ngày càng trở nên thông dụng. Sau khi khách hàng mua một sản phẩm, "điểm" sẽ được tích và có thể sử dụng để giảm giá vào những lần mua sau. Nhưng thực sự khách hàng có được lời như họ nghĩ?

Theo ông Yuichiro Itakura, một doanh nhân gạo cội của Nhật Bản, giữa việc trả đúng số tiền cho sản phẩm mà không tích điểm so với việc mua sắm ở cửa hàng đó nhiều lần để tích điểm và lần mua sau sẽ dùng điểm tích lũy để mua sản phẩm, thì đương nhiên việc không tích điểm, mua lần nào trả tiền lần đó đương nhiên sẽ được lợi hơn.

Ông lý giải, bản chất của việc tích điểm đó là người tiêu dùng trả tiền mặt cho một cửa hàng để mua "điểm" - thứ chỉ có thể được dùng tại cửa hàng đó. Nếu dùng thuật ngữ kinh tế, việc tích điểm có nghĩa là khách hàng sẽ trả tiền mặt cho cửa hàng để làm bằng chứng, và phía cửa hàng sẽ đưa cho khách hàng một thứ gần giống như trái phiếu.

Nghĩa là, các cửa hàng đang vay vốn không lãi suất từ các khách hàng của mình, và có thể không phải trả nợ nếu quá một khoảng thời gian nhất định. Bằng chứng là trong "điểm" không hề có lãi suất, và khi "điểm" tích lũy hết hạn sử dụng, đồng nghĩa với việc cửa hàng sẽ được "xóa nợ".

Có thể thấy, việc tích điểm hoàn toàn tương tự với hình thức trả trước. Bởi lẽ, giá trị của sản phẩm đã bao gồm cả phí trả trước khi khách hàng tích điểm trong hệ thống. Đối với doanh nghiệp, đây là một chiến lược "một mũi tên trúng hai đích", khi vừa có thể giữ chân được khách hàng, vừa có thể tạo được một nguồn vốn đầu tư không phải trả lãi suất.

Đầu tiên, cửa hàng sẽ sử dụng hệ thống tích điểm để lôi kéo khách hàng tích thật nhiều điểm. Một khi khách hàng bắt đầu tích điểm, họ sẽ thường xuyên quay lại cửa hàng đó, đồng nghĩa với việc cửa hàng có thể nhận được "khoản cho vay" từ khách hàng.

Về phía khách hàng, những người này thường sẽ cảm thấy rất vui vì tích lũy được "điểm". Vì thế, một khi đã bắt đầu tích lũy, họ sẽ thường cố gắng không tiêu mà tiếp tục tích điểm. Đến khi đã tích một lượng điểm đủ nhiều, khách hàng sẽ nghĩ rằng mình đã được lời nếu chọn sản phẩm đắt tiền và trả bằng "điểm".

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, suy nghĩ này hoàn toàn là một sự nhầm lẫn. Bởi lẽ, việc khách hàng chọn sản phẩm đắt tiền và trả bằng "điểm" sau một thời gian tích lũy giống như việc khách hàng nhận lại số tiền đã cho cửa hàng vay dưới hình thức là một sản phẩm. Nhờ vậy mà tất cả tiền lãi sẽ đều rơi vào cửa hàng.

Ông Yuichiro Itakura chia sẻ, cách thông minh nhất khi sử dụng hệ thống tích điểm đó là trong mỗi lần mua sắm, khách hàng hãy cố gắng để cho số điểm tích lũy ở mức thấp nhất.

"Giả sử, lúc bạn mua một sản phẩm đắt tiền và một sản phẩm rẻ hơn. Đầu tiên hãy mua một sản phẩm đắt tiền ngay lúc đó, và lập tức dùng điểm vừa tích để mua sản phẩm rẻ hơn. Khi bạn làm vậy chính là đã rút ngắn thời gian bạn cho cửa hàng vay vốn không lãi suất", vị chuyên gia gợi ý.


Theo Giang Anh

Trí Thức Trẻ

Chia sẻ Facebook