Gỡ khó cho tôm hùm bông đang bị "ách tắc" sang Trung Quốc
Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 95 triệu USD (giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022).
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường tôm hùm
Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Việt Nam có trên 1 triệu km2 diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế, trong khi đó diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta đạt hơn 256.000 ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn; năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn.
Đặc biệt, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam, như hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…
Đáng chú ý từ tháng 8 đến nay, Trung Quốc đưa ra quy định mới khiến việc xuất khẩu bị ách tắc. Theo đó, Trung Quốc yêu cầu tôm hùm bông phải có chứng minh quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế́ hệ F2).
Trao đổi với VOV, ông Lê Bền, Phó chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, từ câu chuyện ách tôm hùm bông xuất khẩu có thể thấy rằng, yêu cầu của thị trường thế giới ngày càng cao. Hàng hóa không chỉ phải đáp ứng được các đòi hỏi của khách hàng về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ mà một số thị trường đang hướng tới yêu cầu kê khai phát thải, những sản phẩm phát phải lượng khí thải nhà kính lớn sẽ bị đánh thuế rất cao. Ông Lê Bền nhấn mạnh, nếu các doanh nghiệp không chuẩn bị từ bây giờ chắc chắn chúng ta sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Còn theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, để giải bài toán phát triển vùng nguyên liệu nuôi biển bền vững, doanh nghiệp cần xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ với các HTX sản xuất theo hình thức doanh nghiệp lo đầu ra sản phẩm, cơ sở nuôi (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ liên kết…) lo sản xuất nguyên liệu. Cả hai bên cùng phải đồng hành, kiểm soát lẫn nhau để đảm bảo được số lượng, chất lượng sản phẩm và thông tin truy xuất.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị cần tổ chức thực hiện, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 về phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường tôm hùm, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong thời gian chờ phía Trung Quốc cung cấp thông tin, biểu mẫu đăng ký mới, Cục Thủy sản phối hợp các địa phương tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị tôm hùm thực hiện nghiêm quy định của Luật Thuỷ sản năm 2017.
Cụ thể là điều kiện về nuôi trồng thuỷ sản; xác nhận đăng ký nuôi lồng bè; cấp phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển; xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc từ nuôi trồng đối với tôm hùm bông nuôi.
Sau khi phía Trung Quốc cung cấp đủ thông tin và biểu mẫu đăng ký mới, tổ chức thực hiện rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các quy định của Việt Nam và Trung Quốc chuyển Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường để gửi cho phía Trung Quốc.
Nhắc lại Chiến lược phát triển kinh tế biển, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh yêu cầu chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững... mục tiêu đưa nghề cá trở nên bền bỉ trong phấn đấu, hiện đại trong sản xuất, nâng tầm trong hội nhập và tăng tốc trong xuất khẩu.
Trung Quốc chiếm tới 99% thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam
Theo báo Công Thương, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) thông tin, hiện nay, tôm hùm xanh và tôm hùm bông là các đối tượng tôm hùm xuất khẩu chính. Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam, Trung Quốc chiếm 98 - 99%; các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan chiếm 1 - 2%.
Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, biện pháp quản lý tôm hùm được Trung Quốc thay đổi năm 2023, định nghĩa tôm hùm nuôi là phải bắt nguồn từ con giống F2.
Không chỉ khó khăn về thị trường, theo các chuyên gia, tôm hùm giống đang phụ thuộc nhiều vào nguồn tôm nhập khẩu từ Indonesia, Philippines, Myanmar, Sri Lanka, Singapore. Năm 2022, số lượng con giống nhập về là 81 triệu con; 6 tháng đầu năm 2023, con số này là 59 triệu.
Tuy nhiên, ngành tôm hùm gặp một số khó khăn như một số nước cấm xuất khẩu nên nguồn cung thiếu ổn định; tháng 7/2023, ngành chức năng phát hiện 5 lô tôm giống nhập khẩu từ Malaysia nhiễm bệnh đốm trắng gây ra do virus - WSSV.
Thức ăn cho tôm hùm hoàn toàn là đồ tươi sống, gồm các loài cá tạp, ốc bươu vàng, nhuyễn thể, cua ghẹ… đối với lồng nuôi sử dụng, điều này gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.
Bên cạnh đó, nguồn cung thức ăn cho tôm hùm cũng không ổn định, khó kiểm soát nguồn cung cấp. Trong khi đó, thức ăn công nghiệp chỉ phục vụ nuôi tôm trong bể; chưa phù hợp nuôi lồng biển. Dù thức ăn công nghiệp giúp kiểm soát được dịch bệnh, môi trường song mới chỉ có thể triển khai được ở quy mô nhỏ.
Trước đây, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo, hết năm 2023 xuất khẩu tôm dừng lại ở mức 3 tỷ USD đã là thành công. Con số này thấp hơn so với kế hoạch mà ngành thủy sản đặt ra cho mặt hàng tôm xuất khẩu trong năm nay là trên 4,3 tỷ USD, theo Kinh tế & Đô thị.
Về phía các doanh nghiệp, hiện cũng đang nỗ lực mạnh sản xuất, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, mở rộng thêm thị trường như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tuy nhiên, để gia tăng xuất khẩu trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cũng kiến nghị cần sự hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng, nâng cấp máy móc trang thiết bị, phục vụ nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Trúc Chi (t/h)