Giữa Thủ đô, hàng trăm cư dân sống ngay nhà mình mà như người vô gia cư ở chui
Bỏ tiền tỷ ra mua căn hộ sống đã hơn 4 năm nhưng nhiều người dân ở chung cư Mỹ Sơn phải chấp nhận sống trong bất ổn khi tòa nhà vẫn chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, điều kiện sinh hoạt tồi tệ
Bức xúc nhiều vấn đề, cư dân căng băng rôn
Phản ánh tới PV Infonet, ông Hoàng Văn Chính, Phó Ban liên lạc lâm thời chung cư Mỹ Sơn cho biết, ông và nhiều người khác đã vay mượn cho đủ số tiền khoảng 2 tỷ đồng mua một căn hộ tại dự án chung cư Mỹ Sơn (62 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) từ năm 2014. Mặc dù đã đóng tiền cho chủ đầu tư tới 90% giá trị căn hộ, nhưng dự án lại chậm bàn giao 2 năm nên ông và nhiều cư dân khác không thể có tiền đi thuê nhà mãi được nên dù dự án chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, các chủ căn hộ vẫn phải vào ở.
Theo ông Chính, đến nay, sau hơn 4 năm về ở, dự án cũng vẫn trong tình trạng chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.
Một số hạng mục công trình còn chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư đã cho nhiều công ty bên ngoài thuê làm văn phòng. Với khoảng hơn 2.000 người đến làm việc ở các tầng văn phòng, đời sống của cư dân bị ảnh hưởng, điện quá tải, tầng hầm chật chội, thiếu chỗ để xe…
Đặc biệt, điện sinh hoạt không ổn định, khiến người dân khổ sở giữa mùa hè nóng nực.
“Đã 3-4 năm nay, cứ đến mùa hè là cư dân Mỹ Sơn lại đối mặt với việc thiếu điện. Từ 9h sáng đến 18h tối liên tục mất điện, thậm chí 22h đêm khi các gia đình đi ngủ vẫn xảy ra tình trạng mất điện. Chủ đầu tư cắt điện luân phiên 2 tiếng mỗi tòa A, B và khối cho thuê văn phòng… Điện chập chờn nên các thiết bị điều hòa, tủ lạnh hư hỏng. Cư dân đã phản ánh tới chủ đầu tư một số lần nhưng không có gì thay đổi với lý do tòa nhà chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nên điện lực không đóng điện chính thức cho tòa nhà”, ông Chính cho hay.
Ông Chính cũng cho biết, tình trạng các thang máy ở tòa nhà thường xuyên bị hỏng do không được bảo trì thường xuyên; thang máy hay bị dừng hoạt động, mất nhiều thời gian chờ thang, có lúc cư dân phải đi thang bộ.
“Chúng tôi mua nhà, đã đóng tiền 5 năm nay, để vào ở chúng tôi phải đóng đến 98% giá trị căn hộ nhưng hiện vẫn chưa nhận được hóa đơn VAT của Công ty xuất cho người mua căn hộ. Chúng tôi cũng đã có công văn chính thức gửi chủ đầu tư nhưng họ cũng không hứa ngày nào sẽ trả hóa đơn cho chúng tôi.
Với nhiều vấn đề bức xúc nên hôm nay chúng tôi mới phải căng băng rôn để đòi quyền lợi, mong chủ đầu tư phải hoàn thiện phòng cháy chữa cháy sớm nhất, cải thiện tình trạng thang máy và trả hóa đơn VAT đã thu tiền mua nhà của cư dân”, ông Chính nói.
Một cư dân ở căn hộ gần 60m2 cũng rất bức xúc khi kể các cháu của bà không được đi học đúng tuyến do không được đăng ký hộ khẩu.
“Có nhà ở ngay giữa Thủ đô mà sống như người vô gia cư. Điện, nước không được đáp ứng đầy đủ, nay dọa cắt điện, mai dọa cắt nước không những thế mà còn phải trả giá cao do không được ký mua trực tiếp với ngành điện, phải mua qua chủ đầu tư.
Thậm chí, có những ngày cả 3 thang máy của một tòa nhà đều không hoạt động, có lúc thang máy đang đi mất điện giữa chừng, rồi rơi tự do… có những ngày đi làm về mất gần 1 tiếng đồng hồ không lên được tới nhà mình”, cư dân này nói.
Chị Hoàng Hồng, chủ một căn hộ đã đến ở tại chung cư Mỹ Sơn từ ngày đầu năm 2018 cũng bức xúc: “Lúc cao điểm nắng nóng điện luôn bị cắt, cắt cả hành lang và thang máy, cả tòa chung cư chỉ để một thang máy hoạt động. Có những lúc chờ thang máy 20 phút mới đi được xuống tầng 1. Cứ 5 phút điện lại nhảy aptomat một lần, 5 phút lại cắt điện, 5 phút sau lại có điện, trời càng nắng nóng càng bị mất liên tục.
Thời gian giãn cách do dịch bệnh năm ngoái, gia đình nào cũng phải tích trữ thức ăn nhưng điện chập chờn, thực phẩm bị hỏng hết. Năm nay, tiếp tục có thông báo cắt điện luân phiên và các cư dân không chấp nhận, nhất là khi thời tiết nắng nóng thế này”.
Do chưa được đấu nối điện trực tiếp, phải mua qua chủ đầu tư nên người dân cũng phải trả theo các mức cao hơn giá điện thông thường, mức giá thấp nhất là gần 1.700 đồng/kWh và cao nhất gần 3.000 đồng/kWh.
Chị Hồng cho biết, điện dùng theo giá của chủ đầu tư, không hiểu sao dù mùa đông hay mùa hè, cả nhà chị chỉ có 4 người nhưng tiền điện luôn ở mức cao, trên 2 triệu đồng/tháng.
“Đặc biệt, mỗi lần đổ rác, các cư dân phải xách từng túi rác vào thang máy để xuống tầng 1 đổ, rất mất vệ sinh”, chị Hồng phản ánh.
Chủ đầu tư đang tiến hành lắp đặt bổ sung thiết bị?
Phó Ban liên lạc lâm thời chung cư Mỹ Sơn Hoàng Văn Chính cho biết, các cư dân cũng đã gửi đơn thư đi khắp các ban ngành như UBND TP Hà Nội, Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân… nhưng mới đây nhất cũng chỉ nhận được văn bản trả lời của UBND quận Thanh Xuân, nội dung trả lời rất chung chung.
Theo văn bản trả lời kiến nghị công dân của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị (UBND quận Thanh Xuân) vào ngày 16/5/2022, trong đó có vấn đề phòng cháy chữa cháy, đơn vị này cho biết, ngày 10/6/2019, Công an quận Thanh Xuân phối hợp với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, UBND phường Thanh Xuân Trung kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính với hành vi “đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy”.
Ngày 18/7/2019, Công an TP ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty CP Đầu tư và xuất nhập khẩu Mỹ Sơn với hành vi trên số tiền 80 triệu đồng và biện pháp khắc phục hậu quả buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về PCCC.
Ngày 30/8/2019, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội ban hành quyết định đình chỉ hoạt động đối với công trình.
“Hiện nay, chủ đầu tư đang tiến hành lắp đặt bổ sung thiết bị, rà soát hồ sơ theo yêu cầu, hướng dẫn của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội, tuy nhiên tiến độ còn chậm. Đồng thời, đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ đầu tư chấp hành nghiêm theo quyết định của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội về đình chỉ hoạt động đối với công trình”, văn bản trả lời cư dân của UBND quận Thanh Xuân nêu.
Với việc để cư dân vào ăn ở, sinh hoạt tại công trình khi chưa được nghiệm thu, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã thiết lập hồ sơ và tham mưu UBND quận ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, số tiền 75 triệu đồng và chủ đầu tư đã nộp phạt.
Đồng thời, Đội cũng phối hợp với phường Thanh Xuân Trung yêu cầu chủ đầu tư không được đưa công trình vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu để đảm bảo an toàn; khuyến cáo các hộ dân không ăn ở, sinh hoạt tại tòa nhà…
Còn với việc cho thuê các tầng thương mại, chủ đầu tư trình bày do thiếu kinh phí để vận hành tòa nhà khi chưa thu được phí dịch vụ của cư dân nên đã cho thuê một phần diện tích để có kinh phí hoạt động.
Để có thông thêm thông tin từ chủ đầu tư, PV Infonet đã tới văn phòng Công ty Cổ phần Đầu tư và xuất nhập khẩu Mỹ Sơn tại tầng L của tòa nhà Mỹ Sơn Tower, tuy nhiên, sáng đầu tuần mà văn phòng trong tình trạng tắt đèn, cửa đóng, then cài.
Minh Thư