Giữa “rừng” fintech về thanh toán, vì sao Visa và Mastercard vẫn đứng vững?
Thế giới hiện có 332 kỳ lân fintech, theo cổng thông tin doanh nghiệp nhỏ Fintech Labs.
Giữa “rừng” fintech về thanh toán, vì sao Visa và Mastercard vẫn đứng vững?
Trong đó, nổi bật là những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính trị giá hàng tỷ USD chuyên xử lý giao dịch thanh toán trên khắp thế giới. Những công ty này chiếm 8 trong danh sách 10 công ty hàng đầu của Fintech Labs, gồm PayPal, Ant, Stripe, Shopify, Adyen, Block (trước đây là Square), Checkout.com và Afterpay.
Động lực chính của sự bùng nổ này là việc tiền mặt đang giảm đều đặn ở tất cả nền kinh tế lớn trên thế giới, kèm theo đà phát triển nhanh chóng của hình thức thanh toán số. Theo nhà cung cấp dữ liệu Merchant Machine, các nền kinh tế số hóa nhất thế giới, bao gồm Thụy Điển, Singapore, Vương quốc Anh và Đan Mạch, hiện chỉ có 1% giao dịch thanh toán là bằng tiền mặt.
Các “đế chế” lâu đời trong thế giới thanh toán vẫn phát triển mạnh
Không chỉ có fintech, các “gã khổng lồ” công nghệ và ngân hàng lâu đời của thế giới cũng tham gia xử lý giao dịch thanh toán bằng các dịch vụ mới. Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ: không giống như việc Kodak bị giết chết bởi sự ra đời của máy ảnh kỹ thuật số hay việc Blockbuster sụp đổ khi dịch vụ chiếu phim trực tuyến lên ngôi thay cho dịch vụ thuê video, các “đế chế” lâu đời trong thế giới thanh toán vẫn phát triển mạnh.
Tháng 10/2022, Visa công bố thu nhập ròng hàng năm đạt 15 tỷ USD , tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cổ phiếu của cả Visa và Mastercard đều đang giao dịch ở gần mức cao kỷ lục. Tổng vốn hoá thị trường của cả hai “đế chế” này là 765 tỷ USD , không thay đổi trong năm qua, ngay cả khi thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm mạnh kể từ đầu năm 2022. Trớ trêu là, đối thủ của họ, dù lớn hay nhỏ, lại là những người chịu thiệt hại nhiều hơn trong thời kỳ hỗn loạn vừa qua của thị trường tài chính.
Lời giải thích rất đơn giản: về cơ bản, ngay cả những fintech thông minh nhất cũng không làm gián đoạn thị trường, họ chỉ đơn thuần là đưa mình vào cấu trúc thanh toán hiện có. Họ có thể giúp cuộc sống của người tiêu dùng hay người bán hàng trở nên tiện lợi hơn với quá trình xử lý phía sau nhanh hơn hay hệ thống POS mượt mà hơn. Nhưng họ không gây tổn hại tới Visa hay Mastercard bởi đây là hai hệ thống thanh toán điện tử mà gần như tất cả họ đều dựa vào.
Hai công ty phát hành thẻ lâu đời này có vẻ đã sẵn sàng cho một kịch bản gián đoạn. Song mạng lưới hoạt động ở khắp mọi nơi trên thế giới của Visa và Mastercard khiến các đối thủ tiềm năng hoặc không thể xây dựng hoặc nhận thấy không đủ hấp dẫn về mặt kinh tế để xây dựng mạng lưới mới cho riêng họ.
Tình thế sau này liệu có thay đổi?
Giữa làn sóng đổi mới điên cuồng của fintech, câu hỏi lớn được đặt ra là: Liệu tình thế này sau này có thay đổi không? Có 5 lý do để nghĩ là có thể.
Đầu tiên là Twitter. Hiện tại, có vẻ như Elon Musk đang thổi phồng mạng xã hội mà ông vừa mua lại với giá 44 tỷ USD . Tuy nhiên, Musk đang là tổng giám đốc của một loạt doanh nghiệp đang đi đầu trong một số lĩnh vực lớn, từ ô tô điện cho tới tên lửa. Với tư cách là một trong những nhà sáng lập ban đầu của PayPal, ông từ lâu đã tìm cách thay đổi thế giới thanh toán và gần đây, vị tỷ phú đã vạch ra kế hoạch biến Twitter thành một công cụ thanh toán.
Thứ hai là tiền điện tử. Ý tưởng sử dụng tiền điện tử để thực hiện các giao dịch thanh toán chính thống nghe có vẻ kỳ quặc, đặc biệt là từ sau sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX. Tuy nhiên, một số dịch vụ cốt lõi lại đang dựa trên tiền điện tử. Ripple sử dụng tiền xu và blockchain để xử lý giao dịch thanh toán xuyên biên giới một cách nhanh chóng và rẻ tiền cho các khách hàng là ngân hàng. Ripple tin chắc rằng công nghệ này là chìa khoá để xoá bỏ những cơ chế thanh toán lâu đời với chi phí cao.
Thứ ba là Alipay. Trung Quốc là một trong số ít thị trường không bị Visa và Mastercard khuất phục. Trong khi đó, mạng lưới thẻ tín dụng do nhà nước sở hữu, UnionPay, lại kém phát triển hơn nhiều. Điều đó mang lại cơ hội cho các công ty fintech tư nhân như Alipay hay WeChat để phát triển hệ thống thanh toán số của riêng mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và thế giới trở nên căng thẳng, tham vọng mở rộng ra nước ngoài của Alipay có thể gặp trở ngại.
Thứ tư là Apple. Trong số tất cả công ty công nghệ lớn, Apple dường như có tham vọng lớn nhất trong lĩnh vực thanh toán và tài chính. Ngoài ví Apple Pay, Táo Khuyết cũng cung cấp thẻ tín dụng kết hợp với ngân hàng Goldman Sachs, và gần đây là mạo hiểm tham gia mô hình “mua ngay, trả sau” với việc sử dụng chính bảng cân đối kế toán của họ. Một số người tin rằng Apple có thể xây dựng một dịch vụ tương tự như Alipay trong tương lai.
Cuối cùng là JPMorgan . Các ngân hàng lớn dường như chưa bao giờ là người muốn “phá đám” các công ty phát hành thẻ lớn. Họ kiếm được hàng tỷ USD mỗi năm từ phí trao đổi. Tuy nhiên, JPMorgan đã gây ra bất đồng nội bộ khi theo đuổi kế hoạch phát triển một công ty thanh toán qua ngân hàng, cho phép chuyển khoản ngân hàng dễ dàng hơn. Giai đoạn thứ hai của kế hoạch này là thực hiện các giao dịch thanh toán siêu nhỏ trong thế giới metaverse.
Trong bối cảnh thế giới thanh toán số ngày càng phát triển trong những năm gần đây, cơ hội xảy ra “khoảnh khắc Kodak” đối với Visa hay Mastercard cũng tăng dần.
Kim Dung (Theo FT)