Giữa ‘bão giá’ thành thị, làm sao để mua được nhà thành phố?

Chia sẻ Facebook
06/05/2022 21:53:41

Với mong muốn “an cư lạc nghiệp”, nhiều người quê ở tỉnh lên thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM,… luôn cố gắng để mua được nhà. Với thu nhập không quá cao, họ cố gắng tiết kiệm nhất để thực hiện ước mơ đó.

Giữa ‘bão giá’ thành thị, làm sao để mua được nhà thành phố?

Từ trước đến nay nhiều người vẫn hay trăn trở với câu hỏi: “Làm sao để mua được nhà?”. Với nhiều người, việc mua nhà chưa bao giờ là điều dễ dàng. Việc tính toán thu nhập và chi tiêu hợp lý để có một khoản tiền tiết kiệm là việc cần thiết. Ngoài ra, việc các ngân hàng hỗ trợ cho vay cũng giúp nhiều người thực hiện ước mơ mua nhà an cư.


Mua nhà từng là ước mơ xa vời

Sau khi tốt nghiệp Đại học, anh T.M.K (31 tuổi, quê ở Hưng Yên) ở lại Hà Nội làm việc với ý định gắn bó thủ đô lâu dài. Hơn chục năm thuê nhà trọ anh luôn mong muốn có nhà riêng để cuộc sống trở nên thoải mái, ổn định.


Cách đây 5 tháng, anh quyết định mua một căn chung cư rộng khoảng 90m 2 với giá 26 triệu đồng/m 2 . Sau khi dồn tiền tích góp và vay ngân hàng tổng tiền anh mua nhà hết hơn 2,3 tỷ đồng. Anh mua nhà ở Q.Bắc Từ Liêm nên giá “mềm” hơn so với những quận trung tâm thành phố.

“Tôi đi làm cứ tích góp vậy nhưng chưa dám mua sớm vì chưa đủ tài chính, trong khi việc vay nợ sẽ áp lực lớn đến cuộc sống. Mãi đến năm ngoài khi tình hình dịch căng thẳng, lúc đó biết đến khu chung cư này có giá hợp lý, phù hợp với tầm tiền mà tôi xoay xở được nên quyết định tham khảo”, anh cho biết.

Nhà chung cư luôn được nhiều người lựa chọn ở thời điểm hiện tại. NVCC

Anh chia sẻ, những năm gần đây giá nhà tăng nhanh nên anh mua càng sớm càng tốt. Sau khi suy nghĩ kỹ càng, anh tìm đến ngân hàng để bàn về các phương án tài chính. Khi được ngân hàng chấp thuận, anh tiến hàng đặt cọc và sang tên căn chung cư đó.

Anh quyết định chỉ vay ngân hàng một nửa vì theo các lời khuyên nếu vay quá 50% tổng giá trị căn nhà, áp lực trả nợ sẽ rất lớn. Anh kéo dài thời gian vay lên 30 năm để số tiền trả gốc và lãi hàng tháng ở mức thấp, để không quá ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Vì được ân hạn nợ gốc năm đầu nên tiền lãi anh vay khoảng 7%/tháng (khoảng 7 triệu đồng).

Anh K. vừa tích góp vừa vay ngân hàng để mua nhà. NVCC

“Sau đó tôi thấy quyết định của mình khá đúng đắn vì chỉ sau 5 tháng, giá căn hộ đã tăng lên 30 triệu đồng/m2. Nếu mua muộn tôi phải mất thêm mấy trăm triệu nữa. Từ năm thứ 2 trở đi, tôi phải đóng cả gốc lẫn lãi sẽ dao động khoảng 10 – 12 triệu đồng/tháng. Thủ tục vay khá đơn giản, tôi vay ở ngân hàng tư nhân nên được tư vấn, hỗ trợ tốt hơn”, anh nói.

Hiện giờ, anh sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn để dành tiền trả ngân hàng. Mua được nhà sau nhiều năm tích góp, anh có thêm nhiều động lực để làm việc, an tâm trong tư tưởng.


Có thêm động lực làm việc sau mua nhà


Chị Nguyễn Ánh Liên (35 tuổi, ở Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang làm kế toán cho một công ty thuốc. Hiện tại, mức thu nhập của vợ chồng chị khoảng 25 triệu đồng/tháng. Chị mua được nhà chung cư cách đây 2 năm với mức giá 2,1 tỷ đồng. Căn chung cư có diện tích 60m 2 , cách trung tâm thành phố khoảng 10km.

Chung cư có ban công giúp nhiều gia đình có không gian sống thoáng dù không nhà không phải ở mặt đất. NVCC

Chị Liên cho biết, vợ chồng chị khi cưới nhau được gia đình 2 bên cho một khoản tiền vốn khoảng 700 triệu đồng. Vì chưa đủ nên vợ chồng chị vay ngân hàng thêm 1,2 tỷ đồng và vay anh em, bạn bè khoảng 200 triệu đồng. Mức thu nhập hàng tháng của vợ chồng chị khoảng 25 triệu đồng/tháng. Trừ chi tiêu hằng ngày và lo tiền học cho con, chị cố gắng tiết kiệm 12 triệu đồng/tháng để trả tiền cho ngân hàng.

"Tôi luôn nghĩ hai vợ chồng sống với bố mẹ cũng được nhưng hai con nhà tôi đều lớn rồi (bé lớp 6, bé lớp 3) cần có không gian riêng nên phải quyết tâm mua nhà. Cũng may tôi có bố mẹ hai bên hỗ trợ một phần, giờ cứ chi tiêu chắt bóp để trả tiền nợ. Giờ có nhà ở riêng là mừng rồi với yên tâm hơn rồi”.

Nhiều người mong muốn "an cư lạc nghiệp" khi mua nhà. NVCC


Chị Trần Như Hải Yến (33 tuổi, quê ở Vĩnh Long) hiện đang sinh sống và làm việc ở TP.HCM . Năm 2014, sau khi kết hôn, vợ chồng chị lập kế hoạch mua nhà sau khoảng thời gian dài ở nhà thuê.

Vợ chồng chị Yến sẽ cố gắng tiết kiệm để trả nợ tiền mua nhà. NVCC

Sau khi cưới, tiền mừng cưới có khoảng 800 triệu đồng, vợ chồng chị quyết định bỏ vào sổ tiết kiệm chung. Sau khi về sống chung, mỗi tháng vợ chồng chị tiết kiệm gần 10 triệu đồng/tháng, tích góp như vậy nên vợ chồng chị có thêm khoảng 600 triệu đồng sau sau hơn 6 năm cưới nhau.

“Tháng 4 năm ngoái, do tình hình dịch căng thẳng, lệnh giãn cách xã hội ban hành, ở nhà thuê chật chội, không thoải mái, tôi quyết định đi tìm nhà. Tôi tìm những căn có giá khoảng 2,2 tỷ đồng để phù hợp với mức chi trả của hai vợ chồng”, chị nói.


Vợ chồng chị mua căn nhà ở Q.12 với diện tích mặt sàn là 28m 2 và lên 2 lầu. Thời điểm đó, chị đặt cọc trước 30 triệu đồng làm phí giữ chỗ và liên hệ ngân hàng vay 50%, khoảng 1,3 tỷ đồng. Chị vay trong vòng 20 năm với lãi suất ưu đãi nhân viên mỗi tháng là 4,8%, tương đương 6,3 triệu đồng/tháng nên có thể xoay xở được.

“May mắn chồng làm ngân hàng nên có suất ưu đãi cho vay với nhân viên tiền lãi cũng nhẹ. Vợ chồng cắt giảm chi tiêu, trước đây một năm đi chơi xa 2 lần nhưng giờ giảm đi chơi, ăn uống các quán sang trọng và tìm thêm công việc ngoài giờ để làm thêm. Mua được nhà tôi mừng lắm. Việc kéo dài thời gian trả sẽ giảm đi gánh nặng mỗi tháng của hai vợ chồng. Từ khi dọn vào nhà mới, cuộc sống vợ chồng tôi thoải mái hơn”, chị chia sẻ.

Ngân Trần


Thanh niên

Chia sẻ Facebook