Giữ vững ''phòng tuyến'' chống lạm phát, tạo động lực cho thị trường
Kiểm soát tốt rổ hàng hóa nội địa và giữ vững “phòng tuyến” tỷ giá được cho là hai yếu tố chính giúp Việt Nam vẫn duy trì được lạm phát ở dưới mức mục tiêu. Tuy nhiên, nhiệm vụ chống lạm phát sẽ thêm thách thức khi mức mục tiêu vừa được điều chỉnh tăng lên 4.5%.
Giữ vững ''phòng tuyến'' chống lạm phát, tạo động lực cho thị trường
Lạm phát 2022 vẫn dưới mức mục tiêu
Lạm phát hiện vẫn là chủ đề được quan tâm trên toàn cầu, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đang vất vả tăng lãi suất để kiểm soát, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, đến nay lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức kiểm soát được, dưới 4%, không chịu áp lực tăng mạnh như một số các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 10 chỉ số CPI của Việt Nam vào khoảng 4.3% so với cùng kỳ, và tăng bình quân 2.9% trong 10 tháng đầu năm.
“Lạm phát toàn cầu được kỳ vọng trong khoảng 8-10%, còn tại Việt Nam con số kỳ vọng là 4%. Chúng ta vẫn sẽ đạt mục tiêu dưới 4% do Chính phủ đề ra năm nay, điều này cho thấy Việt Nam đã làm khá tốt so với thế giới”, ông Tyler Cheung, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán ACB ( ACBS ), đánh giá.
Đại diện ACBS cho biết một lý do quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát là nhờ khả năng tự cung về nguồn lương thực, từ đó giúp cho rổ hàng hoá lương thực thực phẩm, thành phần chiếm khoảng 1/3 chỉ số lạm phát, tránh khỏi ảnh hưởng lạm phát từ nhập khẩu.
“Về cơ bản, chúng ta không bị ảnh hưởng bởi đồng đô la Mỹ mạnh nhiều như các quốc gia nhập khẩu, do chúng ta sản xuất lương thực trong nước và chúng ta xuất siêu rất nhiều các mặt hàng nông sản. Việt Nam tránh được rủi ro lạm phát từ khía cạnh này”, ông Tyler bình luận.
Trong khi đó, đà tăng giá của nhóm vật liệu xây dựng (nhóm hàng hóa lớn thứ 2 trong rổ CPI và chiếm tỷ trọng khoảng 20%), đã có sự chậm lại dưới tác động của việc tăng lãi suất đồng loạt trên toàn cầu, cũng như lĩnh vực bất động sản có xu hướng đi xuống, giá các loại sắt thép đã giảm mạnh sau khoảng thời gian tăng cao hồi đầu năm.
Một câu chuyện khác là về yếu tố giá năng lượng, Việt Nam cũng ít bị ảnh hưởng hơn. Khu vực châu Âu đối mặt với lạm phát vì nguồn cung năng lượng giảm trong bối cảnh cuộc xâm lấn Ukraine của Nga và các lệnh trừng phạt, nhưng Việt Nam thì không đối diện với câu chuyện này.
Dù vậy, giá xăng dầu trong nước tăng cao và vẫn là nhóm tạo áp lực lớn nhất lên chỉ số lạm phát. Điểm tích cực là Chính phủ đã kiểm soát tốt, giải pháp trước tiên là giảm thuế xăng dầu nhằm giảm giá xăng trong nước, giảm áp lực cho người dân.
“Với 3 nhóm hàng lớn nhất trong rổ CPI , nhìn chung Việt Nam đều kiểm soát tốt nên chúng ta sẽ không thấy rủi ro quá lớn đối với CPI và lạm phát như tại các nền kinh tế lớn khác trên thế giới”, ông Tyler bình luận.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu tăng cao ở một số mặt hàng khi giá thế giới tăng cao. “Lạm phát chi phí đẩy là một trong những nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao tại Việt Nam hiện nay”, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học UEH, bình luận.
Một lý do khác giúp lạm phát được kiểm soát là việc duy trì sự ổn định của tỷ giá. Theo ông Huân, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu, nếu không giữ tỷ giá thì chi phí nguyên vật liệu đầu vào sẽ tăng và gây ra lạm phát chi phí đẩy trong nước.
Còn theo ông Trịnh Viết Hoàng Minh, Chuyên viên phân tích vĩ mô, Công ty chứng khoán ACB , việc giữ ổn định tỷ giá còn có điểm lợi vì xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là khối doanh nghiệp FDI, tỷ giá ổn định đồng nghĩa với việc bình ổn được chi phí sản xuất, giảm bớt tác động của rủi ro tỷ giá.
“Tỷ giá là phòng tuyến cuối cùng để kiểm soát và bình ổn giá cả trong nước. Do đó vì sao chúng ta có thể thấy Ngân hàng Nhà nước cố gắng giữ tỷ giá tương đối ổn định trong thời gian qua”, ông Huân nhận định.
Điều này cũng lý giải vì sao Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt. Từ cuối tháng 9 đến nay, cơ quan quản lý đã hai lần tăng mạnh lãi suất điều hành với tổng mức tăng lên đến 200 điểm phần trăm, từ đó góp phần giữ lạm phát kỳ vọng ở mức thấp.
Áp lực tăng trong năm sau
Theo dự báo của ACBS , lạm phát cho cả năm 2022 được dự báo quanh mức 3.2-3.6%, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu. Từ nay đến cuối năm, áp lực lạm phát không quá lớn, trong bối cảnh thị trường chưa xuất hiện thêm yếu tố nào khiến rủi ro lạm phát tăng cao hơn những gì đang diễn ra.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong năm sau vẫn còn lớn. Điều này có thể thấy qua con số mục tiêu lạm phát năm 2023 vừa được nâng lên mức 4.5%.
Theo ông Minh, áp lực lạm phát vẫn sẽ đến từ câu chuyện chi phí đẩy sẽ xuất hiện rõ hơn trong năm sau, dù có thể không tăng đột biến nữa nhưng vẫn sẽ giữ ở mức cao. Ngoài ra, các gói hỗ trợ nền kinh tế hay các gói đầu tư công chưa giải ngân xong cũng sẽ là yếu tố gây áp lực kỳ vọng lạm phát của người dân, ông Minh phân tích.
Còn theo ông Huân, năm sau có vấn đề quan trọng cần chú ý là tăng lương cơ sở. “Trong lịch sử thì khi Việt Nam tăng lương cơ sở cũng thường kéo theo lạm phát”, ông Huân bình luận.
Đi cùng đó, thị trường quốc tế còn nhiều yếu tố bất định, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều rủi ro và bất ổn trong năm sau. “Có nhiều biến số mà chúng ta không dự báo được, ảnh hưởng phần nào không chỉ lạm phát mà còn là bức tranh tăng trưởng kinh tế trong năm sau”, ông Huân nhìn nhận.
Một câu chuyện khác ảnh hưởng đến kỳ vọng lạm phát trong năm sau là môi trường mặt bằng lãi suất cao. Điều này còn phụ thuộc vào lạm phát toàn cầu, đặc biệt là từ Mỹ vì liên quan đến khả năng tăng lãi suất đồng đô la.
Dự kiến mức lãi suất Fed tăng lên có thể cao nhất lên mức 5%/năm vào giữa năm 2023 và có thể duy trì mặt bằng lãi suất kéo dài trong năm 2024. “Câu hỏi là việc duy trì lãi suất có thể kéo dài đến bao lâu?”, ông Minh đặt vấn đề.
Dù vậy, về tổng thể, nhóm phân tích từ ACBS vẫn tỏ ra lạc quan về kỳ vọng lạm phát trong năm sau. “Chúng ta sẽ nhìn thấy lạm phát tăng nhẹ nhưng một lần nữa, với việc giá xăng trong nước đã hạ nhiệt, cùng với việc nhiều khả năng áp lực lạm phát tại một số các nền kinh tế lớn cũng hạ nhiệt trong thời gian tới, tôi không nghĩ áp lực về lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 là quá lớn, ông Tyler nói.
Đại diện ACBS cũng cho rằng cần phải tiếp tục quan sát diễn biến của đô la Mỹ. Nếu Fed vẫn tiếp tục thắt chặt quyết liệt thì Việt Nam có thể sẽ có những động thái tương tự trong năm sau.
Khi đó, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với tăng trưởng lợi nhuận chậm lại do chi phí vốn tăng cao, hoặc người tiêu dùng sẽ bị giảm sức mua, hoặc kết hợp cả hai. Thị trường chứng khoán vì thế có thể sẽ bớt hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác.
“Nhà đầu tư có thể tạm chuyển qua các kênh đầu tư khác với lợi suất cao hơn như tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi… Chúng ta sẽ có thể thấy dòng vốn tạm thời rút ra khỏi thị trường chứng khoán và quay trở lại khi thị trường thuận lợi hơn”, ông Tyler bình luận thêm.
Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, tuy nhiên ông Huân cho rằng “trong nguy luôn có cơ hội”. Theo đó, trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng, thì các doanh nghiệp vượt qua được sẽ có cơ hội tạo đột phá, bứt xa hơn so với giai đoạn bình thường.
Còn đại diện ACBS cho rằng thị trường Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong trung và dài hạn vì tăng trưởng GDP vẫn duy trì ở mức cao, sẽ là chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, cũng như dòng vốn đầu tư nước ngoài dài hạn chảy vào Việt Nam vẫn rất mạnh.
Hiện nay, định giá thị trường về mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ qua, chỉ số P/E ở mức khoảng 9.5 lần lợi nhuận. “Khó có thể nói thời điểm chính xác thị trường tạo đáy, nhưng với mức định giá thấp này, các nhà đầu tư dài hạn có thể tìm thấy cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp tốt, có bộ máy quản trị tốt, sức khỏe tài chính tốt, triển vọng tăng trưởng cao trong thời gian tới với mức định giá thấp”, ông Tyler kết luận.