Giữ nhịp sản xuất cuối năm
Chấp nhận những đơn hàng kiểu "lấy công làm lời" là giải pháp nhiều doanh nghiệp áp dụng trong bối cảnh hiện nay.
Tăng tốc chuẩn bị hàng Tết
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán, đây là thời điểm các doanh nghiệp bước vào cao điểm sản xuất để bảo đảm đơn hàng, cũng như đón đầu nhu cầu tiêu dùng cuối năm của người dân. Tuy nhiên bối cảnh năm nay, với nhiều yếu tố tác động, việc giữ nhịp sản xuất, đang là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp.
Đơn cử như đối với các doanh nghiệp ngành thực phẩm, dù được dự báo nhu cầu tiêu thụ hàng hoá Tết sẽ tăng khoảng 30%, nhưng trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng thì làm sao để giữ giá hàng hoá phù hợp với khả năng chi tiêu của người dân đang là bài toán nhiều doanh nghiệp phải tính đến.
Ông Trần Sỹ Trực, Chủ tịch HĐTV Richy - Hoàng Mai cho biết công ty có kế hoạch dài hạn nên nguồn nguyên liệu rất cạnh tranh so với những đơn vị mua phát sinh. Theo tính toán, giá nguyên liệu nhập khẩu đã tăng ít nhất 30%, nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn chỉ tăng từ 3-15% cho thực phẩm Tết, thậm chí nhiều mặt hàng được cam kết giữ nguyên giá.
Còn theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, đơn vị đã chuẩn bị gấp 3 lần nguồn hàng để đảm bảo nguồn hàng đến tay bà con, cam kết kiểm soát chất lượng, xuất xứ. Liên kết, tạo những chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, gắn với những chương trình lớn của cả nước như cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.
Để đảm bảo ổn định giá cả và đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm tăng cao dịp cuối năm, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, đã có phương án phối hợp các cơ sở, ban ngành nhằm cắt giảm các chi phí trung gian, hợp tác cùng các hệ thống ngân hàng nhằm hỗ trợ lãi suất trong các chương trình bình ổn giá, giúp doanh nghiệp tiết chế sự gia tăng giá cả.
Dự báo năm nay hàng hóa bình ổn tại thị trường TP.HCM vẫn đáp ứng khoảng 43% nhu cầu thị trường. Các DN kỳ vọng, mùa sản xuất hàng hóa Tết năm nay sẽ đạt tăng trưởng 20-30% so với năm trước.
Nhiều giải pháp hỗ trợ giữ nhịp sản xuất
Còn đối với các doanh nghiệp hàng xuất khẩu, đây cũng thời điểm để tăng tốc sản xuất hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên năm nay, nhiều nhà máy đang phải giảm công suất, vắng bóng công nhân, do những khó khăn về đầu ra từ các thị trường chủ lực. Để giữ nhịp sản xuất, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, nhiều địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp để hỗ trợ.
Dự báo nhu cầu thị trường xuất khẩu hàng may mặc đến giữa năm sau sẽ giảm 30%, có doanh nghiệp đã thực hiện giải pháp không cắt giảm lao động mà cắt giảm thời gian sản xuất. Bên cạnh đó là tập trung tìm kiếm những đơn hàng tuy có số lượng ít nhưng đòi hỏi chất lượng cao, tận dụng lợi thế về công nghệ để có biên lợi nhuận tốt hơn.
Một số doanh nghiệp khác thì chủ động tìm kiếm khách mua ở những thị trường mới như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đông Nam Á. Chấp nhận những đơn hàng kiểu "lấy công làm lời", nhưng ít nhất là vẫn duy trì được hoạt động sản xuất.
"Đơn hàng nhỏ, lời rất ít vẫn nhận. Trước đây, công ty còn lựa chọn đơn hàng giá trị cao vì đơn hàng nhiều. Song hiện để ổn định công việc cho người lao động, công ty buộc phải chọn đơn hàng lời rất ít", ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn Công ty PouYuen Việt Nam cho biết.
Bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, chính quyền địa phương cũng đã khẩn trương triển khai những giải pháp hỗ trợ. Như tại An Giang, chính quyền tỉnh đã tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp đã bổ sung chính sách hỗ trợ và giữ lại khoảng 1.000 lao động có hoàn cảnh khó khăn.
"Chúng tôi cũng có chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì, đặc biệt là trong tiếp cận đơn hàng. Với những dự án doanh nghiệp dự kiến triển khai nhưng chưa triển khai thì sẽ trả lại, chúng tôi sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư mới", ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh An Giang cho biết.
Các giải pháp dài hạn hơn cũng đang được chính quyền các tỉnh, thành xúc tiến như giới thiệu việc làm cho người lao động mất việc đến các doanh nghiệp có nhu cầu, cũng như đẩy nhanh việc thu hút các dự án đầu tư để tạo việc làm.