Giữ nguyên lãi suất cho vay với doanh nghiệp tham gia bình ổn

Chia sẻ Facebook
20/11/2022 10:43:13

Để tạo nguồn cung ứng ổn định và đủ để chi phối thị trường, ngành chức năng và các DN tham gia bình ổn đang nỗ lực ổn định nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.


Tết Nguyên đán đang đến gần, nên ngay từ thời điểm này, các doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Điều đó cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp đang có nhu cầu lớn về vốn để sản xuất, kinh doanh phục vụ dịp Tết cận kề.


Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, dịp Tết Nguyên đán năm nay, các doanh nghiệp đã chuẩn bị hơn 40.000 tấn hàng hóa. Trong đó, hàng bình ổn chiếm từ 25 - 43% nhu cầu thị trường, giá cả thấp hơn 5 - 10% so với thị trường.

Bên cạnh việc ổn định nguồn nguyên liệu cho sản xuất, ổn định nguồn vốn cũng là yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn trong giai đoạn cuối năm. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hiện đã có 10 ngân hàng trên địa bàn tham gia chương trình bình ổn với doanh số cho vay từ 1.600 tỷ đồng đến 5.800 tỷ đồng, tùy từng thời điểm. Mức lãi suất cho vay với doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ thấp hơn 1 - 2% so với lãi suất thông thường.

Người dân mua sắm tại một siêu thị. (Ảnh: PLO)

Trong bối cảnh lãi suất ngoài thị trường được điều chỉnh, ngành ngân hàng sẽ triển khai nhiều giải pháp để đồng hành với doanh nghiệp tối ưu chi phí sản xuất, trong đó ưu tiên giữ nguyên mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường.

"Có 2 giải pháp của ngành ngân hàng. Thứ nhất là tiếp tục phát huy điểm sáng là cho vay bình ổn thị trường với lãi suất thấp, ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp về mặt chi phí, giảm giá thành, giảm giá bán, cũng như giữ ổn định giá cả. Thứ hai là tích cực kết nối ngân hàng với doanh nghiệp bình ổn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cho vay với lãi suất thấp", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết.


Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, do chi phí sản xuất tăng khiến nguồn vốn cần sử dụng tăng cao hơn so với các năm trước. Bên cạnh sự hỗ trợ của ngân hàng, các giải pháp vốn được doanh nghiệp thận trọng tính toán.


"Nguồn vốn lưu động của các doanh nghiệp so với trước dịch hiện nay đều phải tăng trên 50%. Ví dụ, ngày trước chúng ta dự trữ 100 tỷ để dự trữ nguyên, vật liệu, thì giờ phải có 130 - 150 tỷ. Với sự phối hợp của ngân hàng thì doanh nghiệp cũng phải tự điều động tài sản, huy động từ nhiều nguồn khác nhau để ổn định nguồn vốn trong sản xuất", bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho hay.


"Chúng tôi đã chuẩn bị khoảng 14.000 tấn hàng hóa cho dịp Tết, tập trung hàng thiết yếu. Nguồn tài chính thì chúng tôi đang có sự chuẩn bị tương đối tốt thông qua các thỏa thuận, cam kết với tổ chức tín dụng, cũng như các nhà cung cấp và chủ yếu là ứng vốn trước để đảm bảo nguồn vốn ổn định", ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh, thông tin.


Từ đầu năm tới nay, doanh số cho vay bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh đạt gần 860 tỷ đồng. Giai đoạn tới, thành phố vẫn sẽ ưu tiên về nguồn vốn, lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp bình ổn, phục vụ đầu tư chuyển đổi số, mở rộng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu...

Tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Sở Công Thương cho biết, hàng bình ổn dành cho dịp Tết năm nay sẽ đáp ứng từ 25-43% nhu cầu của thị trường.

Chia sẻ Facebook