Giới trẻ Trung Quốc: Điều chúng tôi muốn là sự công bằng và phẩm giá
Vào Ngày Thanh niên 4/5/2023, giới trẻ Trung Quốc đang phải đối mặt với đủ mọi áp lực trong học tập, công việc và cuộc sống.
Vào Ngày Thanh niên 4/5/2023, giới trẻ Trung Quốc đang phải đối mặt với đủ mọi áp lực trong học hành, công việc và cuộc sống. Bên cạnh tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên lên tới gần 20% , thời gian gần đây cũng thường xuyên xảy ra các vụ thanh thiếu niên tự tử tập thể. Giới trẻ Trung Quốc nói với VOA rằng điều họ thực sự cần là phẩm giá và được đối xử công bằng.
Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong tháng 3, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc là 5,3%, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 – 24 tuổi lên tới 19,6%. Nhiều thanh niên không thể tìm được việc làm, vì vậy họ đi lễ chùa, đặt hy vọng tìm được việc làm vào các vị Thần.
Giới trẻ Trung Quốc chen nhau đi chùa thắp hương vì áp lực sinh tồn cao
Ngày 24/4, Bộ Nhân sự và An sinh xã hội Trung Quốc đã phát động “Kế hoạch thúc đẩy việc làm và khởi nghiệp năm 2023 cho sinh viên tốt nghiệp đại học” , đồng thời đưa ra 10 hành động cụ thể, “làm mọi thứ có thể để thúc đẩy việc làm và khởi nghiệp cho thanh niên” , nhằm giải quyết vấn đề dự kiến sẽ xảy ra trong năm nay: Một con số kỷ lục 11,6 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ tham gia vào thị trường việc làm.
Tháng 7/2022, NetEase đăng bài nói rằng trong nhóm giao hàng tại nhà của công ty Meituan, có 60.000 sinh viên đạt thành tích cao và 170.000 sinh viên đại học trở lên. Gần đây, một đài truyền hình trực tiếp tại Trạm B tiết lộ rằng Quảng Châu có rất nhiều nhân viên giao hàng, và hiện Meituan đã ngừng tuyển dụng.
Hồi tháng 2, Nam Kinh (thủ phủ tỉnh Giang Tô) tuyển 2 thủ thư, lương chỉ 1.800 tệ (khoảng 261 USD), không đủ trả tiền thuê nhà ở Nam Kinh, nhưng đã có hơn 100 người nộp đơn xin việc.
Một nhà máy vật liệu ở Gia Hưng, Chiết Giang tuyển dụng 20 công nhân, đã có hơn 300 người xếp hàng trong mưa đi phỏng vấn. Một nhà máy điện tử ở Thành Đô, Tứ Xuyên với 300 vị trí tuyển dụng, đã thu hút hàng ngàn người đến xin việc từ sáng sớm, v.v.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA , một giáo viên đại học ở Trung Quốc giấu tên tiết lộ, các trường đại học Trung Quốc đều có “chỉ tiêu việc làm” , sinh viên phải báo cáo tình trạng việc làm sau khi tốt nghiệp. Nếu tỷ lệ có việc làm của sinh viên không cao sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của năm sau, nên giáo viên phải tìm mọi cách “làm đẹp” số liệu.
Trào lưu khoe của và bất công trong xã hội
Bên cạnh những thanh niên Trung Quốc đang chật vật tìm việc và cảm thấy bất lực, bi quan về tương lai, lại có một nhóm thanh niên khác sinh ra trong những gia đình giàu có, và không ngại khoe khoang sự giàu có của mình trên mạng.
Vào cuối tháng 3, một cư dân mạng có tài khoản Weibo “Cá trê Bắc Cực” đăng bài, tự xưng là cháu gái của một quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nghỉ hưu, gia đình cô có số tiền tiết kiệm lên tới 9 con số.
Cô gái nói rằng: “Nhà tôi có nhiều tiền như vậy đều là do ‘rau hẹ’ (những người được vỗ béo để tận thu) cung cấp, sao tôi có thể không thích cho được.” Sau đó, tài khoản này đã bị chặn.
Từ Toàn, một học giả trẻ sinh ra ở Giang Tô và nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Hồng Kông vào năm ngoái, cho biết kiểu phô trương sự giàu có đã gây ra những náo động trên Internet Trung Quốc.
Gần đây xuất hiện một câu nói phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc là “họ đang làm nhục bạn, nhưng họ luôn nói sự thật” , nghĩa là hầu hết giới trẻ đều làm việc chăm chỉ trong những giai tầng thấp, và dù họ có làm việc cật lực cả đời cũng không thể tích lũy được số tiền tiết kiệm 9 con số.
Từ Toàn nói rằng bài đăng của cư dân mạng này đã để lại vết thương sâu sắc trong lòng những người trẻ tuổi, “bởi cô ấy đã tiết lộ những vấn đề rất nhạy cảm về sự bất bình đẳng giàu nghèo và bất công trong xã hội Trung Quốc.”
Anh cho biết, những gì những người trẻ Trung Quốc muốn bây giờ không chỉ là thu nhập từ công việc, mà còn là một cơ chế cạnh tranh công bằng và phẩm giá.
Dù sinh ra ở những xuất phát điểm khác nhau, nhưng những người trẻ có thể đạt được mục tiêu thăng tiến trong xã hội bằng nỗ lực của bản thân và cơ chế công bằng. Họ có thể đạt được bước nhảy vọt trong cuộc sống, chuyển từ giai tầng thấp lên tầng lớp trung lưu. Sau đó con cháu của họ cũng có thể thông qua nỗ lực của chính mình, từ tầng lớp trung lưu trở thành những tinh anh của xã hội.
Từ Toàn nói rằng việc cô gái trẻ này tiết lộ rằng gia đình cô có số tiền tiết kiệm lên tới 9 con số, chỉ cho thấy hai trạng thái hoàn toàn khác nhau giữa những người trẻ tuổi ở Trung Quốc: Một là những thanh niên hạnh phúc trong môi trường thoải mái do tính ưu việt của thể chế mang lại; hai là nhóm thanh niên tụ tập cùng nhau tự tử xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây.
Anh nói rằng từ những người trẻ thiển cận đó, “những gì chúng tôi thấy là sự bất mãn, thất vọng, thậm chí muốn lên án xã hội này và cuộc sống của chính mình.”
Anh Từ Toàn cho biết, trước khi Phong trào Giấy trắng bùng nổ, các sinh viên đại học Trung Quốc đã bò tập thể trên mặt đất, để bày tỏ sự bất mãn và phản đối chính sách zero-COVID phong tỏa khuôn viên trường đại học.
Vào thời điểm đó, nhiều kênh truyền thông Trung Quốc cho rằng đây là một loại hình nghệ thuật trình diễn, giới trẻ đang muốn làm những điều khác thường, không ngờ rằng phong trào Giấy trắng đã sớm nổ ra.
Từ Toàn nói: “Cho nên bất cứ khi nào có những hành động nhỏ bé tự làm hại bản thân, hay một lời buộc tội tự hủy hoại bản thân, cũng cho thấy trong tương lai không xa, rất có thể đó là biểu hiện của sự tức giận tột độ, nên tôi nghĩ các quan chức Trung Quốc cần suy ngẫm về điều này.”
Blog: Thế hệ 10X của Trung Quốc khó sinh tồn trong tương lai
Những vụ tự tử thường xuyên xảy ra
Vào đầu tháng 4, tại đường đi bộ bằng kính trên núi Thiên Môn ở Trương Gia Giới, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Trung Quốc, 4 thanh niên đến từ các tỉnh khác nhau đã cùng trèo qua lan can an toàn, nhảy xuống vách đá tự tử và qua đời. Độ tuổi của họ dao động từ 22 – 33 tuổi.
TQ: 4 người “hẹn nhau chết” cùng nhảy xuống vách núi ở Trương Gia Giới
Sáng sớm ngày 24/4, Cục Công an Thập Phương thành phố Đức Dương, tỉnh Tứ Xuyên cấp báo, tối ngày 22/4, ba thanh niên từ các tỉnh khác nhau đã uống thuốc độc tự tử trong một khu rừng sâu tại thị trấn Oánh Hoa, thành Phố Thập Phương. Thông tin trên chứng minh nhân dân cho thấy cả 3 người đều thuộc thế hệ 9X.
Thêm 3 thanh niên 9X cùng uống thuốc độc tự tử ở Trung Quốc
Ngoài ra thành phố Thiên Tân cũng đưa tin, có 7 học sinh tự tử trong vòng 5 ngày từ 19/3 – 23/3. Kể từ đầu học kỳ này, ở Thành Đô đã có hơn 10 trường hợp học sinh tự tử.
Trung Quốc: 2 nữ sinh lớp 5 hẹn nhau nhảy lầu từ tầng 24
Vấn đề tự sát dường như đã trở thành điều cấm kỵ trong xã hội và giới học thuật Trung Quốc.
Ông Chung Kiếm Hoa (Chung Kim-wah), Giám đốc danh dự nghiên cứu chính sách xã hội tại Viện Dư luận Hồng Kông, viết bài chỉ ra rằng trong nhiều năm, chính quyền ĐCSTQ đã không giải thích đầy đủ về vấn nạn tự tử và những dữ liệu liên quan ở Trung Quốc Đại Lục, nhưng một số tổ chức học thuật đã tổng hợp những dữ liệu cách đây 20 năm.
“Kết luận là mỗi năm có khoảng 3 triệu người ở Trung Quốc Đại Lục có ý định tự tử. 300.000 người trong số họ đã chết, 90% số người tự tử đến từ các vùng nông thôn,” ông Chung nói.
“Hiển nhiên cũng là do hễ nghiên cứu sâu về hiện tượng tự sát, chắc chắn sẽ tiết lộ một lượng lớn các yếu tố xã hội dẫn đến tự sát. Điều này rõ ràng là không phù hợp với những luận điệu chính của ĐCSTQ, rằng Trung Quốc có ưu thế về thể chế và triển vọng phát triển lạc quan,” ông bình luận thêm.
Lý do gì khiến nhóm bạn trẻ Trung Quốc rủ nhau tự tử tập thể?
Các biện pháp ổn định việc làm
Để giải quyết vấn đề thanh niên thất nghiệp, gần đây tỉnh Quảng Đông đã thu hút sự chú ý với “Hành động Tam Hương” , vận động giới trẻ về nông thôn tìm việc.
Ước tính đến cuối năm 2025, 300.000 thanh niên sẽ được huy động về nông thôn làm việc, bao gồm “tổ chức tổng cộng 100.000 thanh niên về hỗ trợ nông thôn, liên hệ 100.000 thanh niên về quê đi thực tế, bồi dưỡng 100.00 thanh niên nâng cao tay nghề trẻ hóa nông thôn”. Sinh viên tốt nghiệp đại học, trên đại học đều được tuyển dụng.
Quảng Đông động viên 300.000 thanh niên về nông thôn để phát triển
Ngoại giới tin rằng động thái này có thể tránh được tình trạng bất ổn do thất nghiệp gây ra, và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn.
Ông Ngô Cự Minh, Trợ lý Giáo sư tại Đại học Shih Hsin (Thế Tân), Đài Loan cho biết, lý do khiến giới trẻ Trung Quốc không thể tìm được việc làm trước hết liên quan đến việc mở rộng tuyển sinh đại học ở Trung Quốc sau năm 1999.
Do số lượng sinh viên đại học có bằng đại học đã tăng lên đáng kể, vượt quá nhu cầu thị trường việc làm ban đầu, khiến nhiều người không thể tìm được việc ngay lập tức.
Thứ hai là sự thay đổi cơ cấu công nghiệp, việc phong tỏa thành phố khiến nhiều công ty nước ngoài rút khỏi thị trường Trung Quốc, mang lại những thách thức đáng kể cho thị trường việc làm Trung Quốc.
Thứ ba là vấn đề của hệ thống giáo dục, tức là ngành mà sinh viên theo học có thể không hoàn toàn phù hợp với nhân lực mà thị trường yêu cầu.
Ông cho rằng vấn đề còn lại liên quan đến thái độ làm việc của giới trẻ. Vì áp lực cuộc sống quá cao, họ cảm thấy bi quan về cuộc đời, nên nhiều người chọn cách “nằm ườn” và “cầu Phật” sống qua ngày.
Ông Ngô Cự Minh nói: “Tôi nghĩ nếu tình trạng này không được giải quyết liên tục, sẽ có sự bất ổn xã hội tương đối xuất hiện trong Trung Quốc Đại Lục, và thậm chí là bất ổn chính trị.”
“Thanh niên 4 không” ở TQ: Không hẹn hò, không kết hôn, không mua nhà, không sinh con
Mặc dù kế hoạch việc làm của Chính phủ Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề thanh niên thất nghiệp trong thời gian ngắn, nhưng vẫn cần xem liệu chúng có bền vững hay không.
Tuy nhiên, những người trẻ Trung Quốc được VOA phỏng vấn cho biết, ngoài việc đảm bảo việc làm, họ còn hy vọng có được một số nguồn tư vấn tâm lý và chăm sóc xã hội. Bởi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có gần 100 triệu người mắc chứng trầm cảm tiềm ẩn ở Trung Quốc, nhưng nhiều người xấu hổ không dám nói ra và không muốn chủ động đi khám chữa bệnh.
Tháng 2/2019, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Huang Yueqin – Bệnh viện số 6 Đại học Bắc Kinh, đã công bố nghiên cứu trên tạp chí y khoa The Lancet, báo cáo về Khảo sát Sức khỏe Tâm thần (CMHS) Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc có khảo sát điều tra toàn quốc về bệnh xã hội rối loạn tâm thần. Nghiên cứu chỉ ra ở Trung Quốc, đến nay số người từng mắc chứng trầm cảm trong đời đã vượt quá 95 triệu người, tức là cứ 14 người thì có 1 người từng bị trầm cảm.
Tuy nhiên cơ chế tư vấn trong xã hội Trung Quốc không hoàn hảo, nên không thể can thiệp hay điều trị kịp thời, tạo thành áp lực cuộc sống và áp lực tinh thần đặc biệt cao đối với giới trẻ.
Bình Minh (t/h)
Thâm Quyến: Khó tìm việc sinh ra nghề mới "bạn gái đường phố"
Tỷ lệ thất nghiệp siêu cao và hỗn loạn xã hội ở Trung Quốc đã sinh ra một nghề nghiệp lập dị: "Bạn gái vỉa hè" trên đường phố Thâm Quyến.