Giới trẻ Trung Quốc chen nhau đi chùa thắp hương vì áp lực sinh tồn cao

Chia sẻ Facebook
31/03/2023 21:14:00

Gần đây, hiện tượng giới trẻ Trung Quốc “thắp hương cầu Phật” tại các chùa chiền đông đúc đã thu hút sự chú ý của dư luận. Theo phân tích, các bạn trẻ đến chùa dâng hương không phải vì tín ngưỡng, mà để tìm sự an ủi về tinh thần, bởi họ đang gặp áp lực trong cuộc sống, mất phương hướng và không tìm được lối đi.

Gần đây, giới trẻ Trung Quốc chen nhau đi chùa “dâng hương cầu Phật” khiến dư luận chú ý. Người dân thắp hương cầu phúc tại một ngôi chùa ở Thượng Hải. (Ảnh: Johannes Eisele/AFP qua Getty Images)

Theo dữ liệu từ các trang web du lịch của Trung Quốc, kể từ năm 2023, lượng đơn đặt vé tham quan danh lam thắng cảnh chùa chiền đã tăng hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Kể từ tháng 2, thế hệ những người trẻ sinh sau năm 1990 và 2000 chiếm gần 50% số người đặt vé.


Chỉ số theo dõi của “Cự Lượng Toán số” cho thấy, so với năm 2019, lượng tìm kiếm từ khóa “chùa” trên các nền tảng xã hội đã tăng gấp 368 lần. Từ ngày 1/1 – 16/3 năm nay, chỉ số tìm kiếm của từ khóa này tăng 586,81% và chỉ số tổng hợp tăng 351,06% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số các nhóm tìm kiếm này, những người trẻ từ 18-30 tuổi đã tăng từ dưới 1/3 lên 44,9%.

Giới trẻ chen lấn đi chùa, dâng hương nghiêm túc hơn cả đi học


Ngày 24/3, ifeng.com đã đăng một bài truyền thông cá nhân có tiêu đề “Người trẻ chen nhau đi chùa, dâng hương nghiêm túc hơn cả đi học” .

Bài viết nói rằng tuần trước, có nhiều người đến chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu đến nỗi họ bắt đầu xếp hàng từ 7h sáng. Trong tuần qua, lưu lượng hành khách hàng ngày đến Chùa Lạt Ma (Lama) khoảng 40.000 – 45.000 người. Vào tháng trước, một nhóm thanh niên đã phải xếp hàng dài gần 1 km trước cổng Chùa Quảng Nhân ở Tây An.

Tuy nhiên, những ngôi chùa thực vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của giới trẻ. Trong các mùa nghiên cứu sau đại học, kỳ thi tuyển sinh sau đại học và kỳ thi công chức, mạng xã hội sẽ tràn ngập những tấm biển của Chùa Linh Ẩn, và vô số người sẽ để lại những lời cầu nguyện điện tử. Trong một video dài 12 giây, có tới 5.000 người đang cầu nguyện.

Rốt cuộc các bạn trẻ chen chúc đi chùa cầu xin điều gì? Theo bài viết, họ đã thu thập dữ liệu tiêu dùng, và phát hiện ra rằng 47% trong số họ đang cầu phát tài, 30,3% cầu tiền và một cuộc hôn nhân lành mạnh, chỉ 2,1% cầu xin một cuộc hôn nhân tốt đẹp.


Embed from Getty Images


Ngày 23/1/2023, người dân thắp hương tại Chùa Phật giáo Quy Nguyên ở Vũ Hán, miền trung tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Giới trẻ Trung Quốc ngày càng bi quan

Trào lưu thắp hương của giới trẻ Trung Quốc khiến dư luận chú ý.


Ngày 27/3, bà Ninh Tịnh, cựu giáo viên giáo dục và đào tạo tại Đại Lục, kiêm nhà truyền thông cá nhân, cũng phân tích với The Epoch Times rằng: “Những người trẻ tuổi thích đi chùa thắp hương, không phải vì họ theo đuổi truyền thống và tín ngưỡng. Vì Trung Quốc không có nơi nào như vậy. Kỳ thực nói thẳng ra là đến để ‘cầu’, nói dễ nghe một chút thì là tìm sự an ủi về tinh thần. Nguyên nhân chính là do hoang mang, mất phương hướng.”

Bà tin rằng điều này không thể tách rời khỏi những khó khăn về việc làm mà những giới trẻ đang phải đối mặt và áp lực của chính họ, cũng như bầu không khí giáo dục ở Trung Quốc nói chung.


Bà tiếp tục: “Dưới hệ thống giáo dục của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đừng nói rằng những người trẻ tuổi bối rối, ngay cả cha mẹ của họ cũng mất phương hướng. Đây là lý do chính khiến nhiều người trẻ tuổi đi chùa thắp hương và lễ Phật.”


Embed from Getty Images


Ngày 19/2/2023, mọi người tập trung tại Chùa Lạt Ma, Bắc Kinh để thắp hương và cầu nguyện. (Ảnh: Jade Gao /AFP qua Getty Images)

Giới trẻ Trung Quốc và phong trào đặt câu hỏi: Học đại học để làm gì?

Sinh viên đại học đứng trước nguy cơ thất nghiệp ngay khi mới ra trường

Trong những năm gần đây, lượng sinh viên tốt nghiệp đại học đã tăng lên hàng năm, làm tăng áp lực cạnh tranh việc làm.


Từ năm 2015, lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc liên tục đạt mức cao mới. Năm nào, truyền thông Đại Lục cũng đưa tin về họ, với những tiêu đề bắt mắt như “nhiều sinh viên tốt nghiệp nhất trong lịch sử”, “mùa tốt nghiệp khó khăn nhất”“năm tìm kiếm việc làm khó khăn nhất”.

Theo thống kê từ ĐCSTQ, có tới 10,76 triệu người tốt nghiệp đại học vào năm 2022. Một cuộc khảo sát cho thấy, tính đến tháng 11/2022, khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp đại học chưa tìm được việc làm.

Tình hình việc làm rất nghiệt ngã, sinh viên đại học phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan là thất nghiệp ngay khi mới ra trường. Số sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2023 sẽ đạt mức cao mới, dự kiến ​​​​khoảng 11,58 triệu người.

Giới trẻ đi chùa thắp hương thu hút sự chú ý của truyền thông đảng


Ngày 21/3, “The Beijing News”, kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ, đăng bài nói rằng những người trẻ tuổi “không đi học, không cầu tiến, chỉ thắp hương” , đặt hy vọng của họ vào Thần Phật, rõ ràng là đang “lạc lối”.


Ngày 22/3, “Nhật báo Thanh niên Trung Quốc” cũng đã đăng một bài bình luận, nói rằng giới trẻ chen nhau tại các ngôi chùa là vì theo đuổi văn hóa truyền thống trong tâm.


Ngày 24/3, “Thời báo Hoàn cầu” bình luận, cũng có thể nhìn nhận hiện tượng giới trẻ đi chùa “dâng hương” từ góc độ văn hóa đại chúng. Cùng ngày, Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc cũng đưa ra nhận xét tương tự, nhằm hạ nhiệt dư luận trực tuyến.


Bà Ninh Tịnh chỉ ra rằng: “Nếu một chính phủ bình thường gặp phải hiện tượng này, họ sẽ thuận theo tự nhiên, không cần sử dụng các kênh truyền thông chính thống của chính phủ để tung tin rầm rộ trên mạng Internet, hoặc nên tìm ra giải pháp cơ bản cho vấn đề, thay vì một mực đẩy trách nhiệm cho giới trẻ.”


Bà Thịnh Tuyết, một nhà văn Trung Quốc ở Canada, nói: “ĐCSTQ không những không có năng lực, mà còn không muốn giải quyết từ căn bản khó khăn của giới trẻ, chỉ một mực đổ lỗi cho họ không cầu tiến và không chấp nhận việc lao động chân tay cấp thấp. Trên thực tế, thị trường lao động chân tay cũng đã bão hòa.”


Embed from Getty Images


Ngày 21/2/2023, người dân thắp hương cầu may tại Chùa Lạt Ma tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)

Tình hình việc làm nghiệt ngã, các ngành các nghề đều đã bão hòa


Tháng 7/2022, NetEase đăng bài nói rằng trong nhóm giao hàng tại nhà của công ty Meituan, có 60.000 sinh viên đạt thành tích cao và 170.000 sinh viên đại học trở lên. Gần đây, một đài truyền hình trực tiếp tại Trạm B tiết lộ rằng Quảng Châu có rất nhiều nhân viên giao hàng, và hiện Meituan đã ngừng tuyển dụng.

Tháng 2, Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, tuyển 2 thủ thư, lương chỉ 1.800 tệ (khoảng 261 USD), không đủ trả tiền thuê nhà ở Nam Kinh, nhưng cũng có hơn 100 người đã nộp đơn xin việc.

Một nhà máy vật liệu ở Gia Hưng, Chiết Giang tuyển dụng 20 công nhân, đã có hơn 300 người xếp hàng trong mưa đi phỏng vấn. Một nhà máy điện tử ở Thành Đô, Tứ Xuyên với 300 vị trí tuyển dụng, đã thu hút hàng ngàn người đến xin việc từ sáng sớm, v.v.

Đồng thời, rất nhiều sinh viên đại học đã đăng video lên Internet, phàn nàn về việc họ không thể tìm được việc làm. Ngoài ra, một số video còn cho thấy ở Thâm Quyến, Đông Quản, Tô Châu, Nam Kinh và các thành phố khác ở Quảng Đông, rất nhiều thanh niên đang ngủ trên đường vì không tìm được việc làm.


Trước tình thế khó khăn, nhiều bạn trẻ Trung Quốc đã tự chế giễu bản thân giống với nhân vật văn học Khổng Ất Kỷ của Lỗ Tấn, thể hiện sự hoang mang và tuyệt vọng vì “ra trường là thất nghiệp” .

Khổng Ất Kỷ là một học giả trong tiểu thuyết của Lỗ Tấn. Ông là cậu học trò không thi đỗ tú tài, cả đời nghèo khó, nhưng luôn mặc một chiếc áo dài tượng trưng cho những người đọc sách.

ĐCSTQ thổi phồng việc người trẻ làm giàu nhờ thu gom rác và bán hàng trên phố


Gần đây, một số kênh truyền thông của ĐCSTQ tuyên truyền rằng một sinh viên tốt nghiệp sinh sau năm 1995 của Đại học Trịnh Châu đã hạ mình, đi “nhặt rác” và đạt được tự do tài chính với thu nhập hàng tháng lên tới 5 con số (10.000 NDT tương đương 1.450 USD).


Trong khi đó, Đài truyền hình Trung ương CCTV của ĐCSTQ cũng tuyên truyền rằng hai vợ chồng sinh sau năm 1995 ở Nghĩa Ô, Chiết Giang đã kiếm được 9.000 nhân dân tệ (khoảng 1.305 USD) mỗi ngày nhờ bán hàng ở chợ đêm.


Bà Lý Nguyên Hoa, học giả ở Úc, cho biết: “Đây đều là tin giả. Những tuyên truyền này của ĐCSTQ nhằm khiến giới trẻ hạ thấp phẩm giá của họ, căn bản là không thể đứng vững (trước dư luận).”

Bà nói rằng trong quá trình công nghiệp hóa giáo dục, ĐCSTQ đã mở rộng tuyển sinh một cách mù quáng. Điều này khiến nhiều thành phố phải sử dụng các khoản vay để xây dựng thị trấn đại học và các trường đại học, để chạy theo các ngành được ưa chuộng.


“Tuy nhiên, trường học chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của xã hội trong việc ươm mầm nhân tài, mà chỉ theo đuổi một số điểm nóng. Giống như một ngành kinh doanh, miễn có người đóng học phí, thì mở ngành gì tôi cũng làm được. Tương lai sau này của sinh viên không liên quan gì đến tôi.”


Bà cho biết thêm: “Hơn nữa, chính sách zero-COVID của ĐCSTQ hơn 3 năm đã khiến nền kinh tế suy thoái toàn diện, toàn bộ nền kinh tế và ngành công nghiệp sụp đổ. Do đó, vấn đề việc làm trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.”


“Nhân vật văn học Khổng Ất Kỷ” phản ánh sự bất mãn chung của giới trẻ trước thực trạng của họ. Điều này cũng đã làm dấy lên sự cảnh giác của chính quyền ĐCSTQ.


Bà Thịnh Tuyết cũng cho biết: “Giới trẻ ngày nay không có không gian thăng tiến, cũng như không được ‘nằm ngửa’ phó mặc. Theo quan điểm của ĐCSTQ, những người trẻ tuổi này có khả năng trở thành lực lượng gây bất ổn xã hội. ĐCSTQ phải tìm cách giải tỏa sức mạnh này.”


“Vì vậy, rất có khả năng ĐCSTQ sẽ thúc đẩy lại việc ‘lên núi, về nông thôn’, nhằm đẩy thanh niên về nông thôn. Bởi sau khi bị đẩy về nông thôn, miễn là có thể kiếm sống bằng nghề nông, họ sẽ không thể nói rằng vì chết đói nên mới vùng lên tạo phản. Nhưng nông dân cũng không có dư đất, những người nông dân là lao động nhập cư cũng đang thất nghiệp, và mọi chính sách của ĐCSTQ đều đi vào ngõ cụt.”


Bình Minh (t/h)

Giới trẻ Trung Quốc và phong trào đặt câu hỏi: Học đại học để làm gì? Sau khi "co lại" và "nằm ngửa", gần đây trên cộng đồng mạng, giới trẻ Trung Quốc lại rộ lên phong trào "Nhân vật văn học Khổng Ất Kỷ".

Chia sẻ Facebook