Giới trẻ chạy theo trend bất chấp: Thú vui ảo làm phiền cuộc sống thật

Chia sẻ Facebook
22/04/2023 20:11:38

Với sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội ngày nay, không khó để bắt gặp các trào lưu gây sốt. Mỗi khi có một trend xuất hiện, người người nhà nhà lại thi nhau chạy theo.

Thời gian vừa qua không khó để bắt gặp hàng loạt các trào lưu trên mạng xã hội. Từ việc cầm 5 nghìn đồng, 10 nghìn đồng đi chợ mua thịt, giả vờ là người quen đưa đồ ăn mang về bảo bố mẹ nấu, nhảy nhót ở đường băng sân bay hoặc đi đám cưới người lạ,... Hay chỉ cần một từ khóa cũng trở thành trend khi nó trở nên viral trên mạng xã hội. Đơn cử như “Bing Chilling” (cây kem) đi đâu cũng thấy có người sử dụng. Thậm chí, ngay cả các bạn nhỏ học tiểu học cũng biết đến những từ này. Tuy nhiên, những thú vui ảo trên mạng xã hội đã và đang làm phiền cuộc sống ngoài đời thực.



Thú vui trên mạng ảo gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống ngoài đời thực.

Chẳng cần biết lợi hại, cứ thấy trend là bắt nhanh như chớp

Khi một trào lưu xuất hiện, chẳng cần biết nó tốt xấu thế nào người ta lập tức chạy theo. Ai cũng sợ mình bắt trend muộn hơn người khác sẽ hết hot. Ai cũng sợ người ta không biết bản thân cũng giỏi chạy theo trend. Và thế là chẳng cần biết nó tốt hay xấu, chỉ cần thỏa mãn niềm vui nhất thời là người ta lại chạy theo trend để làm video đăng tải lên mạng xã hội. Khi những bữa cơm 5 nghìn, 10 nghìn đồng xuất hiện hàng loạt bạn trẻ đã thử trend cầm theo 5 nghìn, 10 nghìn đồng ra chợ mua thịt.



Hàng loạt bạn trẻ cầm theo 5 nghìn đồng ra chợ mua thịt. (Ảnh: Cắt từ clip K.N)

Thậm chí nhiều người còn cho nó là thú vui khi “chọc” được các cô bán hàng nổi đóa. Và thế là chỉ khổ những người lao động ngày ngày mong chờ vào khách hàng. Cả buổi sáng tiếp khách thật thì ít mà tiếp những bạn trẻ chạy theo trend thì nhiều. Thử hỏi ai cũng cầm 5 nghìn, 10 nghìn đồng đi mua thịt thì sẽ như thế nào? Vẫn biết rằng mỗi người sẽ có một nhu cầu riêng nhưng không thể cả buổi sáng có 5 khách thì cả 5 khách đều mua 5 nghìn thịt được.



Không ít chủ tiệm tạp hóa bị làm phiền bởi câu nói hot trend "bing chiling". (Ảnh: Cắt từ clip N.S.N)

Hay gần đây nhất là trào lưu giả vờ làm người quen đưa đồ ăn cho trẻ nhỏ bảo mang về nấu “tí chú sang ăn”. Hàng loạt video có nội dung này được đăng tải với giọng điệu cợt nhả. Nhìn hình ảnh khuôn mặt những đứa trẻ ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra người ta lại lấy làm thích thú. Trào lưu này rầm rộ trên mạng xã hội suốt một thời gian chỉ đến khi có anh X nọ đu trend trên phố đi bộ có phần thái quá mới chấm dứt.



Người đàn ông hào hứng bảo em nhỏ cầm thịt về cho bố nấu cơm và câu trả lời đầy xót xa. (Ảnh: Cắt từ clip L.T.A)


Người đàn ông gặp cậu bé bán nước rồi thản nhiên bảo mang thịt về bảo bố nấu cơm: "Tí chú qua ăn. Bố gọi về mà không biết à" . Tuy nhiên sau đó là câu trả lời đầy xót xa của cậu bé bởi bố em đã không còn nữa. Cứ tưởng rằng nó là một trò đùa vô hại nhưng lại gây tổn thương đến tâm lý của những đứa trẻ. Không chỉ vậy nó còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Bởi từ trước đến nay, bài học mà bố mẹ thường hay dạy con cái đầu tiên là phải tuyệt đối tránh xa người lạ, không tự ý nhận đồ của người lạ.


Nếu ai cũng bắt chước trào lưu này rồi để kẻ xấu lợi dụng thì mọi việc sẽ đi đến đâu? Anh Hoàng Minh Thắng, phụ huynh của hai em nhỏ dưới 8 tuổi bày tỏ sự bức xúc với Thể thao & Văn hóa: “ Thực ra khi xem những video này, mình vẫn mong là diễn hơn. Còn nếu đó là thật thì phải về dạy lại con vì trend này rất nguy hiểm và đáng báo động với các bậc phụ huynh.


Chẳng hạn bây giờ tội phạm biến tướng hay lợi dụng trend này thì mình không dám tưởng tượng được chuyện gì sẽ xảy ra. Mà còn chưa kể việc quay như thế này là chưa được sự đồng ý của trẻ hoặc người giám hộ.”



Cậu nhóc ngơ ngác nhưng vẫn hồn nhiên cầm "ít rau, ít bún" về nhà. (Ảnh: Cắt từ clip T.H)

Trào lưu độc hại, phiền toái gây ảnh hưởng đến những người xung quanh


Không chỉ gây phiền toái cho người khác mà việc bắt trend vô tội vạ còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người thực hiện. Mặc dù biết đó là trào lưu nguy hiểm nhưng không ít người vẫn làm theo Thậm chí có cả trẻ em đã học theo những trend này. Trong đó phải kể đến hàng loạt các thử thách nguy hiểm đến sức khỏe như: Thử thách bất tỉnh (blackout challenge), thử thách muối (The Salt Challenge), Thử thách Kiki (nhảy xuống đất khi ô tô đang chạy), thử thách ăn ớt, ăn bột giặt, uống sữa tắm,... Những trào lưu nguy hiểm này đã gây ra không ít trường hợp đáng tiếc khiến người thực hiện không qua khỏi.



Thử thách ăn viên bột giặt khó hiểu nhưng vẫn được không ít người chạy theo. (Ảnh: Flickr)

Hay ở Việt Nam thời gian vừa qua có không ít bạn trẻ náo loạn sân bay để bắt trend gây ảnh hưởng đến an toàn bay. Từ việc một cô hot girl B kéo tấm che cửa sổ trên máy bay và đặt điện thoại lên đó để ghi lại quang cảnh những đám mây kéo theo hàng loạt các bạn trẻ đã bắt chước. Trend này được gọi bằng một cái tên mỹ miều “săn mây trên máy bay” nhưng nó lại tiềm ẩn nguy cơ rất lớn. Chính cục hàng không đã phải lên tiếng hành động này sẽ ảnh hưởng đến an toàn bay.

Nhưng khi trend này dừng lại thì lại có trend khác nổ ra ở sân bay. Hình ảnh cô gái mặc đồ đen nhảy nhót trên đường bằng từng rầm rộ một thời gian dài. Sau đó hàng loạt bạn trẻ cũng bắt trend dù đã được cảnh báo. Có người còn vô tư ngồi trên băng chuyền vận chuyển hành lý tại sân bay. Hậu quả của những chiếc view ảo trên mạng xã hội chính là việc nữ hành khách này bị cấm bay 6 tháng.



Hàng loạt trào lưu vô bổ xuất hiện nhưng vẫn được các bạn trẻ chạy theo.


Sự phiền toái nhất phải kể đến trào lưu “đi ăn cưới người lạ”. Không ít bạn trẻ sẵn sàng trà trộn vào đám cưới người khác chỉ để quay video đi ăn cỗ. Gần đây là một cô gái ở Nam Định hào hứng lên đồ lộng lẫy review từng món ăn trên bàn tiệc người lạ. Nào là tôm như thế nào, gà ra sao, lẩu như thế nào. Thậm chí bữa cỗ này còn được tổ chức trong nhà hàng khiến cô gái cảm thán “hôm nay thực hiện thử thách lại vớ được cỗ hời”. Mặc dù sau đó cô gái này có bỏ phong bì tiền mừng nhưng điều đó vẫn khiến khán giả bức xúc.



Cô gái vô tư trà trộn vào đám cưới người lạ chỉ để chạy theo trend. (Ảnh: Cắt từ clip N.Đ.C.G)

Thử đặt địa vị bản thân là cô dâu, chú rể, trong ngày trọng đại, thiêng liêng nhất của cuộc đời lại có người lạ đến làm trò. Chưa kể đãi tiệc trong nhà hàng mỗi gia đình đều đã có dự trù số lượng cỗ đủ với khách mời. Việc một người lạ đột ngột tới ăn sẽ chiếm chỗ của người thân cô dâu, chú rể thật sự. Thử tưởng tượng nếu trào lưu này phổ biến, hàng loạt người học theo thì ngày lễ trọng đại trong cuộc đời sẽ biến thành cái gì? Đã có không ít bạn trẻ hiện nay còn đề ra yêu cầu đám cưới “No kids zone” (không dẫn theo trẻ em). Vậy thử hỏi liệu họ có thoải mái khi xuất hiện một người không mời mà tới ở đám cưới của mình hay không?



Cô gái cảm thấy may mắn vì lần giả làm người quen này gặp ngay bữa cỗ chất lượng. (Ảnh: Cắt từ clip N.Đ.C.G)

Chạy theo trend không có lỗi nhưng cần lựa chọn trào lưu phù hợp

Việc chạy theo trend trên mạng xã hội sẽ không xấu nếu chúng ta biết lựa chọn trào lưu phù hợp. Mỗi người đều có quyền sáng tạo nội dung trên mạng xã hội nhưng cần biết điểm dừng. Có không ít những trend tích cực, bên cạnh sự vui vẻ, hài hước còn đem đến thông điệp nhân văn. Điển hình có thể kể đến “thử thách dọn rác”, làm sạch môi trường.



Dòng kênh ngập ngụa rác thải được nhóm bạn trẻ Sài Gòn xanh dọn dẹp. (Ảnh: FB Sài Gòn Xanh)



Sau khi hoàn thành thử thách dọn dẹp toàn bộ rác thải đã biến mất. (Ảnh: FB Sài Gòn Xanh)

Nhìn hình ảnh những dòng kênh đen ngòm, ngập ngụa rác thải sau khi được nhóm bạn trẻ dọn xong như biến thành một địa điểm khác. Ở Hà Nội hay TP.HCM đều có những nhóm bạn trẻ thực hiện thử thách này. Một số nhóm bạn còn đến các bãi biển thực hiện thử thách dọn sạch rác ở bãi biển. Gần đây chính họa hậu Thùy Tiên cũng không ngại mặc đồ bảo hộ lội xuống dòng kênh đen ngòm dọn rác.

Hay như thời điểm giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, các trend đeo khẩu trang, ở nhà cũng vui ra đời. Hàng loạt người nổi tiếng đến các bạn trẻ lên đồ lộng lẫy lau nhà, nấu ăn, phơi quần áo,... Các trào lưu này đã lan tỏa thông điệp tích cực bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi đại dịch. Vậy tại sao lại không lựa chọn những trào lưu tích cực này thay vì những hoạt động vô bổ, làm phiền đến mọi người xung quanh? Thậm chí còn nguy hại cho bản thân và vi phạm pháp luật.



Trào lưu "ở nhà cũng vui" là một trong những trend tích cực được nhiều bạn trẻ hưởng ứng. (Ảnh: Cắt từ clip Tường Thy Vê Vê)

Chính vì thế, mỗi người cần tỉnh táo khi lựa chọn làm nội dung trên mạng xã hội. Không phải cứ trào lưu nào hot cũng có thể học theo một cách vô tội vạ. Những thú vui nhất thời như vậy cũng không thể tồn tại lâu trên mạng xã hội. Thậm chí còn bị nhiều người gọi nó là “rác thải” cần loại bỏ.



Chạy theo trào lưu sẽ không xấu nếu biết lựa chọn trend phù hợp.


Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé. Và đừng quên theo dõi Camera Xóm để cập nhật thêm nhiều tin tức đời sống xã hội thú vị.

Với sự phát triển bùng nổ như vũ bão của mạng xã hội, sáng tạo nội dung trở thành một nghề thu hút giới trẻ. Công việc này có thể linh hoạt thời gian cũng như có thu nhập khá cao tùy thuộc vào độ nổi tiếng. Chính vì thế không ít người bất chấp việc chạy theo trend độc hại để sản xuất content. Tuy nhiên, thú vui nhất thời đó có thể để lại hậu quả khó lường. Hơn nữa, về lâu về dài những nội dung tiêu cực, kém chất lượng sớm muộn cũng bị đào thải. Do đó, cả người sáng tạo lẫn người dùng cẩn tỉnh táo để lựa chọn tiếp cận những nội dung phù hợp.


Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook