Giới tinh hoa Trung Quốc tin vào Chân – Thiện – Nhẫn nhiều lần bị ĐCSTQ bỏ tù

Chia sẻ Facebook
21/06/2022 10:59:45

Hơn 20 năm qua, những tinh hoa xã hội trong số các học viên Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu chính trong cuộc đàn áp của ĐCSTQ.

Pháp Luân Công được giới thiệu với thế giới từ Trung Quốc vào ngày 13/5/1992. Các học viên Pháp Luân Công tu tâm để trở thành người tốt phù hợp với đặc tính “Chân, Thiện, Nhẫn” của vũ trụ. Luyện tập 5 bài công pháp giúp mọi người nhanh chóng đạt được sức khỏe thể chất và tinh thần. Tháng 7/1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công. Hơn 20 năm qua, những tinh hoa xã hội trong số các học viên Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu chính trong cuộc đàn áp của ĐCSTQ.

Ông Từ Vĩnh Thanh, một kỹ sư cao cấp 58 tuổi, bị bắt cóc và hãm hại trước tòa. (Ảnh: Minghui.org)

Minghui.org đưa tin, ông Từ Vĩnh Thanh, 58 tuổi, là một kỹ sư điện xây dựng cao cấp và là một học viên Pháp Luân Công. Ông Từ đối xử chân thành với mọi người, làm việc tận tâm, giỏi kinh doanh, được đồng nghiệp và khách hàng của công ty khen ngợi và kính trọng. Ngày 20/10/2021, ông Từ Vĩnh Thanh bị cảnh sát địa phương bắt cóc tại ga xe lửa Long Tuyền, trên đường trở về Thượng Hải từ quê nhà Long Tuyền, Chiết Giang. Công an, Viện kiểm sát, Tòa án Trung Quốc cấu kết với nhau đưa ông ra tòa vào ngày 18/5/2022.

Ngày 22/8/2016, ông Từ và một học viên Pháp Luân Công khác là Dương Tiêu (cựu giám đốc điều hành của một công ty nước ngoài) nhìn thấy một bảng vẽ vu khống Pháp Luân Công xuất hiện ở ga tàu điện ngầm đường Tào Bảo, Thượng Hải. Họ bèn đến văn phòng thỉnh nguyện của chính quyền thành phố để báo cáo tình hình, và cả 2 đều bị giam giữ.


Ông Từ Vĩnh Thanh bị giam giữ phi pháp 15 ngày. Luật sư của ông tin rằng hành động của ông Từ là hoàn toàn hợp pháp. Viên cảnh sát thụ lý vụ án nói với luật sư rằng vụ án này không đủ cấu thành phạm tội, nhưng cấp trên yêu cầu ông Từ phải thừa nhận “thời điểm thỉnh nguyện không thích hợp”, và ông sẽ được thả sau khi thừa nhận sai lầm của mình. Ông Từ cho rằng rằng mình đúng và từ chối viết bản tường trình.

Ngày 29/11/2017, ông Từ Vĩnh Thanh bị bắt cóc một lần nữa, và sau đó bị giam giữ và hãm hại.


Cảnh sát coi 13 bức thư nói về sự thật (chân tướng) Pháp Luân Công bị chặn ngay từ bưu điện là “bằng chứng” để hãm hại ông Từ. Ngày 18/9/2018, ông bị xét xử phi pháp.

Luật sư chỉ ra rằng quyền thông tin dân sự của thân chủ đã bị xâm phạm. Ông Từ Vĩnh Thanh bị tòa án kết án 2 năm và phạt 5.000 nhân dân tệ (NDT, khoảng 744USD). Sau khi ông kháng cáo, Tòa án cấp Trung Dương Châu đã giữ nguyên bản án oan này.

Ông Từ Vĩnh Thanh bị đưa đến nhà tù Hồng Trạch Hồ ở tỉnh Giang Tô. Trong giai đoạn này, việc lao động quá sức đã khiến cơ thể và tinh thần của ông suy kiệt. Gia đình thấy ông hoạt động chậm chạp, tinh thần uể oải, thắt lưng và cổ có vấn đề.

Sau khi ra tù, do sức khỏe yếu, ông thất nghiệp ở nhà. Dù sinh sống ở đâu, ông đều bị theo dõi, quấy rối, xua đuổi, khiến ông phải chuyển nhà 4 lần.

Ngày 20/10/2021, khi từ quê nhà trở về Thượng Hải, ông đã bị lục soát ở ga xe lửa Long Tuyền, Chiết Giang. Họ tìm thấy một cuốn sách Pháp Luân Công và một ổ USB. Ông bị bắt cóc và đưa đến Trung tâm giam giữ ở thành phố Long Tuyền, hiện đã bị vu khống đưa ra tòa, và phải đối mặt với những phán quyết phi pháp.


Ông Ngô Thiệu Bình, một cựu luật sư nhân quyền ở Đại Lục, từng nói với phóng viên của Epoch Times rằng: “ĐCSTQ sợ người dân có đức tin, giới tinh hoa trong xã hội có đức tin càng khiến họ sợ hơn. Vì có đức tin trong tâm, sẽ thúc đẩy họ tác động đến nhiều người hơn theo đuổi tín ngưỡng của mình, theo đuổi ‘Chân, Thiện, Nhẫn’ do Pháp Luân Công đề xướng, và sẽ có nhiều người đi tìm sự thật hơn.”

Ông tin rằng tầng lớp tinh hoa này có nhiều ảnh hưởng hơn những người bình thường tin vào Pháp Luân Công. Hơn nữa, nếu họ kiên định với đức tin của mình, họ có thể thúc đẩy nhiều người gia nhập hàng ngũ này.


Vì vậy, ĐCSTQ sợ sức ảnh hưởng của họ, và sẽ bức hại họ bằng mọi giá, “bức hại họ còn nghiêm trọng và bi thảm hơn những người bình thường.”

Theo Minghui.org, năm 2020, gần 400 tinh anh thuộc mọi tầng lớp tu luyện Pháp Luân Công bị bức hại. Trong số đó, ít nhất 320 người đã bị bắt cóc và quấy rối, 20 người bị bức hại đến chết và 53 người bị kết án phi pháp. Trong nửa đầu năm 2021, ít nhất 209 tinh anh đã bị đàn áp, trong đó có 12 người chết, 57 người bị kết án bất hợp pháp, 64 người bị bắt cóc, 65 người bị sách nhiễu và 11 người bị cưỡng bức đưa đến các trung tâm tẩy não.

Dưới đây là ví dụ về những trường hợp giới tinh hoa tu luyện Pháp Luân Công đã bị bức hại nhiều lần trong các nhà tù của ĐCSTQ.

Nhạc sĩ Bắc Kinh Vu Trụ và người vợ Hứa Na (phải). Ngày 14/1/2022, cô Hứa Na bị kết án 8 năm tù vì tín ngưỡng vào Pháp Luân Công. (Ảnh: Epoch Times)

Bà Hứa Na, 53 tuổi là một họa sĩ, nhà thơ, và học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh. Ngày 19/7/2020, bà Hứa đã bị Giám đốc Sở cảnh sát Sân bay Thuận Nghĩa Bắc Kinh, phối hợp với Lực lượng An ninh Quốc gia Bắc Kinh bắt cóc tại nhà riêng và đưa đến trại giam Đông Thành. Đây là lần thứ 3 bà bị bắt cóc.


Lý do chính để truy tố bà phi pháp là “ đăng ảnh và bài viết lên mạng trong thời gian dịch bệnh.” Ngày 14/1/2022, bà bị kết án 8 năm tù oan.

Năm 2008, bà và người chồng Vu Trụ, một nhạc sĩ đa tài, bị bắt cóc. 8 ngày sau, ông Vu Trụ bị cảnh sát đánh chết, bà bị kết án oan 3 năm. Tháng 11/2001, bà lại tiếp tục bị kết án oan 5 năm và bị tra tấn.

Ông Hùng Huy Phong và người vợ Lưu Nguyên Kiệt. (Ảnh: Minghui.org)

Ông Hùng Huy Phong, 82 tuổi, sinh tại Tỷ Quy, Hồ Bắc vào năm 1938. Ông từng là phó giám đốc và nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu 8358, thuộc Bộ Hàng không và Du hành vũ trụ, kiêm giám đốc của Hiệp hội Du hành vũ trụ Trung Quốc, là chuyên gia được hưởng phụ cấp đặc biệt của quốc gia.

Tháng 8/2014, ông lại bị bắt cóc và bỏ tù vì không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Sau đó ông bị kết án 7,5 năm tù oan và hiện vẫn đang ở sau song sắt nhà giam.

Ngày 3/3/2015, bà Lưu Nguyên Kiệt, vợ của ông Hùng Huy Phong, đã chết một cách thương tâm sau khi chồng bà bị bắt cóc. Bà là kỹ sư cao cấp của Viện nghiên cứu 8358, có nhiều đóng góp quan trọng cho lĩnh vực tên lửa hàng không của Trung Quốc.

Ông Lý Chí Cương. (Ảnh: Minghui.org)

Ông Lý Chí Cương, quê ở Trường Sa, cựu nghiên cứu sinh tại Đại học Công nghệ Quốc phòng, bị cảnh sát xông vào nhà bắt cóc phi pháp vào tối ngày 27/10/2020. Sau đó, ông bị chuyển đến trại giam thành phố Trường Sa. Ngày 21/12/2021, ông bị xét xử phi pháp và bị tòa án kết án oan 5 năm 3 tháng.


Ông Lý Chí Cương từng bị đưa đi cải tạo lao động phi pháp 1,5 năm vì không từ bỏ tu luyện. Tháng 8/2003, Giang Trạch Dân chạy đến Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc phòng. Sau khi nghe trường đại học này báo cáo về Lý Chí Cương, ông ta lập tức tuyên bố treo giải 1 triệu nhân dân tệ (NDT, khoảng 149.476 USD) để “hạ gục” Lý Chí Cương trong thời hạn. Sau khi bị khủng bố dã man, vào tháng 9 cùng năm, ông Lý bị kết án 5 năm tù phi pháp và bị đưa đến nhà tù quân sự Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam.

Bà Vương My Hoằng cùng con gái Minh Huệ. (Ảnh: Minghui.org)

Bà Vương My Hoằng, 63 tuổi, quê ở Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang, là một nữ kỹ sư cao cấp. Bà đã bị bức hại 11 năm tù oan vì tu luyện Pháp Luân Công. Ngày 23/11/2020, bà bị cảnh sát từ đồn cảnh sát Hà Tây của Cục Công an quận Nam Cương, thành phố Cáp Nhĩ Tân bắt cóc và vu khống. Tháng 7/2021, bà bị Tòa án quận Đạo Lý, Cáp Nhĩ Tân kết án 4 năm tù oan.


Chồng bà là ông Vu Tông Hải, một họa sĩ và là một học viên Pháp Luân Công, đã bị kết án 15 năm tù phi pháp vì treo biểu ngữ “Pháp Luân Đại Pháp Hảo” và bị tra tấn. Minh Huệ, cô con gái út của họ, phải chạy đi chạy lại giữa 2 nhà tù để thăm cha mẹ mình. Sau đó, cô ấy đi du học ở Anh và bôn ba tìm cách cứu song thân.

Ông Hàn Húc. (Ảnh: Minghui.org)

Ông Hàn Húc, khoảng 55 tuổi, thông thạo 4 thứ tiếng, nguyên là nhà xuất khẩu, kiêm giám đốc trung tâm tính toán của Công ty Xuất nhập khẩu Thảm Cam Túc. Ông phải chịu cảnh tù oan suốt 10 năm, trải qua những lần thập tử nhất sinh, vợ con thì ly tán. Năm 2019, ông lại bị bắt cóc, và sau khi bị giam giữ bất hợp pháp gần 2 năm, ông bị kết án oan 3 năm.

Ông từng bị tra tấn rất dã man. Sau khi cảnh sát trói ông lại, họ đặt ông vào giữa lưng của 2 chiếc ghế và ép ông thành hình chữ V, khiến đầu chạm vào bắp chân. Sau đó, họ chà xát và đánh vào các huyệt đạo trên vai khiến ông đau đớn cùng cực, gần như sắp chết ngạt.

Ông Cù Diên Lai. (Ảnh: Minghui.org)

Ông Cù Diên Lai, sinh năm 1977, quê ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, tốt nghiệp khoa Kỹ thuật năng lượng của Đại học Giao thông Thượng Hải.

Ông bị giam giữ phi pháp 5 năm từ năm 2002. Trong thời gian đó, ông phải chịu sự tra tấn khó có thể tưởng tượng được. Ông đã tuyệt thực kháng nghị hơn 4 năm và bị bức thực dã man mỗi ngày. Tháng 8/2019, ông lại bị kết án 5 năm tù phi pháp và hiện vẫn bị giam giữ tại nhà tù Hô Lan, tỉnh Hắc Long Giang.

Các tù nhân đã kéo ông từ sàn bê tông bên ngoài, quăng lên xe cảnh sát, để đưa đi bức thực. Đầu gối và ngón chân của ông bị cọ xát vào những vật cứng nhỏ xíu trên nền bê tông, đau đến thấu tim. Cảm giác ống truyền bức thực được đưa từ mũi vào bụng giống như một con rắn hổ mang đang chui vào cơ thể, đau đớn tột cùng.

Vì sao những tinh hoa trong giới văn hóa, nghệ thuật, thể thao này chọn tu Pháp Luân Công?


Cô Thịnh Tuyết (Sheng Xue), một nhà văn người Canada gốc Hoa, nói với Epoch Times rằng: “Bởi vì nhóm Pháp Luân Công tin vào ‘Chân, Thiện, Nhẫn’, họ có lương tri và chính nghĩa. Đây là lĩnh vực tập trung giới tinh hoa. Do đó, chúng ta có thể thấy rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ hơn 20 năm qua hoàn toàn vô lương tâm. Hơn nữa hiện giờ họ vẫn đang đẩy mạnh cuộc bức hại Pháp Luân Công. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy một nhóm lớn trong giới tinh anh lại bị ĐCSTQ bức hại dã man như vậy.”


Luật sư Ngô Thiệu Bình nói: “Đặc biệt là trong xã hội dưới sự thống trị của ĐCSTQ, mọi người đều coi tiền bạc và chủ nghĩa sung bái vật chất là mục tiêu của mình. Trong môi trường xã hội đó, việc tầng lớp tinh anh này có thể kiên định giữ vững đức tin của họ và theo đuổi ‘Chân, Thiện, Nhẫn’, tin vào Pháp Luân Công vốn dĩ đã là chuyện tích cực và không hề dễ dàng đối với bản thân họ. Những người này đều rất đáng ngưỡng mộ!”


Theo Lý Khiết Tư / Epoch Times

Bí mật 26 năm tu luyện của võ sư nổi tiếng Lý Hữu Phủ Chủ tịch hội đồng giám khảo cuộc thi Võ thuật Trung Quốc Thế giới lần thứ nhất năm 2008 là võ sư nổi tiếng Lý Hữu Phủ (Li Youfu - 李有甫).

Chia sẻ Facebook